Các vùng nông sản hàng hóa trên thuận lợi tiến tới hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, ổn định đầu ra sản phẩm, thu nhập và đời sống của người dân nâng lên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cho biết, để tập trung nguồn lực phát triển chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, UBND tỉnh đã ban hành danh mục các ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp quan trọng khuyến khích. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Địa phương cũng tổ chức và quản lý chuỗi giá trị nông sản đạt hiệu quả, khuyến khích hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ hợp tác với nhau và hợp tác, liên kết với các đối tác tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi giá trị nông sản. Qua đó, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa vừa đáp ứng nhu cầu thị trường… Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cùng các cấp, các ngành vận động nông dân vào làm ăn tập thể kiểu mới, tạo mối quan hệ sản xuất tiên tiến làm tiền đề liên kết chuỗi giá trị.
Tỉnh đã chọn 10 hợp tác xã nông nghiệp tham gia mô hình thí điểm hợp tác xã kiểu mới gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản hàng hóa giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, có 5 hợp tác xã thuộc lĩnh vực lúa gạo và 5 hợp tác xã chuyên ngành trái cây. Các hợp tác xã được hỗ trợ đầu tư trụ sở, kho bãi, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đào tạo và tập huấn nâng cao trình độ cán bộ hợp tác xã; xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra…
Nhờ vậy đến nay, Tiền Giang hình thành được 93 mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản. Trên lĩnh vực trồng trọt có 80 mô hình với diện tích 13.000 ha, sản lượng 121.800 tấn/ năm; lĩnh vực chăn nuôi hình thành 10 mô hình, quy mô 1,2 triệu con; lĩnh vực thủy sản có 3 mô hình, diện tích 282 ha, sản lượng 4.100 tấn.
Nổi bật có Hợp tác xã Mỹ Quới (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè) liên kết với Công ty TNHH Phước Lộc Thiên Hộ trồng lúa chất lượng cao. Công ty TNHH HK liên kết với các tổ chức nông dân ở huyện Gò Công Tây trồng lúa thơm VD - đặc sản Gò Công. Sản phẩm gạo thơm VD – đặc sản Gò Công của Công ty TNHH HK cũng đã đạt OCOP Tiền Giang hạng 3 sao…
Lúa hàng hóa trong các mô hình liên kết được doanh nghiệp thu mua cao hơn từ 200-300 đồng/kg. Ông Mai Đức Thắng, nông dân xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) liên kết 2 ha lúa sản xuất theo chuỗi giá trị với Công ty TNHH Thương mại HK cho biết: “Việc liên kết này giúp nông dân an tâm sản xuất. Đến mùa vụ, nông dân tổ chức thu hoạch, ghi lượng lúa khi cân giao doanh nghiệp và thu tiền, thật tiện lợi”.
Các Hợp tác xã rau an toàn Phú Quới (xã Yên Luông, Gò Công Tây), Hợp tác xã rau an toàn Gò Công (thị xã Gò Công), Hợp tác xã rau an toàn Hòa Thạnh (xã Bình Tân, Gò Công Tây), Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông (Gò Công Đông),.. hình thành chuỗi liên kết - tiêu thụ rau an toàn với hệ thống các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể, quy mô tiêu thụ đat từ 2-6 tấn sản phẩm/ ngày/hợp tác xã. Giá rau luôn cao hơn từ 2.000-3.000 đồng/kg so với sản xuất bên ngoài, nông dân an tâm về đầu ra.
Xác định vai trò chuỗi giá trị nông sản hàng hóa quyết định sự phát triển bền vững trong giai đoạn mới, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hưng Thịnh Phát (huyện Chợ Gạo) tuy mới thành lập vào tháng 3/2021 với 39 thành viên, vốn góp 500 triệu đồng cũng đã liên kết 200 nông hộ địa phương xây dựng vùng nguyên liệu 130 ha thanh long sản xuất theo tiêu chí GobalGAP phục vụ xuất khẩu.
Tương tự, Hợp tác xã Rau an toàn Hòa Thạnh (Bình Tân, Gò Công Tây) chuyển giao kỹ thuật trồng rau VietGAP, cung ứng vật tư đầu vào vừa bao tiêu đầu ra với giá ổn định, nông dân lãi cao…Giám đốc Nguyễn Thanh Quang cho biết, hợp tác xã đã liên kết cung ứng nông sản với chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh, hệ thống siêu thị và các bếp ăn tập thể. Sản lượng cung ứng ổn định ở mức 3 tấn rau các loại/ngày.
Tuy nhiên, thực tế, khâu tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều bất cập; tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tự phát phổ biến nên chi phí tăng, giá thành cao, giảm sức cạnh tranh. Việc áp dụng các tiêu chuẩn GAP vào sản xuất chưa rộng rãi nên số lượng nông sản sạch còn hạn chế. Trong khi đó, các vùng sản xuất chuyên canh của địa phương như: thanh long Chợ Gạo, dứa Tân Phước, lúa thơm VD 20 vùng Gò Công, sầu riêng Ngũ Hiệp, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Vĩnh Kim,…hứa hẹn lợi thế rất lớn trong xây dựng chuỗi nông sản hàng hóa.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, để thúc đẩy phát triển liên kết chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang hỗ trợ kỹ thuật, phát huy vai trò của nhà nước và doanh nghiệp đầu tàu trong liên kết dọc, tăng cường liên kết ngang, đa dạng hóa sản phẩm và tổ chức sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ…
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, tỉnh sẽ tiếp tục lập dự án xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực như: xoài cát Hòa Lộc, thanh long, sầu riêng, gà ri, chim cút…
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hỗ trợ xây dựng 110 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm khắc phục tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, không kiểm soát được chất lượng vừa giúp kết nối phát triển bền vững.
Theo đó, xây dựng từ 30-40 chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm làm mô hình điểm để nhân rộng. Mặt khác, tích cực mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại cho nông sản chủ lực.
Nguồn TTXVN