Chính vì vậy, phương án xây dựng luồng xanh theo hướng UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để tiến hành khử khuẩn cho hàng hóa và phương tiện, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho lái xe… do Bộ Công Thương đề xuất được coi là giải pháp quan trọng để giảm ùn tắc tại thời điểm này.
Ùn tắc tại cửa khẩu tái diễn
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, tại thời điểm cao điểm vào tháng 12/2021, tổng số xe tồn tại các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới phía Bắc là hơn 5.300 xe.
Bằng nhiều giải pháp linh hoạt và kịp thời nên đến cận Tết Nguyên đán, lượng xe chờ xuất khẩu đã trở lại con số bình thường như trước khi xảy ra ùn tắc. Thế nhưng, tình trạng ùn tắc có xu hướng xuất hiện trở lại sau Tết.
Báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc cho thấy, đến 8h00 ngày 24/2/2022, tổng số xe chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới là 3.728 xe; trong đó, tại Lạng Sơn là 1.764 xe, Quảng Ninh là 1.584 xe, Lào Cai là 300 xe, Cao Bằng là 80 xe.
Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), toàn tuyến biên giới với Trung quốc hiện nay có 76 cửa khẩu; trong đó, có 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu quốc gia, còn lại là các cửa khẩu phụ, lối mở.
Các hình thức xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế và quốc gia được coi là xuất khẩu chính ngạch; còn xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở được coi là xuất khẩu tiểu ngạch.
Xuất khẩu chính ngạch chủ yếu được hình thành khi các doanh nghiệp đã có hợp đồng giữa người bán Việt Nam và người mua Trung Quốc rõ ràng, quy định những điều khoản chặt chẽ, lâu dài.
Tuy nhiên, hàng hoá đưa qua các cửa khẩu phụ, lối mở thì thông thường không có hợp đồng định trước. Thương lái chỉ đưa hàng qua bên kia biên giới và nếu gặp được người mua thì sẽ giao hàng ở đó.
Hơn nữa, do đặc điểm như vậy nên khi đến vụ thu hoạch nông sản, đặc biệt như thanh long, dưa hấu, các xe hàng nông sản dồn lên cửa khẩu rất nhiều, có ngày lên đến 800-1.000 xe/cửa khẩu, gây nên tình trạng ùn tắc. Trong khi đó, các cửa khẩu đều nằm ở khu vực đồi núi nên hạ tầng, diện tích, khả năng thông quan hạn chế.
Ngoài ra, khi số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam tăng lên thì Trung Quốc cũng yêu cầu tạm dừng sử dụng đội xe chuyên trách trong vùng đệm nên số lượng lái xe chuyên trách cũng giảm xuống, dẫn đến việc lượng xe thông quan sụt giảm.
Cùng với lượng xe dồn lên khu vực cửa khẩu khá cao nên mới đây, Lạng Sơn đã phải có quyết định dừng tiếp nhận các xe nông sản lên cửa khẩu đến hết ngày 5/3/2022.
Bà Đoàn Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Hiện nay, số xe chở hoa quả tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đang chiếm 70%. Thế nhưng, với năng lực thông quan 90-100 xe/ngày phải mất 15-20 ngày mới thông quan hết lượng xe này.
Bởi vậy, Lạng Sơn đã có yêu cầu các địa phương tạm dừng đưa xe lên cửa khẩu, song vẫn có 50-70 xe lên cửa khẩu mỗi ngày với lý do đi qua Lạng Sơn để mang đến các địa phương như Cao Bằng nhằm tiêu thụ nội địa. Khi chưa tiêu thụ được, nhiều xe cũng dừng ở Lạng Sơn.
Để hạn chế ùn tắc từ ngày 23/2, Lạng Sơn đã thí điểm hình thức giao nhận hàng hoá không tiếp xúc bằng cách hàng hóa lên cửa khẩu, cắt container để Trung Quốc đưa về và khử khuẩn bên cửa khẩu phía bạn. Nếu làm theo cách này, năng lực thông quan hàng hóa của 2 cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị có thể lên tới 350 xe/ngày.
Theo bà Đoàn Thu Hà, giải pháp này sẽ làm phát sinh chi phí, cũng không phải là giải pháp tối ưu nhưng phù hợp trong bối cảnh đang khó khăn, khi phía bạn vẫn siết chặt kiểm soát COVID-19.
Bàn giải pháp căn cơ
Nhận định về vai trò của địa phương trong việc khuyến cáo doanh nghiệp đưa hàng lên biên giới, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh: Phải khẳng định vai trò của địa phương rất quan trọng và các bộ ngành không thể hỗ trợ được tất cả các nơi khi vai trò của chính quyền địa phương chưa được phát huy.
Đơn cử như việc Bắc Giang, Sơn La, Hải Dương tạo điều kiện cho thương nhân nước ngoài đến xem và mua bán hàng hóa; thực hiện các khâu đóng gói trước trên lãnh thổ Việt Nam. Sau đó khi đưa lên biên giới thì chỉ cần thông quan chứ không cần làm lại các thủ tục.
