1. Công tác cán bộ - vấn đề then chốt của nhiệm vụ then chốt.
Nhận thức rõ vị trí đặc biệt quan trọng của công tác cán bộ, Đảng cộng sản Việt Nam trong các nghị quyết cũng như trong hoạt động thực tiễn của mình, luôn chú trọng công tác cán bộ, đặc biệt đã có nhiều nghị quyết quan trọng đề cập đến công tác cán bộ. Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác cán bộ đã được các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc, đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng vào việc củng cố phát triển đội ngũ cán bộ, ổn định tư tưởng, thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng và nhân dân.
Công tác cán bộ của Đảng trong những năm qua có nhiều nét mới, nhất là đổi mới nhận thức, làm rõ hơn nội dung và phương thức thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của tập thể thường vụ cấp uỷ, ban cán sự Đảng, đảng đoàn và người đứng đầu của tổ chức trong hệ thống chính trị. Công tác cán bộ ngày càng có nền nếp; quy trình công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, dân chủ công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ được coi trọng hơn; kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tăng cường. Việc bố trí công tác và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đã có sự hỗ trợ nhịp nhàng hơn và đã được triển khai tổ chức thực hiện tương đối sâu rộng ở cấp Trung ương và cấp tỉnh.
Thực tiễn đã khẳng định, để tạo ra sự chuyển biến cơ bản trong công tác cán bộ, cần phải thực hiện đồng bộ các khâu chính yếu; từ đánh giá, quy hoạch, luân chuyển đến đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ.
Bên cạnh những ưu điểm, thành công đã đạt được, công tác cán bộ cũng còn một số khuyết điểm, thiếu sót. Việc đánh giá và quản lý cán bộ là khâu yếu, nhưng chưa được khắc phục. Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc, gây bức xúc trong dư luận. Công tác cán bộ chưa góp phần đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng; chính sách cán bộ còn có những điểm bất hợp lý.
Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém:
- Nhiều cấp uỷ và cán bộ lãnh đạo chưa quán triệt sâu sắc nội dung các nghị quyết về công tác tổ chức và cán bộ, do đó thiếu thống nhất cao trong nhận thức và tổ chức thực hiện.
- Việc tổ chức thực hiện các nghị quyết về công tác cán bộ còn thiếu nghiêm túc, quyết liệt, còn có hiện tượng “cánh hẩu” đưa người nhà, người thân vào các cấp lãnh đạo
- Chậm đổi mới nội dung công tác cán bộ và chậm phát hiện khắc phục những mặt hạn chế trong công tác tổ chức, cán bộ;
- Phân công, phân cấp quyền chưa gắn với ràng buộc trách nhiệm, với tăng cường kiểm tra, giám sát;
- Chưa phát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội;
- Chậm đổi mới chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ.
2. Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược - điều cốt lõi của vấn đề then chốt.
Cán bộ cấp chiến lược là những người có đủ phẩm chất và năng lực để tham gia xây dựng và lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, nhiệm vụ ở tầm chiến lược. Đó là những cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Có cán bộ cấp chiến lược giỏi thì đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ được sử dụng phát huy được mọi khả năng. Cùng một tổ chức bộ máy tương tự, cùng một cơ chế chính sách giống nhau, nhưng có những ban, ngành Trung ương và những tỉnh, thành phố phát triển nhanh, toàn diện, mọi nhiệm vụ đều thực hiện và hoàn thành xuất sắc; có ban, ngành hoặc địa phương khác mọi nhiệm vụ bê trễ, sản xuất đình đốn, kinh doanh thua lỗ, đời sống cán bộ nhân dân hết sức khó khăn, tất cả đều phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp chiến lược.
Cán bộ cấp chiến lược là những nhà lãnh đạo ở cấp vĩ mô, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với lý tưởng chủ nghĩa xã hội, kết tinh được trí tuệ của toàn Đảng, của nhân dân, nắm bắt được tri thức của thời đại, có tầm nhìn chiến lược, đủ khả năng đặt ra và xử lý các vấn đề thuộc đường lối của Đảng một cách chính xác và sáng tạo, bảo vệ vững chắc độc lập của Tổ quốc và đưa sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thắng lợi trọn vẹn.
Khi có những cán bộ cấp chiến lược giỏi tổ chức hoạt động thực tiễn, biết vận dụng đường lối chính sách một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể khác nhau ở từng nơi, từng lúc sẽ là nhân tố quyết định đến thắng lợi. Chỉ có như vậy mọi đường lối, chủ trương của Đảng mới được đưa vào cuộc sống, trở thành hiện thực. Như vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đầy đủ phẩm chất trí tuệ và tài năng là sự nghiệp cấp thiết của toàn Đảng, toàn dân.
Thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng. Kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của lớp lớp cán bộ cách mạng đã làm nên những chiến thắng oanh liệt trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, số đông trong đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua đã thể hiện rõ phẩm chất trí tuệ, góp phần quan trọng vào thành tựu diệu kỳ mà đất nước ta đã đạt được.
Bên cạnh đó, những khiếm khuyết của việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là tình trạng vừa thiếu, lại vừa yếu; tình trạng hụt hẫng cán bộ lãnh đạo, thiếu đội ngũ kế cận diễn ra ở nhiều ngành; công tác cán bộ, nhất là khâu đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược vẫn còn nhiều nổi cộm. Nguyên nhân của những yếu kém trên, ngoài những nguyên nhân chính yếu của công tác cán bộ nói chung như đã nêu trên, còn có những nguyên nhân cụ thể hơn, trong đó đặc biệt là chưa có những quy chế và những tiêu chí thật rõ ràng, khoa học để chọn lựa, bồi dưỡng và sắp xếp đội ngũ cán bộ cấp chiến lược (còn tiếp)
VVH