Tại Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu hàng Việt vào thị trường Mỹ cuối năm 2023, theo đánh giá của TS Huỳnh Phước Nghĩa, Đại học Kinh tế TPHCM, có 3 yếu tố thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Một là, những xung đột địa chính trị, lạm phát leo thang tại nhiều nước đã tạo ra sự dịch chuyển những luồng thị trường mới. Điều này đã mở ra cơ hội để sản phẩm của doanh nghiệp (DN) Việt tiếp cận thị trường toàn cầu.
Hai là, môi trường chính trị ổn định, chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý, tiềm năng thị trường lớn, giúp Việt Nam “hấp thụ” hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, nhất là vốn đầu tư vào những lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo. Thực tế này đã hỗ trợ tích cực cho DN trong nước hoàn thiện nhanh năng lực sản xuất của mình.
Ba là, Việt Nam có nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào, đáp ứng đa dạng nhu cầu chế biến lương thực thực phẩm cho nhiều DN trong và ngoài nước. Đặc biệt, chính sách khuyến khích đầu tư trồng trọt, chế biến lương thực thực phẩm xanh, sạch theo chuẩn toàn cầu mà Chính phủ Việt Nam triển khai trong nhiều năm gần đây đã giúp Việt Nam từng bước xây dựng nguồn nguyên liệu nông sản hữu cơ mà thế giới đang cần đến. Cũng từ giá trị cốt lõi này mà nông sản Việt đang từng bước tiếp cận sâu và đứng vững trên nhiều thị trường toàn cầu.
Trên thực tế, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tại nhiều thị trường liên tục thay đổi. Trung bình mỗi tháng, các bộ ngành liên quan của Việt Nam nhận được hàng trăm quy định về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm mới mà các thị trường xuất khẩu sẽ áp dụng.
Nhìn chung, các nhà nhập khẩu đều buộc nhà xuất khẩu, có Việt Nam, phải đáp ứng quy trình kiểm soát chất lượng từ nuôi trồng cho đến quá trình chế biến, đóng gói sản phẩm. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến yếu tố truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàm lượng chất phụ gia, bao bì, hóa chất, nguy cơ ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên…
Việc đạt được tiêu chuẩn bắt buộc như đảm bảo an toàn cho sức khỏe… là yếu tố cần để sản phẩm của nhà xuất khẩu đặt chân vào thị trường toàn cầu. Còn muốn chinh phục được người tiêu dùng thì phải thêm các yếu tố khác như đạt được tiêu chuẩn tự nguyện công bằng thương mại và chứng nhận hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội của DN (SA 8000)… Những điều này đã đặt ra nhiều thách thức cho DN, hộ nông dân, cơ quan chức năng của Việt Nam.
Để vượt qua thách thức trên, theo các chuyên gia, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ vốn cho DN để chuyển từ xuất thô sang chế biến tinh, có gắn với thương hiệu. Kế đến là quy hoạch vùng trồng kết hợp chuẩn hóa tiêu chuẩn canh tác, nuôi trồng, chế biến chi tiết cho từng loại nông, thủy, hải sản, nhất là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực.
Về phía DN, cần phải nhận diện rõ và xây dựng chiến lược đầu tư sản phẩm đáp ứng đúng, đủ những rào cản thương mại, từng thị trường đặt ra, nhất là những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Canada, Australia và New Zealand... Bên cạnh đó, năng lực của DN phải đủ mạnh để chuyển đổi nhanh sản xuất nhằm bắt kịp tiêu chuẩn ngày càng cao, thường đột ngột thay đổi và không đồng nhất giữa các thị trường xuất khẩu.
Riêng cơ quan chức năng cần thấy rằng, cái khó của DN Việt là đối mặt với sự gian lận, cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN xuất khẩu nông sản trên thế giới. Bởi đây không đơn giản chỉ là các chiến lược cạnh tranh của DN, mà còn xuất phát cả từ xu thế bảo hộ thương mại. Do đó, cần gấp rút xây dựng chiến lược bảo hộ thương hiệu nông sản Việt, nhất là nông sản hữu cơ, ở tầm quốc tế.
Cùng với đó, hỗ trợ nông dân, DN, địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng lộ trình dài hơi về nâng cao năng lực xuất khẩu. Đây là yếu tố sống còn để nông sản, thực phẩm Việt Nam rút ngắn khoảng cách tiếp cận các thị trường xuất khẩu, giữ đà tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Nguồn SGGP