Hoặc hướng dẫn cho nông dân, thương lái cách thức để đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí về đóng gói, bao bì nhãn mác, mã vạch, QR Code… để hàng hóa lên đến cửa khẩu sẽ không vì một lỗi nhỏ mà có thể bị từ chối thông quan.
Để đảm bảo thông quan tại khu vực cửa khẩu, mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Trưởng ban chỉ đạo giải quyết ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã có chuyến thị sát và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh nhằm thiết lập và triển khai vùng xanh, vùng đệm an toàn trong bối cảnh xuất hiện các hiện tượng bất thường với dòng chảy hàng hoá.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã gợi mở việc các tỉnh cần thường xuyên giao thiệp với Trung Quốc và chủ động thiết lập mở rộng vùng xanh an toàn dịch bệnh bảo đảm an toàn COVID-19 trên người, phương tiện hàng hoá.
Cùng với đó, các tỉnh tiếp tục phân luồng hàng hoá, có phân biệt rõ từng chủng loại, không thể xếp lẫn lộn cả hàng khô, hàng tươi sống; giữ mối liên hệ thường xuyên với vùng trồng, vùng nuôi, doanh nghiệp có hàng đưa lên biên giới và khuyến cáo thường xuyên, kịp thời.
Hơn nữa, ngoài việc xác định việc đẩy mạnh tiêu thụ nội địa vẫn là kênh quan trọng, các địa phương có vùng trồng phải có điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm sản phẩm có quy chuẩn, đáp ứng với yêu cầu thị trường cũng như bảo đảm truy xuất nguồn gốc.
Đặc biệt, ngay sau chuyến thị sát, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký 3 công thư gửi Bí thư tỉnh Quảng Tây, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị các cơ quan chức năng phía bạn phối hợp với các địa phương phía Việt Nam nghiên cứu, đưa ra phương án cải thiện tốc độ thông quan tại các cửa khẩu hiện nay, nhằm tránh tái diễn tình trạng ách tắc hàng hoá xuất nhập khẩu tại biên giới.
Không dừng lại ở đó, sau khi có cuộc họp và tham khảo ý kiến UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ Công Thương đã có văn bản số 759/BCT-XNK báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xây dựng "luồng xanh".
Theo hình thức này, UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai có thể bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để tiến hành khử khuẩn cho hàng hóa và phương tiện cũng như lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho lái xe tại các bãi này.
Chẳng hạn như, hiện khu vực cửa khẩu Tân Thanh, mỗi lần tiến hành khử khuẩn tại km số 0 chỉ được 6 xe, mỗi lần khử khuẩn 1 tiếng nên rất mất thời gian, số xe thông quan ít. Nên nếu chỉ khử khuẩn 1 lần tại bãi tập kết, số xe được khử khuẩn và số xe thông quan sẽ tăng lên rất nhiều.
Mặt khác, nếu phát hiện phương tiện, hàng hóa nhiễm SARS-CoV-2 bên phía Trung Quốc, theo quy định Trung Quốc sẽ phải ngừng hoạt động thông quan để khử khuẩn toàn bộ khu vực cửa khẩu, đôi khi mất tới 1-2 ngày.
Trong khi đó, nếu phát hiện phương tiện, hàng hóa, lái xe nhiễm SARS-CoV-2 trên đất Việt Nam thì chỉ cần không cho phương tiện đó ra cửa khẩu là đủ. Hoạt động thông quan, bốc dỡ, sang tải bên phía Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, do việc xây dựng "vùng xanh", "luồng xanh" được Phó Thủ tướng giao cho Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị 2 Bộ cho ý kiến về mô hình hợp tác này và nếu khả thi, đề nghị Phó Thủ tướng cho phép Bộ Công Thương và UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai được bàn bạc với phía Trung Quốc để triển khai áp dụng thí điểm trên thực tế nếu phía Trung Quốc nhất trí.
Đồng tình với với đề xuất của Bộ Công Thương, tại Hội nghị trực tuyến về tình hình xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc diễn ra ngày 25/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ, phối hợp với cơ quan hữu quan của Trung Quốc để thiết lập mô hình vùng xanh chung của hai nước.
Ngoài ra, việc bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để cùng tiến hành khử khuẩn cho hàng hóa và phương tiện cũng như lấy mẫu xét nghiệm cho lái xe.
Các phương tiện và lái xe đã được 2 bên xác nhận âm tính có thể đi thẳng qua biên giới để vào bãi sang tải, không phải qua khử khuẩn hoặc xét nghiệm lần 2. Đây là giải pháp được đánh giá phù hợp, có thể rút ngắn đáng kể thời gian thông quan so với hiện nay.
Về dài hạn, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Quốc phòng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương khẩn trương thành lập tổ nghiên cứu chính sách.
Theo đó, trong vòng 15 ngày tổ phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách quy định rõ về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng hàng hoá đủ điều kiện xuất khẩu tiểu ngạch cùng như cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Nguồn TTXVN