Ngày 25/5/2020, Ngân hàng thế giới (World Bank) công bố báo cáo cập nhật chính sách về Covid-19. Theo World Bank đánh giá, hầu hết các quốc gia đều đang rơi vào suy thoái và dự kiến sẽ chưa thể phục hồi trước cuối quý 3 năm 2020, nhưng sự phục hồi hy vọng sẽ gia tăng mạnh mẽ trong suốt năm 2021. Các dự báo kinh tế cho Việt Nam cũng đã được điều chỉnh giảm đáng kể.
Đối mặt với những thách thức mới
World Bank đánh giá sự bùng phát của dịch COVID-19 cho đến nay đã được ngăn chặn tại Việt Nam thông qua việc kết hợp các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát thông minh. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức mới trong bối cảnh đại dịch tiếp tục lây lan trên toàn cầu.
World Bank dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm một nửa so với trước khủng hoảng, dự kiến chỉ ở mức 3,0% vào năm 2020. Thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu dự kiến đều sẽ giảm, làm thâm hụt ngân sách khoảng 5 tỷ USD, do đó sẽ cần phải có các khoản vay mới.
Dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 3% trong năm 2020. Ảnh: Kinh tế và Đô thị |
Biện pháp ứng phó về tài chính của Chính phủ, trong đó kết hợp hỗ trợ về thuế và an sinh xã hội, dự kiến sẽ làm giảm nhẹ tác động kinh tế ngắn hạn liên quan đến đại dịch COVID 19. Tuy nhiên, thách thức chính là làm sao để triển khai nhanh chóng và hiệu quả các biện pháp trên. Nới lỏng chính sách tiền tệ và tín dụng dễ dàng tạo ra nguồn vốn đệm mà các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mong chờ, nhưng cần giám sát chặt chẽ khi các ngân hàng ngày càng phải đối mặt với suy thoái kinh tế, ảnh hưởng đến chất lượng tài sản, nợ phải trả và khả năng sinh lời theo thời gian.
Trong khi đó, Kho bạc Nhà nước có thể phải đối mặt với những thách thức về thanh khoản trong ngắn hạn vì hầu hết các giải pháp là hoãn nộp thuế trong vài tháng tới, cơ quan quản lý thuế sẽ thu hồi nguồn thu thuế này trước cuối năm nay.
Khuyến nghị nhiều giải pháp
World Bank cho rằng, Việt Nam cần tránh một cuộc suy thoái kinh tế sâu và kéo dài vì nó có thể gây thiệt hại lâu dài, có khả năng làm xói mòn nguồn nhân lực và suy yếu các thể chế.
Giải pháp đúng hướng của chính phủ, doanh nghiệp và người dân có thể thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế nhanh, mạnh và bền vững hơn.
Giải pháp thông thường là sử dụng các gói kích thích tài khóa để tăng chi, đặc biệt là cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tạo ra tác động kép cần thiết đối với nền kinh tế. Theo ước tính tại Việt Nam, khi giải ngân đầu tư công tăng thêm 10% thì tăng trưởng GDP sẽ tăng thêm 0,6%.
Có giải pháp giảm thiểu chi phí giao dịch và cắt giảm các quy định, thủ tục không cần thiết. Hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông, đảm bảo tính phối hợp trong quá trình ra quyết định và tiến độ của quá trình thực hiện.
Mở rộng các cơ hội thu nhập bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận công việc, đặc biệt là đối với các nhóm dễ bị tổn thương, là một nhiệm vụ quan trọng để giảm nguy cơ mất mát nguồn nhân lực do COVID-19.
Các hành động bảo vệ và tạo việc làm, cũng như để tăng cường nguồn nhân lực, bao gồm các biện pháp ngắn hạn và dài hạn. Xem xét các xu hướng lớn như tăng trưởng của nền kinh tế tri thức, mở rộng phạm vi áp dụng tự động hóa, chuyển dịch các mô hình thương mại và những thay đổi về cách thức làm việc.
Với các doanh nghiệp, có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn để khôi phục cơ cấu nhân sự, hàng hóa tồn kho, chuỗi cung ứng, doanh thu và nguồn vốn sau nhiều tuần hay nhiều tháng tạm ngừng hoạt động. Tương tự như vậy, việc thực hiện và lồng ghép hài hòa các chính sách điều tiết cũng cần nhiều thời gian để nền kinh tế toàn cầu thực sự hoạt động trở lại...
“Điều quan trọng là Chính phủ phải thực hiện theo một chiến lược có trình tự để hỗ trợ hầu hết các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn và chuẩn bị đủ sớm để tái khởi động nền kinh tế khi cuộc khủng hoảng y tế chấm dứt” - Báo cáo của World Bank nhấn mạnh.