Được sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, ngày 28-7-1929, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất khai mạc do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chủ trì, đã quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ.
Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Kể từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, đứng ra dẫn dắt phong trào.
Chặng đường 95 năm xây dựng và phát triển của Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành cùng đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả ngành nghề, thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng cùng các tác động của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay đã, đang đặt ra cho đất nước ta và tổ chức công đoàn những thời cơ và thách thức mới. Việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả truyền thống của tổ chức công đoàn, đồng thời phải khẳng định được vai trò chủ lực, định hướng dẫn dắt phong trào công nhân trong tình hình mới. Bối cảnh hiện nay cũng đòi hỏi phải xây dựng tổ chức công đoàn ngày một vững mạnh, chăm lo tốt hơn nữa quyền, lợi ích cho người lao động; tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn.
Có thể thấy, dù đã có nhiều cải thiện, nhưng đời sống của một bộ phận công nhân, người lao động hiện vẫn rất khó khăn, đối mặt nhiều thách thức, trong đó có khó khăn về nhà ở, điều kiện để nâng cao trình độ, học tập của con cái… Hàng loạt vấn đề mà người lao động đang quan tâm, kiến nghị như tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động… luôn rất cần cán bộ công đoàn đồng hành, sâu sát.
Do đó, hơn lúc nào hết, người lao động mong muốn công đoàn thực sự “chăm lo là then chốt, bảo vệ phải thường xuyên, đồng hành là sứ mệnh” với mình. Thực tế, đã có rất nhiều chủ tịch công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở xuất sắc, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, đấu tranh vì lợi ích của tập thể, vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; là chỗ dựa tin cậy và được đoàn viên, người lao động tín nhiệm, tin yêu, họ thực sự là thủ lĩnh trong các nội dung hoạt động của công đoàn cơ sở.
Trong cuộc làm việc mới đây với lãnh đạo Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần đưa đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Hơn lúc nào hết, công đoàn cần quan tâm lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giai cấp công nhân, phản ánh kịp thời với Đảng, chính quyền, doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, chăm lo các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn và nhà ở cho người lao động; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động theo Hiến pháp, pháp luật.
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 tới đây. Luật ra đời sẽ có thêm cơ sở để công đoàn thực hiện tốt nhất vai trò của mình, là cầu nối quan trọng của Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam.
Trong đó, một trong những kỳ vọng đặt ra là sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động gắn liền với thu nhập, chất lượng cuộc sống của chính bản thân, gia đình người lao động, đồng thời và mang lại lợi ích cho đất nước. Phát huy truyền thống 95 năm xây dựng và phát triển của Công đoàn Việt Nam, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Nguồn SGGP