Do đó, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nước ngoài đặt ra. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi tư duy và chủ động chuyển đổi để đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Áp lực buộc phải thay đổi
Trước đây, vấn đề môi trường và thương mại luôn được đặt ra tại các diễn đàn thế giới. Nhưng câu chuyện chỉ dừng lại ở mức bàn thảo, mà chưa có tác động đáng kể tới hoạt động thương mại, vì chưa có tính cưỡng bức.
Tuy nhiên, khi nhiều quốc gia ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững, thể hiện thông qua các cam kết chính trị mạnh mẽ tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và COP27. Cũng như việc EU ban hành và dự kiến ban hành hàng loạt đạo luật thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD), nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường, đã tạo nên áp lực lớn cho các quốc gia xuất khẩu như Việt Nam.
Mới đây, vào đầu tháng 7, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU đã đề xuất các quy tắc buộc nhà sản xuất phải đảm nhận trách nhiệm cho toàn bộ vòng đời của sản phẩm dệt may và hỗ trợ sự quản lý bền vững rác thải dệt may trên toàn EU. Theo đó, các công ty bán hàng thời trang cho người tiêu dùng EU sẽ phải thanh toán cho việc xử lý rác thải dệt may. Dự kiến, đến năm 2025, các quy tắc này sẽ có hiệu lực.
Trước đó, vào cuối tháng 6, EU đã ban hành Quy định Chống suy thoái rừng (EUDR). Theo đó, các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ và các sản phẩm phái sinh tại EU phải chứng minh hàng hóa mà họ bán không liên quan đến hoạt động phá rừng từ sau năm 2021. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 4% doanh số hàng năm thu được trên toàn EU.
Giữa tháng 5 vừa qua, EU cũng đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Quy định này buộc các nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa. Nếu lượng phát thải vượt quá tiêu chuẩn của EU, doanh nghiệp sẽ phải mua chứng chỉ phát thải theo mức giá EU quy định.
Ngoài ra, nhiều quốc gia cũng đã ban hành đạo luật về Nghĩa vụ thẩm định chuỗi cung ứng như Đức, Pháp, Na Uy, Mỹ, Australia, Canada,… Nghị viện EU cũng đã thông qua đề xuất Chỉ thị về thẩm định chuỗi cung ứng. Mục tiêu của các đạo luật này cũng là nhằm buộc các công ty phải có trách nhiệm bảo vệ quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có thể thấy, các nhóm hàng chịu ảnh hưởng đều là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Mặc dù, các quy định trên đều có giai đoạn chuyển tiếp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian để chuyển đổi thích ứng, nhưng thời gian là không nhiều và áp lực buộc phải chuyển đổi là rất lớn, nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển.
Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá, chưa bao giờ từ khóa xanh và phát triển bền vững lại có tính cưỡng bức và tính áp đặt mạnh mẽ như hiện nay. Nếu không chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại, vì nếu không xanh, khách hàng sẽ không mua.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, các quy định về bảo vệ môi trường tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như EU, Bắc Mỹ và các thị trường Đông Bắc Á ngày càng chặt chẽ hơn. Chính phủ Hoa Kỳ và Canada cũng đang cân nhắc các cơ chế tương tự CBAM và EUDR của EU. EU cũng nêu rõ các nhóm mặt hàng nằm trong CBAM và EUDR sẽ được mở rộng trong tương lai.
Bài học từ ngành dệt may cho thấy, trước đây chúng ta tự hào ngành dệt may đi trước các nước như Bangladesh, Campuchia. Nhưng hiện nay, họ đã đi trước trong chuyển đổi xanh.
Do vậy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không chuyển đổi, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, đơn hàng không chỉ bị giảm bởi nhu cầu sụt giảm, mà còn có thể bị mất vào tay các đối thủ cạnh tranh.
Vì ngoài chất lượng và giá cả, khách hàng sẽ lựa chọn những doanh nghiệp đáp ứng được cao nhất yêu cầu; trong đó có yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Đồng bộ các giải pháp
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy chuyển đổi xanh hóa và phát triển bền vững, bên cạnh quyết tâm chính trị và hỗ trợ của Nhà nước, cùng giải pháp phát huy quyền lợi của người tiêu dùng, mỗi doanh nghiệp phải chủ động thay đổi tư duy và chuyển đổi chính mình.
