Phiên thảo luận thứ nhất tại Hội thảo. Ảnh: Tổ quốc
Hệ giá trị con người là hệ giá trị cốt lõi
Trình bày tham luận tại Hội thảo với chủ đề "Tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng, thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, GS.TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, nói về văn hóa cũng là nói về con người, vì văn hóa là của con người, do con người, vì con người. Tuy nhiên, trong thực tế, không ít trường hợp đã hiểu sai lệch, coi văn hóa là những công việc, những hoạt động trên lĩnh vực văn hóa (như múa hát, biểu diễn, lễ hội…), không tập trung cho mục tiêu trọng tâm, cốt lõi là xây dựng con người.
Chính vì vậy, trong Nghị quyết Trung ương lần này có thêm một quan điểm khẳng định vấn đề trọng tâm, cốt lõi của xây dựng văn hóa là xây dựng con người.
Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, hội thảo với chủ đề "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" mang tính khoa học, phù hợp với quy luật và quan hệ giữa văn hóa và con người, đi vào mục tiêu cao nhất, "trọng tâm, cốt lõi" của phát triển văn hóa là xây dựng, nuôi dưỡng, gìn giữ và phát triển các hệ giá trị văn hóa trên.
GS.TS. Đinh Xuân Dũng đánh giá, kết quả nghiên cứu về Hệ giá trị quốc gia chưa đáng kể vì nội dung này mới đưa vào Văn kiện Đại hội XIII năm 2021. Kết quả nghiên cứu về hệ giá trị con người Việt Nam, gia đình Việt Nam rất đáng quý, nhiều đề xuất có sự tổng kết thực tiễn, song chưa có sự thống nhất về các giá trị cụ thể, vì vậy, mới chỉ dừng lại ở công bố các kết quả đó trên sách, báo, tạp chí… mà chưa hề được công nhận, đồng thuận để tạo sự tự giác thực hiện trong xã hội.
"Còn một khoảng cách quá lớn giữa nghiên cứu và triển khai trong thực tiễn. Việc xây dựng các chuẩn mực cụ thể cho từng đối tượng trở thành phong trào khá sôi nổi, đến tận làng, bản (hương ước văn hóa), song hiệu quả thực sự còn rất hạn chế. Đó là những vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới. Vì vậy, các hội thảo, thảo luận, làm việc nhóm dân chủ và có mục tiêu, định hướng là rất cần thiết"- GS.TS Đinh Xuân Dũng cho biết.
GS.TS Đinh Xuân Dũng cũng kiến nghị có một bộ phận chỉ đạo và điều hành theo một dự án, một kế hoạch có thời hạn và có một nhóm các nhà khoa học, chuyên gia trên lĩnh vực này với chức năng như một Trung tâm nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu các giá trị văn hóa Việt Nam.
Trình bày tham luận "Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay", PGS.TSKH Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, trong gần 4 thập niên qua phát triển toàn diện con người Việt Nam đã trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; việc xây dựng con người theo các giá trị, tiêu chí và chuẩn mực con người, được nêu ở Nghị quyết TW 5 khóa VIII và Nghị quyết TW 9 khóa XII, đạt được những thành tựu nổi bật. Các giá trị, tiêu chí và chuẩn mực xây dựng và phát triển con người Việt Nam được được hiện thực hóa và phát huy tác dụng rất to lớn, quyết định các thành tựu của đất nước.
Chỉ số HDI và các chỉ số khác về phát triển con người không ngừng gia tăng đạt mức cao hơn so với các quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân GDP/người/năm. Nhưng, chất lượng của việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam cũng đang có vấn đề nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, đang gây nên rất nhiều hệ lụy không mong muốn cho chính con người và xã hội, cản trở công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Theo PGS.TSKH Lương Đình Hải, nhiều biểu hiện phản giá trị, phi văn hóa, thiếu nhân văn, vẫn tồn tại làm giảm sút niềm tin vào công bằng, lẽ phải, vào các cơ quan Đảng và Nhà nước, làm suy giảm khát vọng và động lực phát triển đất nước và con người.
Nhiều vấn đề nóng bỏng của đất nước, từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, xã hội và chính bản thân con người đều trực tiếp hoặc gián tiếp gắn liền những vấn đề về các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình, con người và cộng đồng. Xã hội Việt Nam vẫn đang tiếp tục các quá trình chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường, từ xã hội khép kín, "đóng cửa" sang "mở", chủ động và tích cực hội nhập. Trong bối cảnh đó đòi hỏi xây dựng, phát huy, phát triển các giá trị con người là rất cần thiết, rất có ý nghĩa trên nhiều mặt, nhiều phương diện.
