Xây dựng Đảng về chính trị là vấn đề quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa tiền đề cho các nội dung khác của công tác xây dựng Đảng. Xây dựng Đảng về chính trị là căn cứ chủ yếu nhận diện tính chính đáng, bản chất chính trị của Đảng, là căn cứ hàng đầu để xác định vai trò của Đảng trong đời sống chính trị.
Xây dựng Đảng về chính trị là xây dựng Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, tính đại diện của Đảng, phù hợp với quy luật khách quan và đặc điểm lịch sử của đất nước trong từng giai đoạn phát triển; lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối đó trong thực tiễn; bảo đảm và củng cố vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trong đời sống xã hội.
Những nội dung chính trong đường lối chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam trước hết thể hiện trong Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết đại hội, nghị quyết Trung ương, các quy chế, quy định khác, mà vấn đề cốt lõi là quan điểm “bốn kiên định” nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Những quan điểm cơ bản, mang tính nguyên tắc được cụ thể hóa thành chủ trương, đường lối xây dựng, phát triển đất nước: Xây dựng một nước Việt Nam theo con đường phát triển XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đặt lợi ích của quốc gia, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Nhân dân Việt Nam được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nền kinh tế xanh, bền vững. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, chính phủ số, xã hội số; khơi dậy ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy tối đa nhân tố con người, con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển đất nước. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Các tộc người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau, giúp nhau cùng phát triển. Các tôn giáo bình đẳng, đoàn kết, yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.
Mục tiêu xây dựng Đảng về chính trị phải làm cho Đảng có bản lĩnh vững vàng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng để lãnh đạo quá trình hiện thực hóa đường lối chính trị của mình. Đồng thời, trong điều kiện một đảng cầm quyền, quyền lực chính trị của Đảng về cơ bản đã được tổ chức thành quyền lực nhà nước. Đảng cầm quyền đóng vai trò quyết định trong hai nội dung quan trọng nhất của quyền lực công là tổ chức bộ máy thực thi quyền lực nhà nước và hoạch định, thực thi pháp luật, chính sách công.
Trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền như Đảng ta, nếu không có đường lối chính trị đúng đắn thì không thể cầm quyền hiệu quả, ngược lại nếu cầm quyền yếu kém thì đường lối chính trị của Đảng không được thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ. Đồng thời, Đảng phải lựa chọn nhân sự của mình, giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, đủ năng lực để hiện thực hóa mục tiêu, ý chí, lợi ích của Đảng.
Do vậy, xây dựng Đảng về chính trị phải chú trọng nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng để biến đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật và tổ chức, vận hành bộ máy nhà nước để thực hiện chính sách, pháp luật đó. Đường lối lãnh đạo của Đảng thông qua các hoạt động cầm quyền được bổ sung, hoàn thiện, đổi mới, trên cơ sở đó đường lối của Đảng ngày càng đúng đắn hơn, hoạt động cầm quyền ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn, uy tín của Đảng ngày càng cao.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh tinh thần đổi mới phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng. Đổi mới cách thức ban hành, triển khai các nghị quyết của Đảng, quy phạm hóa các hoạt động sinh hoạt đảng, quy định rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Phải thể hiện rõ tính tập trung, thống nhất của hoạt động quản lý trên cơ sở các nghị quyết và quy định của Đảng và nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách./.
P.X.S