Đất nước ta đã trải qua năm Tân Sửu 2021 với nhiều khó khăn, thách thức bởi tác động của dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 bắt đầu từ cuối tháng 4, kéo dài trong nhiều tháng đã khiến cho các hoạt động kinh tế-xã hội bị tê liệt. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, hàng quán, cơ sở kinh doanh phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động nhiều tháng để phòng, chống dịch. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do mất việc làm, mất thu nhập.
Trước khó khăn, thách thức đó, Đảng, Chính phủ đã có những biện pháp chỉ đạo và giải pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt để vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội và chăm lo đời sống người dân. Do vậy, kết thúc năm 2021, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng gần 2,6% so với năm 2020. Trong đó, nhiều chỉ tiêu như thu ngân sách nhà nước, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài đạt khá cao và vượt kế hoạch năm. Đời sống người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ khó khăn, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội… được quan tâm hỗ trợ.
Tính đến nay, sau hơn 3 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Các hoạt động bình thường của xã hội đang từng bước trở lại, kinh tế phục hồi và phát triển rất rõ nét.
Điều này có thể thấy rõ qua việc hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh đã mở cửa bình thường trở lại. Những ngày giáp Tết, người dân hối hả mua sắm hàng hóa, không còn cảnh đìu hiu vắng vẻ như trước. Đặc biệt, từ khoảng hơn 1 tuần nay, lượng người về quê đón Tết qua sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) đông nghịt như những năm chưa xảy ra dịch. Nhìn vào những hình ảnh đó, người xem có thể cảm nhận được sức sống đang hồi sinh mạnh mẽ sau thời gian dài bị đại dịch tấn công.
Nguyên nhân, bên cạnh việc dịch bệnh được kiểm soát, tỷ lệ dân số được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đạt cao, còn do thời điểm giáp Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về “thích ứng linh hoạt, an toàn”, các bộ, ngành và các địa phương đã nới lỏng hoặc bãi bỏ nhiều quy định về đi lại, kiểm soát người từ nơi khác về, tạo điều kiện cho người dân về quê đón Tết nhiều hơn.
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về công tác phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sáng 27/1, BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 khẳng định, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc. Số ca nhiễm dao động xung quanh khoảng 15.000 ca mỗi ngày, nhưng số ca chuyển nặng giảm rõ. Đặc biệt, số ca tử vong giảm rất sâu, từ khoảng 2,4% tổng số nhiễm giảm xuống còn khoảng 1,2% sau khi triển khai mạnh mẽ công tác tiêm chủng và chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp khi nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022 tăng cao. Những hoạt động này có thể sẽ tiếp tục xảy ra nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron và thậm chí có thể có những biến thể mới khác ngoài Omicron. Trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số ca nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền).
Thực tế cho thấy, giáp Tết là khoảng thời gian mà nguy cơ dịch bệnh dễ bùng phát nhất khi hoạt động giao thương, họp mặt, liên hoan, đi lại diễn ra nhiều hơn, tập trung đông người hơn. Đây cũng là thời điểm nhiều người nảy sinh tâm lý chủ quan, nhất là khi hầu hết người dân đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Các đợt dịch bùng phát trong năm 2019 và 2020 cũng từng xảy ra trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán.
Mục tiêu của Chính phủ là vừa phòng chống, kiểm soát dịch hiệu quả, vừa tổ chức cho nhân dân đón Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh. Do vậy, cả hệ thống chính trị và mỗi người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong dịp Tết. Vui Xuân nhưng cần tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng, chống dịch, trong đó có yêu cầu 5K để bảo vệ an toàn cho chính mình, cho người thân và cho cộng đồng./.
Nguyên Đức