Thứ nhất, những giá trị văn hóa truyền thống cần duy trì, kế thừa và phát huy
Công trình: "Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai'' do Trần Ngọc Thêm công bố gần đây đã lựa chọn "mười giá trị cấp bách để thành lập hệ giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm để thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030. Mười giá trị đó chia thành 5 nhóm là: 1) Dân chủ và pháp quyền (hai giá trị phổ biến); (2) Nhân ái và yêu nước (là hai giá trị con người truyền thống điển hình); (3) Trung thực và bản lĩnh (là hai giá trị con người thời hội nhập mà người Việt Nam còn thiếu); (4) Trách nhiệm và Hợp tác (là hai giá trị con người trong quan hệ với đồng loại mà người Việt Nam còn thiếu); (5) Tính khoa học và sáng tạo (là hai giá trị con người trong thời đại công nghiệp và kinh tế tri thức mà người Việt Nam còn thiếu) .
Những cuộc thảo luận để tìm ra các giá trị cần xây dựng đối với nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay chưa có hồi kết mặc dù xã hội đang rất cần một hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam có tính chính danh, được tuyên bố làm nền tảng cho sự vươn tới của xã hội. Cần chú ý một số vấn đề có tính nguyên tắc chung để xác lập hệ giá trị này. Đó là các nguyên tắc sau:
1. Đảm bảo định hướng chính trị.
2. Đảm bảo vừa kế thừa, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc, vừa tiếp thu được giá trị tiến bộ của thời đại.
3. Đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ, dễ hành động.
4. Đảm bảo dễ kiểm tra, đánh giá.
5. Đảm bảo thu hút được sự tham gia của toàn dân.
6. Đảm bảo có sự đột phá trong hành động thực tiễn, thiết thực, hiệu quả.
Trong khi xây dựng hệ giá trị có tính phổ quát chung trong toàn xã hội, chúng ta cần chú ý bốn trọng tâm cơ bản là lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội, lợi ích gia đình, lợi ích cá nhân… Đó là: Quốc gia giàu mạnh; Xã hội kỷ cương; Gia đình hạnh phúc; Cá nhân thành đạt.
Các giá trị văn hóa phổ quát này có thể tạo được sự đồng thuận của nhân dân, phù hợp với mục tiêu phấn đấu được ghi trong Cương lĩnh và Hiến pháp của Đảng và nhà nước, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ hành động. Đây là những giá trị mang tính khái quát, tổng hợp chung của đất nước. Còn trong hoạt động thực tiễn, các ngành, các cấp, các lĩnh vực cần xây dựng một hệ thống các giá trị để cụ thể hóa giá trị định hướng tổng quát này. Cần khái quát định hướng xây dựng con người Việt Nam hiện nay là con người công dân, con người khoa học, con người nhân văn. Những định hướng giá trị này sẽ giúp cho các nhà quản lý và xã hội dễ cụ thể hóa thành các chuẩn mực để thực hành trong xã hội./.
PĐ