Theo ông Võ Trí Thành, mặc dù Việt Nam đã có Kế hoạch hành động cho Chiến lược Tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, nhưng kết quả chỉ đạt 3/12 mục tiêu đề ra. Các chuyển động xanh của doanh nghiệp còn hạn chế. Tỷ lệ sản phẩm xanh đáp ứng tiêu chuẩn thị trường, nhất là EU, còn thấp, chỉ khoảng 5%.
Trong khi đó, các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế và cơ quan quản lý Nhà nước đều cho thấy, các doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu xanh đều có có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với bình quân toàn thị trường 2,5% - 11,4%. Uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp được nâng cao, chi phí tài nguyên được tiết giảm, năng suất lao động tăng. Vốn được tiếp cận dễ dàng hơn. Đơn hàng có được tốt hơn doanh nghiệp khác khi cầu từ thị trường đối tác giảm.
Do vậy, để chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, các doanh nghiệp phải quán triệt tư duy chuyển đổi từ lãnh đạo cao nhất đến các nhân viên cấp thấp nhất. Doanh nghiệp phải đảm bảo 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Trong số đó, bền vững về kinh tế là yếu tố cốt lõi, vì nếu kinh doanh không hiệu quả thì cũng sẽ không đảm bảo được yếu tố về xã hội và môi trường.
Ông Nguyễn Hữu Nghị, chuyên gia xúc tiến xuất khẩu của Trung tâm Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) cho rằng, phát triển bền vững đã là xu hướng hiện hữu nên các doanh nghiệp buộc phải đầu tư chiến lược marketing ngay từ đầu. Xác định rõ thị trường mục tiêu cần những chứng nhận nào thì đầu tư các chứng nhận đó. Tránh đầu tư tràn lan, tốn kém vì mỗi thị trường có tiêu chuẩn chứng nhận khác nhau. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường, giá trị thương hiệu gia tăng, về dài hạn sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí.
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn doanh nghiệp, ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững công ty Nhựa tái chế Duy Tân, một trong những doanh nghiệp tiên phong mở đường cho ngành nhựa tái chế Việt Nam cho biết, sau 5 năm nỗ lực đầu tư chuyển đổi xanh hóa và tuần hoàn, sản phẩm hạt nhựa tái chế của công ty đã xuất khẩu được sang Mỹ và EU.
Trong số đó, năm 2022, công ty đã xuất khoảng 300 nghìn tấn. Đặc biệt, các hạt nhựa do công ty tái chế đáp ứng được tiêu chuẩn dùng cho thực phẩm, nghĩa là quay lại vòng tuần hoàn, không phải tốn nguyên liệu hóa thạch đầu vào cho các nhà máy sản xuất.
Khách hàng của công ty đều là những thương hiệu hàng đầu thế giới như Coca Cola, Pepsi, Unilever, Nestle… “Đó là những động lực lớn cho chúng tôi tiếp tục đầu tư để phát triển”, ông Lê Anh nói.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, ở góc độ quản lý nhà nước, Việt Nam đã và đang tích cực rà soát, hoàn thiện pháp luật để phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Hiện dự thảo Nghị định về cơ chế, chính sách cho kinh tế tuần hoàn và xanh hóa đang trong quy trình xin ý kiến của các cơ quan chức năng. Hy vọng cuối năm nay, Nghị định sẽ được ban hành, để tạo thêm hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, có nhiều doanh nghiệp cho rằng không cần tham gia thị trường xanh vì họ không tham gia xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm, bởi nếu làm tốt sản xuất xanh, doanh nghiệp được thừa tín chỉ. Trong khi, doanh nghiệp xuất khẩu lại cần mua tín chỉ đó, cho nên, chuyển đổi xanh và tuần hoàn cũng là cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp.
Mặt khác, để có thể thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, theo ông Dương, giải pháp đột phá nhất là cần phát huy hơn nữa quyền của người tiêu dùng trong nước. Nhằm tạo áp lực buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi xanh, phát triển bền vững mới có thể cạnh tranh, đứng vững và phát triển trên thị trường. Vì luật cạnh tranh hiện nay chưa cho phép các doanh nghiệp cạnh tranh nhau tự đứng ra làm công việc sàng lọc đó.
Cùng chia sẻ quan điểm này, bà Vũ Ngọc Mai – chuyên viên Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển cho rằng, các doanh nghiệp cần hợp tác với các tổ chức xã hội để nhận được tư vấn phù hợp về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Bởi hơn ai hết, các tổ chức xã hội hiểu rõ nhu cầu của người tiêu dùng, đóng góp tiếng nói trung lập hơn trong câu chuyện cân bằng giữa lợi ích kinh tế và lợi ích chung cho xã hội.
Nguồn TTXVN