Hệ giá trị con người là một cấu thành đặc biệt quan trọng trong hệ thống nhiều hệ giá trị Việt Nam khác nhau cùng tồn tại trong giai đoạn lịch sử hiện nay của đất nước…
Trong mối quan hệ với các hệ giá trị cơ bản như hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng,… thì hệ giá trị con người còn thể hiện là hệ giá trị cốt lõi với nhiều giá trị xuyên suốt các hệ giá trị khác. Hệ giá trị con người ẩn chứa, kết tinh, thấm đẫm, trong nhiều mặt, nhiều nội dung của các hệ giá trị khác.
GS.TS. Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội trình bày tham luận: "Về vấn đề xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam" cho rằng: Xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia. Về thực chất, đó là sự tìm kiếm một tổng thể các giá trị tin cậy với chuẩn mực lý tưởng về con người, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng con người và toàn xã hội phát triển lành mạnh, phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực và tinh hoa văn hoá, văn minh nhân loại, thực hiện thành công mục tiêu kỳ vọng mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra là, phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao.
Từ điểm cầu TP Hồ Chí Minh, ông Hồ Bá Thâm, Phó chủ tịch Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài TPHCM trình bày tham luận Xây dựng hệ chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay để đưa vào cuộc sống. Theo đó, muốn các giá trị con ngươi Việt Nam đi vào cuộc sống phải cụ thể hóa thành chuẩn mực phù hợp với từng đối tượng và hoàn cảnh. Chính các chuẩn mực sẽ điều chỉnh ý thức và hành vi của mọi người và qua quá trình thực hiện các chuẩn mực thì giá trị con người được củng cố bền vững hơn. Ngoài 8 giá trị cốt lõi được cụ thể thành những chuẩn mực chung, chúng ta có thể cụ thể hóa nhiều giá trị khác cho thích hợp với từng loại người từng giai tầng xã hội từng thời kỳ khi vận dụng. Và cần có nhiều cách, nhiều giải pháp để thực hiện các giá trị - chuẩn mực này.
GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới trình bày tham luận về "Xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn mới: thực trạng và những vấn đề cần quan tâm". Với những đánh giá về thực trạng gia đình hiện nay, tỉ lệ bạo lực gia đình gia tăng, tỉ lệ ly hôn tăng. Dùng khái niệm "phân ly gia đình giữa thời bình", GS.TS Nguyễn Hữu Minh cho rằng, nhiều hệ lụy kéo theo như việc chăm sóc, giáo dục con cái chểnh mảng, tỉ lệ bạo hành trẻ em cũng tăng.
Theo ông Nguyễn Hữu Minh, nêu những giải pháp để xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn mới như: cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội; Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tạo thuận lợi cho người vợ và người chồng có cơ hội ngang nhau tham gia vào các hoạt động kinh tế và có vai trò bình đẳng trong các quyết định gia đình; Quan tâm củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống; Chuẩn bị tốt cho hệ thống an sinh xã hội công và phát huy vai trò của cộng đồng để phục vụ nhu cầu của chăm sóc trẻ em và người cao tuổi…
Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia
Trong tham luận: Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới, TS. Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) cho rằng, xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh và giàu bản sắc. Xây dựng gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người. Đó cũng chính là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường với những con người Việt Nam có tầm vóc thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, hội tụ trí tuệ, tài năng để nước ta hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, song vẫn giữ vững được đậm đà, đa dạng, bản sắc văn hóa dân tộc, đó cũng chính là nền tảng cơ bản, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới đưa Nghị quyết ĐH XIII vào cuộc sống.
Tại Hội thảo, PGS.TS. Đặng Thị Hoa, Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày tham luận Giữ gìn, phát triển hệ gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, các giá trị gia đình đang có nhiều thay đổi. Một số giá trị truyền thống vẫn luôn được đề cao, nhưng cũng có nhiều giá trị đang bị mai một, thay đổi và đồng thời có những giá trị mới xuất hiện. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình trong thời kỳ hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước. Các giá trị cốt lõi của gia đình được xác định là trọng tâm trong xây dựng con người Việt Nam mới với những giá trị chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội Nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: "Con người Việt Nam trong thời kỳ mới có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữ giá trị truyền thống với giá trị hiện đại…, được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với các giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh", hướng tới xây dựng gia đình là tế bào lành mạnh, vững chắc và làm các giá trị nền tảng cho phát triển xã hội./.
Theo Tổ quốc