Biểu diễn áo dài Việt tại Festival Thu Hà Nội 2023. Ảnh: Phạm Hùng
Chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Trong Chỉ thị 30-CT/TU "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", Thành ủy Hà Nội đã thẳng thắn nhìn nhận, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.
Nhìn nhận về điều này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ: đây là một nhiệm vụ quan trọng nhưng rất khó khăn, phức tạp. Vì vậy, chúng ta có thể thấy công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tiến triển còn chậm, kết quả chưa tương xứng với yêu cầu phát triển văn hóa Thủ đô. Một số giá trị con người Thủ đô đang bị mai một.
Nhiều thói xấu của người dân như lối sống xô bồ, hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong gia đình, nhà trường, xã hội, khi tham gia giao thông, các biểu hiện coi thường luật pháp, xả rác thải bừa bãi nơi công cộng… đang ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đẹp của con người Hà Nội và văn hóa Hà Nội.
Theo các chuyên gia, sở dĩ còn có tình trạng này vì chưa định hình được hệ giá trị nhân cách với các chuẩn mực rõ ràng về đạo đức, lối sống con người Hà Nội. Các tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn chung chung. Việc cụ thể hóa để dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện chậm và lúng túng.
Việc triển khai, cụ thể hóa việc thực hiện các chuẩn mực, tiêu chí con người thanh lịch, văn minh cho từng đối tượng cụ thể ở một số ngành, đoàn thể chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, một bộ phận dân cư, nhất là lớp trẻ có xu hướng bắt chước lối sống lai căng, thực dụng, buông thả, không có lý tưởng; thiếu ý thức tu dưỡng cá nhân; vô trách nhiệm với sự phát triển của gia đình, cộng đồng, xã hội. Giáo dục đạo đức, lối sống cho tầng lớp thanh thiếu niên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài ra, những ảnh hưởng bên ngoài từ quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là thông tin tiêu cực từ mạng xã hội với nhiều mặt trái, hệ lụy, đã làm phức tạp thêm nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Điều chỉnh phù hợp với thực tiễn
Tại nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, các chuyên gia cho rằng, xã hội có rất nhiều thay đổi ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống, nhiều giá trị mai một, nhưng cũng có những giá trị mới xuất hiện. Do đó, việc định vị giá trị mới về văn hóa là cần thiết.
Theo PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiện nay hệ quy chiếu để xây dựng và phát triển con người toàn diện ở Thủ đô Hà Nội dựa trên 4 yếu tố: “Xây dựng con người công dân, con người nhân văn, con người khoa học và con người hội nhập”.
Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Thủ đô cần phải xuất phát từ hệ giá trị cơ bản của con người bản thể và từ cơ sở văn hóa của dân tộc, có chú ý đến những đặc điểm riêng và những điều kiện tinh thần - xã hội đặc thù của Thủ đô, với tư cách là bộ mặt đại diện cho một quốc gia dân tộc, đồng thời chú ý đến những giá trị tiến bộ của văn hóa - văn minh thế giới để điều chỉnh những xu hướng tiêu cực đi quá giới hạn văn hóa...
Có như thế, chúng ta mới có thể xây dựng được một nền văn hóa nhân văn tiến bộ và lành mạnh, có ý nghĩa phát triển con người Việt Nam; xây dựng được mẫu người Hà Nội thanh lịch - văn minh.
Trong yếu tố xây dựng “con người công dân”, tính kỷ luật và sự trung thực được nhấn mạnh, không chỉ là việc mỗi người phải tuân thủ pháp luật mà cần trở thành ý thức tự giác, trở thành thói quen, nếp sống, lối sống của mỗi công dân Thủ đô. Đồng thời, xây dựng “con người nhân văn” là việc hiểu rõ bổn phận và trách nhiệm của mình trong gia đình và ngoài xã hội, biết đoàn kết và chia sẻ với cộng đồng.
Về yếu tố “con người khoa học”, PGS. TS Phạm Duy Đức cho rằng, trong bối cảnh của thời kỳ bùng nổ phát triển và cạnh tranh về khoa học và công nghệ như hiện nay, người dân Thủ đô Hà Nội là chủ thể của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Vì vậy, xây dựng và phát triển toàn diện con người Thủ đô Hà Nội phải gắn với xây dựng các chuẩn mực về dân trí, về trình độ văn hóa, văn minh đô thị, trình độ nắm bắt và sử dụng thành tựu khoa học công nghệ vào trong hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thích nghi với xã hội số, kinh tế tế số, văn hóa số hiện nay.
Từ thực tế, Hà Nội là trung tâm giao lưu văn hóa lớn nhất của đất nước, nơi tập trung các cơ quan Đại sứ, các tổ chức quốc tế; Thủ đô cũng là nơi đón nhiều nhất các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam và đông đảo khách du lịch quốc tế… đòi hỏi con người Thủ đô Hà Nội từng bước phải trở thành “con người hội nhập”, biết chia sẻ, hợp tác và liên kết để khẳng định tầm vóc, vị thế và sức mạnh của con người Thủ đô.
PGS.TS Phạm Duy Đức chia sẻ, trên cơ sở tổng hợp các yêu cầu chung về chuẩn mực con người Việt Nam và chuẩn mực con người Thủ đô, có thể khái quát một số chuẩn mực để phát triển toàn diện con người Thủ đô trong thời gian gồm: yêu nước, tự cường; trung thực, kỷ cương; nhân ái, khoan dung; thanh lịch, tinh tế; trí tuệ, sáng tạo; hợp tác, chia sẻ.
Triển khai đồng bộ và toàn diện các chuẩn mực này trong hệ thống chính trị và toàn thể cộng đồng cư dân Thủ đô chính là tạo động lực và nguồn lực con người phát triển toàn diện cho việc thực hiện khát vọng phát triển Thủ đô phồn vinh, hạnh phúc.
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, dân chủ hóa, xu thế hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra những yêu cầu rất mới cho việc xây dựng, triển khai thực hiện hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại.
Quá trình này vừa phải giữ gìn phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa phải bắt kịp và sáng tạo dòng chảy trí tuệ của nhân loại. Quá trình này không tách rời việc nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý Thủ đô, phát triển văn hóa, hoàn thiện nhân cách con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại gắn với sự phát triển của thực tiễn.
Trong thời công nghệ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, công dân số, thời hiện đại đang yêu cầu đòi hỏi bên cạnh phẩm chất chuẩn mực, thanh lịch, văn minh cần thiết phải xây dựng người Hà Nội hiện đại, xứng đáng với thành phố ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo và sắp tới là thành phố học tập thực hiện khát vọng phát triển thủ đô và đất nước bền vững, phồn vinh, hạnh phúc./.
Theo Kinh tế và Đô thị