Những năm qua, Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tiếp tục phát triển. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam nằm trong nhóm 3 Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất ASEAN. Trong 10 tháng đầu năm 2019, lượng vốn thu hút được từ 29 thương vụ có công bố đã là 751 triệu USD. Trong đó, thương vụ lớn nhất thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính có giá trị lên tới 300 triệu USD, đứng thứ nhất trong số các thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ tài chính khu vực Đông Nam Á. Quy mô các thương vụ đầu tư lớn ngày càng tăng cho thấy tiềm năng hình thành các kỳ lân mới – các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được định giá trên 1 tỉ USD tại Việt Nam là rất thực tế.
Theo báo cáo từ các địa phương, năm 2019, đã có 13.997 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hoạt động đổi mới công nghệ; có 161 doanh nghiệp được tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ đổi mới công nghệ; có 90 công nghệ được chuyển giao, đưa vào ứng dụng; có 72 hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện với tổng giá trị là 3.650 triệu đồng. Một số dự án tiêu biểu như:Dự án phát triển công nghệ, thiết bị sản xuất gạch không nung tại các địa phương Hải Phòng, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thanh Hóa; cát nghiền từ đá mạt ở Phú Thọ; điện gió, điện năng lượng mặt trời ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu; Nhà máy Lọc Hóa dầu Nghi Sơn đã cho ra đời các sản phẩm dầu mỏ tinh chế với dây chuyền công nghệ hiện đại; robot được sử dụng để thay thế lao động phổ thông tại trang trại Công ty TNHH MTV Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa; công nghệ cảm biến kết nối internet vạn vật Công ty Cổ phần Lam Sơn...
Startup trong Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC) giới thiệu hệ thống khóa tự động
Nhiều cộng đồng khởi nghiệp lớn dần hình thành, hoạt động hiệu quả như: Starthub.vn, Twenty.vn, Startup. vn và Launch. Một số đơn vị ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp hình thành trong khu vực tư nhân như: Topica Founder Insititute, 5 Desire, Hatch!Program và khu vực công lập như vườn ươm đã được thành lập trong Đại học Bách khoa Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm doanh nghiệp chế biến thực phẩm Hà Nội, Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Đặc biệt, thành công mới đây của Abivin cũng đã tạo nguồn cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp. Abivin là doanh nghiệp (DN) cung cấp giải pháp tối ưu hóa chuỗi cung ứng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo. Ngày 15.7.2019, Abivin đã xuất sắc vượt qua đại diện của 40 quốc gia trên thế giới, giành giải Nhất với giải thưởng trị giá 1 triệu USD tiền đầu tư tại Cuộc thi Khởi nghiệp quốc tế năm 2019...
Khảo sát cho thấy, cả nước hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp ĐMST. Bên cạnh đó, có hơn 40 quỹ đầu tư hoạt động đầu tư mạo hiểm được thành lập như: Câu lạc bộ Hatch Angels của một số nhà đầu tư thiên thần tại Hà Nội; Câu lạc bộ nhà đầu tư thiên thần thuộc câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu tại TP.Hồ Chí Minh; Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam, Quỹ Ươm mầm hành động do các nhà đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài khởi xướng...
Trong đó, năm 2019 có 41 doanh nghiệp KHCN được thành lập; 361 dự án khởi nghiệp nhận được hỗ trợ từ ngân sách; 370 doanh nghiệp (DN) nhận được vốn đầu tư từ các doanh nghiệp mạo hiểm; 357 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hình thành.
Lồng ghép chiến lược phát triển kinh tế xã hội
Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo được Chính phủ giao, Bộ KHCN đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ủy ban, bộ, ngành, địa phương triển khai các kế hoạch cụ thể để thúc đẩy sự hình thành và phát triển của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, cụ thể: Đã hình thành được hành lang pháp lý cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Chuyển giao công nghiệp năm 2017 và các văn bản hướng dẫn; các chính sách thí điểm cũng đang được các bộ, ngành tích cực xây dựng, triển khai như: Sandbox trong lĩnh vực fintech, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đưa startup tham gia các chương trình huấn luyện tại nước ngoài...
