Trải qua 93 năm ra đời và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về chất và về lượng, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động Việt Nam. Ngay từ khi ra đời, dưới sự dìu dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa có tài vừa có đức để đảm đương những nhiệm vụ cách mạng của Đảng, đoàn kết, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nói về tầm quan trọng của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Người còn chỉ rõ: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù có tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong Nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Từ đó cho thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn là nhiệm vụ hàng đầu, quyết định đến sự thành bại của cách mạng Việt Nam trong mọi thời kỳ lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày nay, trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế thì Đảng ta cũng luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Hội nghị Trung ương 7 khóa XII khi bàn về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đã khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, thời gian qua công tác cán bộ của Đảng đã có nhiều đổi mới. Xét về tổng thể, đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ các cấp được quan tâm, chú trọng và đầu tư tương xứng. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được chú trọng và đổi mới, gắn với nhu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, trong thực tế công tác cán bộ tại nhiều cấp, nhiều nơi, nhất là tại cơ sở vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh, vẫn còn tình trạng thừa - thiếu cục bộ. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ tại một số tổ chức cơ sở đảng vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực sự công khai, minh bạch. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ thiếu năng lực dựa vào các mối quan hệ “dây mơ rễ má” vẫn tồn tại ở một số nơi. Năng lực của đội ngũ cán bộ vẫn chưa đồng đều, thiếu tính chuyên nghiệp trong công việc. Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, suy thoái về đạo đức, giảm sút ý chí, còn hời hợt, ngại khó, ngại khổ trong công việc.
Nguy hiểm nhất là tình trạng cán bộ xa dân, vô cảm với những khó khăn của Nhân dân. Đó chính là một tử huyệt mà các thế lực thù địch, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước trong và ngoài nước triệt để lợi dụng để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá vỡ mối quan hệ cá nước giữa Đảng với Nhân dân. Đảng ta là Đảng của Nhân dân, trưởng thành trong Nhân dân, vì Nhân dân mà phục vụ. Sức mạnh của Đảng là vô địch khi có được sự tin tưởng, ủng hộ của toàn thể Nhân dân. Lời dạy của Bác “Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong” đến hôm nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Trong những năm qua, tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật đặc biệt là tệ nạn quan liêu, tham nhũng có xu hướng tăng về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng trên xuất phát từ nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu về cán bộ và công tác cán bộ chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc và toàn diện. Chưa có tiêu chí, cơ chế hiệu quả để đánh giá đúng cán bộ, bảo vệ cán bộ, tạo động lực, thu hút, trọng dụng nhân tài. Công tác quản lý cán bộ có lúc, có nơi bị buông lỏng. Vai trò giám sát, phản biện của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chưa được phát huy đầy đủ.
Thời gian tới, để tiếp tục xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức đề kháng với các tác động tiêu cực từ sự chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước thì công tác cán bộ cần được Đảng ưu tiên hàng đầu. Ngoài việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác các bộ thì mỗi tổ chức cơ sở đảng tùy vào điều kiện và tình hình thực tế của đơn vị mình cần có những việc làm phù hợp để nâng cao hiệu quả của công tác cán bộ.
Đối với việc quy hoạch, bổ nhiệm, điều chuyển cán bộ cần được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo công khai, minh bạch. Cần tránh lối dân chủ hình thức trong việc lấy ý kiến của tập thể, của nhân dân tại nơi cư trú của cán bộ. Việc đánh giá cán bộ cần dựa vào hiệu quả công việc và sự hài lòng của nhân dân chứ không chỉ bằng các số liệu, báo cáo.
Các tổ chức cơ sở đảng trong quá trình làm công tác cán bộ cần phải thật sự sáng suốt, kỹ lưỡng trong việc sàng lọc, lựa chọn những cán bộ thực sự có tài, có đức, có tâm, có tầm đủ khả năng để đảm đương từng vị trí công việc được giao. Đối với cán bộ là người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần phải được thử thách qua nhiều vị trí công tác, nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau trước khi được bổ nhiệm. Tuyệt đối không bố trí cán bộ có nhiều người thân công tác trong cùng một cơ quan, đơn vị sẽ dễ dẫn đến tình trạng chuyên quyền, độc đoán, bè phái cục bộ, lợi ích nhóm.
Với bản thân mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nêu cao ý thức tự học, tự rèn, tự trau giồi bản thân mình để có thể vượt qua những cám dỗ của vật chất, của những thói hư tật xấu từ tác động tiêu cực của cả những yếu tố bên trong và bên ngoài. Sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm sẽ là thước đo chính xác nhất cho giá trị của người cán bộ. Và để làm được điều đó đòi hỏi cần có sự tác động qua lại giữa hai phía, đó là sự nỗ lực của cá nhân cán bộ, đảng viên và các chính sách đãi ngộ phù hợp của Đảng, Nhà nước với những cống hiến của cán bộ, đảng viên ấy.
Ngoài ra, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ, đảng viên cần biết gần dân, học dân, lắng nghe và thấu hiểu những nguyện vọng chính đáng của Nhân dân để kịp thời đề xuất lên các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt tư tưởng “Lấy dân làm gốc”, phải biết đặt bản thân mình trong mối quan hệ máu thịt với Nhân dân, biết phát huy sức mạnh của Nhân dân trong công mọi công việc chính là chiếc chìa khóa vạn năng để mở ra thành công cho người cán bộ trong công tác.
Với một niềm tin tuyệt đối của toàn thể Nhân dân vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự đoàn kết nhất trí của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vươn lên của từng cán bộ, đảng viên với sức mạnh của trí tuệ thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh kết tinh trong những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, tin rằng trong tương lai không xa cánh chim Lạc sẽ cất cánh bay cao, vươn xa, đưa con cháu Rồng Tiên đến chân trời phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường./.
Q.M