Dư luận sốc không chỉ vì doanh thu gần 4.000 tỷ đồng của Công ty Việt Á trong việc cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế của 62 tỉnh, thành phố; hay việc Giám đốc CDC Hải Dương nhận "lại quả" gần 30 tỷ đồng, mà đằng sau những con số "khủng" này là hàng loạt câu hỏi đặt ra.
Vì sao kit của Công ty Việt Á chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) test, thậm chí bị loại ngay ở vòng hồ sơ từ tháng 10-2020, nhưng vẫn được cả nước sử dụng gần 2 năm qua? Thế lực nào đã "chống lưng" cho Công ty Việt Á hoành hành? Quy trình chỉ định thầu rút gọn mua bộ xét nghiệm COVID-19 có thực sự hiệu quả? Với bộ kit mù mờ về chất lượng, liệu có tình trạng sai lệch kết quả xét nghiệm, ảnh hưởng đến công tác chẩn đoán và điều trị hay không?
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công an và các bộ liên quan đẩy nhanh điều tra vụ án nói trên. Những hành vi gian dối, khuất tất rồi sẽ bị phơi bày trước công luận. Những kẻ "đục nước béo cò", làm giàu bất chính trong đại dịch theo kiểu "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi" phải bị xử lý trước pháp luật.
Song, điều đáng nói là vụ án này đang tác động mạnh mẽ đến niềm tin của hàng triệu triệu người dân trong lúc dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi gia đình, nhất là những người lao động nghèo; ảnh hưởng đến việc học tập của hàng triệu học sinh, sinh viên.
Vậy ai phải chịu trách nhiệm cho sai phạm nghiêm trọng này?
Cần nhớ rằng trong lúc cả nước gồng mình chống dịch; các nhân viên y tế tình nguyện lên tuyến đầu, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm; các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị xoay xở vượt qua khó khăn khi thực hiện "3 tại chỗ", nhiều doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa; người dân đồng lòng tiết kiệm để ủng hộ quỹ vaccine; các bệnh nhân Covid-19 qua đời mà không được người thân đưa tiễn; người người, nhà nhà phải xếp hàng để "ngoáy mũi" nhiều lần; thì giá kit xét nghiệm COVID-19 lại "nhảy múa" loạn xạ ở mỗi địa phương mỗi khác. Chẳng lẽ cơ quan quản lý không biết, không hay?
Dư luận yêu cầu Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Y tế công khai thông tin liên quan kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Hành vi tham nhũng, trục lợi là không thể chấp nhận; hành vi này được thực hiện trên sức khỏe và tính mạng của bao người thì càng táng tận lương tâm, cần bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật.
Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, một số nước ở khu vực Đông Nam Á đã có ca mắc biến thể mới Omicron. Số ca nhiễm COVID-19 trên cả nước được ghi nhận hằng ngày vẫn ở con số hơn 10.000 người. Việc tiếp tục thực hiện xét nghiệm, truy vết F0 là không thể tránh khỏi. Vậy thì làm sao ngăn chặn tình trạng tùy tiện "làm giá", thu lợi bất chính như thế, để không còn một Công ty Việt Á thứ hai, thứ ba...; không còn cán bộ y tế lợi dụng dịch bệnh để tham nhũng hàng chục tỷ đồng như Giám đốc CDC Hải Dương?
Năm 2021 rồi cũng khép lại. Năm mới 2022 sẽ đến với niềm hy vọng về những điều tốt đẹp hơn, những ngày tràn đầy ánh nắng, tiếng cười, niềm hạnh phúc. Trong những ngày cuối cùng của năm cũ, chúng ta phải đón nhận một câu chuyện rất đỗi đau lòng, xót xa và cả phản ứng bức xúc, giận dữ liên quan công tác phòng chống dịch bệnh.
Song, theo quy luật của cuộc sống, những cảm xúc như thế, kể cả tâm trạng lo lắng, bất an trong trạng thái "bình thường mới" rồi cũng sẽ qua. Những sai phạm sẽ bị xử đúng người, đúng tội, bảo đảm tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định về công tác phòng chống tham nhũng: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động không trong sáng bởi bất cứ tổ chức, cá nhân nào.
Theo Tổ quốc