Các tỉnh, thành phố đã đưa ra rất nhiều chương trình, kế hoạch và quyết định để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Tại Quảng Ninh đã thành lập Câu lạc bộ Đầu tư – Khởi nghiệp của tỉnh trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam với 50 thành viên; 12/14 địa phương của Quảng Ninh đã thành lập Câu lạc bộ Đầu tư – Khởi nghiệp thuộc Đoàn thanh niên các địa phương với trên 400 thành viên; Hội Liên hiệp Phụ nữ thành lập 7 Câu lạc bộ khởi nghiệp; 3 trường đại học trên địa bàn đều thành lập Câu lạc bộ khởi nghiệp.
TPHCM đã thành lập 5 không gian hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và kết nối 24 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, thành lập 4 ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cho 4 lĩnh vực trọng yếu của thành phố: công nghệ thông tin; cơ khí; chế biến lương thực - thực phẩm; nhựa - cao su - hóa chất. Qua đó có gần 650 DN được ươm tạo và nhiều DN trong số đó gọi vốn thành công. Thông qua các trung tâm ươm tạo, TPHCM đã hỗ trợ, phát triển nhiều DN khởi nghiệp đi vào hoạt động và thương mại hóa các sản phẩm từ hoạt động ươm tạo.
Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TPHCM (WHISE) đã trở thành hoạt động thường niên của thành phố
Tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1923/QĐ-UBND về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn, đưa ra mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 35.000 - 40.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có khoảng 3%-5% doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh; xây dựng doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững...
Đặc biệt, tháng 12.2019, tại Quảng Ninh, Techfest Việt Nam 2019 đã thể hiện bức tranh tổng thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam thông qua chuỗi các hoạt động hấp dẫn, thu hút 6.000 người đến tham dự, trên 800 doanh nghiệp khởi nghiệp, khoảng 300 nhà đầu tư và quỹ đầu tư quốc tế, 300 doanh nghiệp cùng các tập đoàn kinh tế lớn và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, cùng đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước đến đưa tin về sự kiện, với sự có mặt của cộng đồng khởi nghiệp, nhà đầu tư, diễn giả đến từ trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Không gian tổ chức được chia theo 5 trụ cột với các làng khởi nghiệp, các tiểu ban như: Làng Công nghệ nông nghiệp (AgriTech village); Làng Công nghệ giáo dục (EdTech village); Làng Công nghệ Y tế (MedTech village); Làng Công nghệ du lịch và ẩm thực (Tourism village); Làng Công nghệ tài chính (Fintech village); Làng Công nghệ Thành phố thông minh (SmartCity 4.0 village); Làng Công nghệ nền tảng số (Platform village); Làng Công nghệ Tác động xã hội (Social impact village); Làng Địa phương (Local Pavilion); Làng Quốc tế (International Pavilion); Ban Đào tạo và Kết nối đầu tư (Training and Investmatch); Ban tổ chức chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo”.
Bên cạnh đó, Techfest 2019 còn có nhiều hoạt động quan trọng như: Giải Golf Techfest 2019, Cuộc đua trí tuệ nhân tạo và máy học, chuỗi tọa đàm mở về cơ hội cho startups trong các lĩnh vực, các phiên kết nối đầu tư giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp, triển lãm sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp đổi mới của các làng khởi nghiệp, Lễ tôn vinh tài năng khởi nghiệp sáng tạo Techfest 2019.
Có thể nói, với những hoạt động tương đối sôi nổi, môi trường khởi nghiệp tại các địa phương bắt đầu phát triển, nhiều hoạt động hỗ trợ các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã được tổ chức.
Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, còn lại các địa phương thuộc các tỉnh/thành vùng Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên... mới dừng lại ở mức độ tuyên truyền, tổ chức các hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật. Các hoạt động kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp giữa tỉnh, thành phố trong khu vực, cũng như giữa các vùng lân cận còn hạn chế.
Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thời gian tới cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ sự gắn kết bền vững và hợp tác cùng phát triển giữa DN, trường - viện, Nhà nước, như: Phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; Nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; Hình thành hệ sinh thái ĐMST của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm; Hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường, trong đó chú ý hỗ trợ các DN lớn có năng lực dẫn dắt thị trường và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ DN nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng và ĐMST; Thúc đẩy hoạt động ĐMST trong khu vực công; Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và truyền thông khởi nghiệp ĐMST./.