Trả lời: Nội dung xây dựng Đảng về đạo đức đã được chính thức đề cập trong văn kiện Đại hội XII và tiếp tục được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Đại hội XIII đặt vấn đề cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng. Đó là phải “tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta là đại biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc, nên Đảng phải là đạo đức, là văn minh. Điều này đã được Người nêu từ hơn nửa thế kỷ trước và đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 3 nguyên tắc cơ bản mà cũng có thể xem là 3 nội dung quan trọng trong xây dựng Đảng về đạo đức mà mỗi cán bộ, đảng viên cần quan tâm để thực hiện và động viên người khác thực hiện.
Một là, nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Nói đi đôi với làm trước hết là sự nêu gương tốt, trong đó, có sự làm gương của thế hệ đi trước với thế hệ đi sau, cha mẹ làm gương cho con cái, ông bà làm gương cho con cháu, lãnh đạo làm gương cho cán bộ, nhân viên... Đây thực sự là phương thức giáo dục đạo đức phổ biến và hiệu quả nhất. Đặc biệt, đảng viên phải làm gương trước quần chúng, trong công tác, trong sinh hoạt, ở nơi làm việc, ở nơi cư trú.
Hai là, xây đi đôi với chống. Xây dựng đạo đức phải được tiến hành bằng giáo dục, từ gia đình đến nhà trường, trong tập thể và toàn xã hội. Trong đấu tranh, phải chống lại cái tiêu cực, lạc hậu của bản thân, của những người xung quanh, của xã hội, mà trước hết phải chống chủ nghĩa cá nhân; không chống được cái hạn chế, cái tiêu cực của bản thân thì không thể chống cái lạc hậu, trì trệ của người khác. Xây và chống có quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung và hỗ trợ nhau.
Ba là, phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Bởi trên thực tế, mỗi người ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác ở trong mình; vì vậy, nhìn thẳng vào con người mình, thấy rõ cái hay, cái tốt để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu để khắc phục.
Để xây dựng Đảng về đạo đức đạt kết quả như mong muốn, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cần phải trung thành với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, phải biết vận dụng đúng đắn, sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn. Đảng phải kiên trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tích cực đấu tranh chống những biểu hiện sai trái, nhất là xuyên tạc, xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin.
Mỗi tổ chức đảng và đảng viên phải thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, bao gồm tập trung dân chủ (nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng), tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách (nguyên tắc lãnh đạo của Đảng), tự phê bình và phê bình (nguyên tắc sinh hoạt của Đảng), kỷ luật nghiêm minh và tự giác (là quy luật phát triển sức mạnh của Đảng), đoàn kết thống nhất trong Đảng (là nguyên tắc quan trọng của Đảng)…
Quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài để Đảng xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”. Trong đó, yêu cầu về phẩm chất, tư cách của đội ngũ cán bộ, đảng viên là suốt đời phấn đấu hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng; tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng; đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết và lên trước hết; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng... Yêu cầu về năng lực của cán bộ, đảng viên là phải có năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có mối liên hệ mật thiết với nhân dân; luôn học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt… Trong việc giữ mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và dân, mỗi đảng viên phải bằng hành động thực tế của mình để có niềm tin yêu của nhân dân; phải không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; thường xuyên lắng nghe ý kiến của nhân dân, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân...
Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, như lời dặn dặn của Bác Hồ trong Di chúc là “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Đảng phải luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, phương thức lãnh đạo, đạo đức, lối sống...; đề phòng và khắc phục những biểu hiện tiêu cực, thoái hóa, biến chất; luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện lý tưởng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; phải phát huy dân chủ trong nội bộ, phát huy và tập hợp được trí tuệ của toàn Đảng, phấn đấu thực sự trở thành “đạo đức, văn minh”./.
BBT