Thứ nhất, tác động của xu thế công nghiệp hóa và hậu hiện đại hóa
Việt Nam đang ở thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, phân tán, nhỏ lẻ dựa trên lao động phổ thông và lao động thủ công là chính sang phát triển nền công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, dịch vụ tiên tiến, dựa trên nguồn nhân lực được đào tạo và trình độ khoa học công nghệ hiện đại. Tuy nhiên quá trình Hiện đại hóa này diễn ra trong cùng một lúc với quá trình Hậu hiện đại do tác động của quá trình hội nhập quốc tế đưa lại.
Quá trình hội nhập quốc tế diễn ra trước hết ở lĩnh vực kinh tế đã tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam không chỉ chú ý đến tăng trưởng mà còn phải đảm bảo sự phát triển bền vững và bao trùm, tương thích với nhu cầu phát triển của nền kinh tế thế giới thông qua hàng loạt cá tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, về kỹ thuật công nghệ, về trình độ tổ chức quản lý sản xuất, phân phối, tiêu dùng v.v… Những giá trị về sự thành đạt, an sinh xã hội, tự do, dân chủ, hạnh phúc không phải chờ chuyển sang mô hình Hậu hiện đại mới xuất hiện mà ngày nay, nó trở thành nhu cầu tất yếu của người dân Việt Nam.
Xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở đây cần được xác định như một hệ giá trị đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của xã hội Việt Nam trong một bước chuyển "kép", vừa đạt được các giá trị của xã hội Hiện đại hóa, vừa bước vào giá trị của xã hội Hậu hiện đại với những bản sắc riêng biệt của dân tộc.
Sự phát triển văn hóa không phải đi theo con đường đơn tuyến, thẳng tắp theo một công thức nhất định hoạc bị tùy thuộc vào nhân tố tăng trưởng kinh tế mà nó đi theo con đường đa dạng hóa, vừa chịu sự quy định của các điều kiện kinh tế - xã hội, vừa chịu sự tác động bửoi quy luật vận động bên trong của chính nó.
Thứ hai, tác động của toàn cầu hóa
Trong công trình "Thế giới phẳng", Thomas L. Friedman đã đưa ra nhận xét rằng: "Trong quá trình làm phẳng và làm thế giới co lại, Toàn cầu hóa không chỉ do các cá nhân của các nước phương Tây thúc đẩy mà từ nhiều nước - không phải phương Tây, không phải người da trắng. Các cá nhân từ mọi ngõ ngách của thế giới phẳng đều được trao quyền. Toàn cầu hóa tạo điều kiện cho rất nhiều người tham gia và cạnh tranh; và bạn sẽ thấy con người của mọi màu da đều có thể tham gia" .
Thứ ba, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ tạo ra thời cơ và thách thức với quá trình phát triển kinh tế - xã hội mà còn tác động mạnh mẽ đến quá trình xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong bói cảnh hội nhập quốc tế . Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật số đã nêu sự kết nối ngày càng rộng lớn và nhanh chóng về thông tin trên phạm vi toàn cầu. Các phương tiện truyền thông mới xuất hiện ngày càng mạnh mẽ với nhiều tính năng mới đã mở ra một không gian sống mở đối với một cá nhân, mọi nhóm xã hội, ở bất kể vùng miền nào trên phạm vi toàn cầu.
Thứ tư, đặc điểm dân cư Việt Nam hiện nay
Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với khoảng 63 triệu người trong độ tuổi lao động, tạo nền tảng cơ hội vàng về nguòn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời tỷ lệ nhóm dân số dưới 15 tuổi cũng mang đến cơ hội lớn cho việc tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa, nâng cao chất lượng dân số.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về dân số, mặc dù dân số nước ta có độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ lớn nhưng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động mới chiếm khoảng 78,8% dân số (theo điều tra 2015). Khoảng 70% dân số sống và khoảng 48% lao động đang làm việc ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Khu vực tạo ra giá trị gia tăng thấp. bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 tuổi đến 24 tuổi chậm được cải thiện, có tới 71,21% thanh niên chưa có việc làm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 20,2% trên tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế.
Cư dân Việt Nam bao gồm cư dân của 54 dân tộc anh em với sự phân bố không đồng đều giữa các khu vực đô thị, đồng bằng, miền núi và hải đảo, tham gia các tôn giáo khác nhau, có điều kiện kinh tế khác nhau.
Chất lượng dân số nhìn chung còn thấp. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tuy có tăng dần trong những năm gần đây nhưng còn thấp… Chỉ số HDI được chấm dựa trên ba tiêu chí: thu nhập bình quân đầu người (tính theo sức mua tương đương) đại diện cho kinh tế, số năm đi học trung bình của người dân, đại diện cho giáo dục và tuổi thọ trung bình, đại diện cho y tế. Điều này cũng đặt ra thách thức lớn đối với việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người ở Việt Nam hiện nay.
Thứ năm, quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế
Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, phát triển đồng bộ và toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước. Mô hình công nghiệp hóa ở Việt Nam phải hướng tới công nghiệp hóa kiểu mới theo hướng sinh thái và nhân văn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống con người và bảo vệ môi trường sinh thái. Con người phải được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển kinh tế và sự phát triển kinh tế phải hướng tới phục vụ con người. Đây chính là nền kinh tế nhân văn, kinh tế vì con người. Nền kinh tế này phải được xây dựng trong môi trường xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân dựa trên cơ sở một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa "của dân, do dân, vì dân", một nhà nước kiến tạo, liêm chính, năng động, hiệu quả, đảm bảo vững chắc độc lập và toàn vẹn lãnh thổ (còn tiếp)./.
PĐ