Lòng thương mến gia đình là cơ sở của lòng thương đồng bào, tình yêu đất nước. Ảnh minh họa: Internet.
Gia đình là một thiết chế xã hội đặc biệt quan trọng, là tế bào, là cơ sở, là nền móng để xây dựng và phát triển xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định gia đình chính là hạt nhân của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội cần phải xây dựng hạt nhân cho tốt. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng quan niệm nền văn hóa Việt Nam gồm ba trụ cột là văn hóa gia đình, văn hóa làng và văn hóa nước. Các chức năng của gia đình đều có mối quan hệ trực tiếp và không tách rời với quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Vì vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, phát huy những giá trị to lớn và bền vững của gia đình, đã ban hành nhiều nghị quyết, luật pháp, chính sách về xây dựng các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 28-6 hàng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam để tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”. Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam; thực hiện thành công Mục tiêu Thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội XIII, lần đầu tiên Đảng ta xác lập mối quan hệ chặt chẽ giữa “hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người” với “hệ giá trị gia đình Việt Nam”. Sau Đại hội không lâu, ngày 24/6/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, trong đó nêu yêu cầu xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đây là sự bổ sung, phát triển hết sức quan trọng trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, “đặt hệ giá trị gia đình vào vị thế vốn rất quan trọng của nó, với tư cách là các tế bào của xã hội, là hạt nhân lưu giữ và phát huy các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, con người Việt Nam”. Bởi vì, hệ giá trị gia đình có chức năng rất quan trọng trong điều chỉnh, định hướng mỗi con người, không chỉ điều chỉnh hành vi mà còn điều chỉnh cả tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lý tưởng. Qua đó, nó có khả năng dẫn đạo thế giới tinh thần con người để hình thành nhân sinh quan, thế giới quan, tạo nên niềm tin và khát vọng. Đồng thời, việc xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam có tác động to lớn đến toàn xã hội.
Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra trong Đại hội XIII của Đảng cũng như các giải pháp trọng tâm của Chỉ thị 06-CT/TW, trước hết, cần đặt quá trình xây dựng và triển khai thực hiện hệ giá trị gia đình Việt Nam phù hợp với, cần đặt trong nhiều chiều cạnh khác nhau, từ các chức năng của gia đình, từ truyền thống đến hiện đại, giữa cá nhân và tập thể, bình đẳng giới… theo quan điểm về hôn nhân và gia đình tiến bộ hiện nay.
Các cấp ủy, tổ chức đảng phải chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng gia đình. Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, tinh thần nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, coi đó là cơ sở để vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc. Cần nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ. Có biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.
Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Thực hiện được điều đó sẽ là nền tảng để xây dựng văn hóa, con người Việt Nam nhằm khơi dậy “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng./.
Anh Vũ