Độc lập, tự chủ là năng lực của quốc gia trong giữ vững chủ quyền và sự tự quyết về đối nội, đối ngoại, bảo vệ lợi ích quốc gia, không bị sự thống trị, lệ thuộc, chi phối mang tính cưỡng bức, áp đặt từ bên ngoài. Quốc gia độc lập, tự chủ là quốc gia có quyền quyết định việc lựa chọn con đường, mô hình phát triển, chế độ chính trị, độc lập, tự chủ cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong đó, độc lập, tự chủ về kinh tế là nền tảng vật chất cơ bản để giữ vững độc lập, tự chủ về chính trị và tăng cường độc lập, tự chủ của quốc gia; không thể có độc lập, tự chủ về chính trị trong khi lệ thuộc về kinh tế.
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là vấn đề không phải bây giờ mới được đặt ra. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã rất chú trọng đến “thực lực, binh cường” để yên dân và bảo đảm cho non sông bền vững. Đảng ta trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và quan điểm về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986 đến nay.
Đại hội VI của Đảng chủ trương phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ bằng cách chuyển đổi sang kinh tế thị trường, khai thác nguồn lực trong nước và tranh thủ nguồn lực quốc tế.
Tại Đại hội VIII, Đảng ta khẳng định: giữ vững độc lập, tự chủ đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Dựa vào nguồn lực trong nước là chính đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài. Xây dựng nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới…
Đến Đại hội IX, Đảng ta đã xác định đường lối phát triển kinh tế đất nước là: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy cao độ nội lực; đồng thời, tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững… Đại hội IX nhấn mạnh “xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ đi đôi với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, kết hợp nội lực với ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp để phát triển đất nước”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 được thông qua tại Đại hội XI của Đảng đều nhấn mạnh đường lối xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đi đôi với tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế được thực hiện xuyên suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; trong đó “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, gắn kết với nhau thành nguồn lực tổng hợp để phát triển đất nước”.
Trong bối cảnh Việt Nam tích cực hội nhập toàn diện và đẩy mạnh tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), ngày 05/11/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW, nêu rõ mục tiêu thực hiện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội nhằm tăng cường khả năng tự chủ của nền kinh tế, mở rộng thị trường, tranh thủ thêm vốn, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 thông qua tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định quan điểm "Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại".
Có thể thấy, Đảng ta luôn khẳng định đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế là hết sức quan trọng, cùng với phát huy nội lực để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; giải quyết tốt mối quan hệ giữa đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế với bảo đảm độc lập, tự chủ nền kinh tế là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì vậy, Đảng ta xác định rõ nguyên tắc cơ bản và bao trùm trong hội nhập kinh tế quốc tế là “bảo đảm giữ vững độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.
Độc lập, tự chủ của quốc gia đòi hỏi Việt Nam phải có một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, độc lập về kinh tế của một quốc gia không phải là biệt lập, khép kín, tự cung, tự cấp. Một nền kinh tế độc lập, tự chủ cần được hiểu là nền kinh tế có khả năng thích ứng cao với những biến động của tình hình quốc tế và ít bị tổn thương trước những biến động đó; trong bất cứ tình huống nào nó cũng có thể cho phép duy trì được các hoạt động bình thường của xã hội và phục vụ đắc lực nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.
Xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ ở nước ta được thể hiện ở độc lập, tự chủ về đường lối phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo tiềm lực kinh tế, khoa học và công nghệ, cơ sở vật chất - kỹ thuật đủ mạnh; có cơ cấu kinh tế hợp lý, có hiệu quả và sức cạnh tranh cao; tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực và sản phẩm kinh tế chủ yếu có vai trò quan trọng hàng đầu, hiệu quả… Cùng với đó, phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; an toàn năng lượng, tài chính - tiền tệ, môi trường; đất nước phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.
Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu phát triển ấn tượng. Quy mô kinh tế Việt Nam tăng gấp 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng 29,5 lần, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 22 lần. Tỉ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn 2,23% năm 2021 tính theo chuẩn mới.
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu và còn thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên thành trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 2.779 USD vào năm 2020 và là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.
Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước. Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Chúng ta đã ký kết và tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
“Để đạt được những thành tựu trên, nhân tố then chốt là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”.
Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu nổi bật, năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu. Khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn. Nền kinh tế Việt Nam cơ bản là một nền kinh tế thâm dụng vốn và gia công, lắp ráp là chủ yếu.
Trong những năm qua, mặc dù xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện nhưng các yếu tố nền tảng còn ở mức thấp. Năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn ở mức thấp với việc nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên liệu chính cho sản xuất công nghiệp. Nền kinh tế Việt Nam hội nhập cao, có độ mở lớn nhưng lại tập trung vào một số ít thị trường và cơ cấu thiếu bền vững dẫn đến bị phụ thuộc.
Những hạn chế trên đã làm cho tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế còn yếu; yêu cầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng rút ngắn đứng trước nhiều thách thức.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, nhiệm vụ cấp thiết có tính then chốt, nhất quán và lâu dài là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Cụ thể hóa đường lối, chủ trương xây dựng, phát triển đất nước của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, sáu nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế đã được đề xuất để triển khai trong thời gian tới, cụ thể gồm có:
Một là, duy trì sự ổn định và phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, hội nhập quốc tế…, trong đó trọng tâm lớn nhất là giữ vững ổn định và phát triển về hệ thống chính trị, an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đây là yếu tố mang tính nền tảng xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh mới và tất cả những chiến lược này phải mang tính dài hạn, thường xuyên.
Hai là, triển khai quyết liệt và hiệu quả hơn các giải pháp đột phá, gồm: (1) Đột phá về thể chế với trọng tâm là hoàn thiện thể chế pháp luật, trong đó hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng bộ với thị trường, phù hợp với thông lệ quốc về và gắn với điều kiện đặc thù của Việt Nam; (2) Đột phá về hạ tầng với trọng tâm là phát triển hạ tầng quy mô lớn, tạo sự lan tỏa; (3) Đột phá về nguồn nhân lực với trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ để dần từng bước tiến tới làm chủ khoa học công nghệ để tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế.
Ba là, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới động lực tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh chất lượng của nền kinh tế. Trọng tâm của nhiệm vụ này là phấn đấu xây dựng cơ cấu nền kinh tế hợp lý, để làm sao nền kinh tế thích ứng được với các biến động của thế giới, đồng thời cho thấy năng lực phục hồi nhanh sau khi những biến động đó đi qua và đồng thời là nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, phục hồi nhanh hơn sau cú sốc liên hoàn
Bốn là, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, bảo đảm an ninh và an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, biến đổi khí hậu… Đây là nhiệm vụ kiến tạo nên sự phát triển xanh, phát triển bền vững.
Năm là, huy động tối đa nguồn lực để phục vụ cho việc phát triển. Nhiệm vụ này bám sát quan điểm về việc kết hợp nội lực và ngoại lực trong đường lối cách mạng, phát triển đất nước của Đảng, trong đó ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định.
Sáu là, tự chủ hội nhập quốc tế, thực hiện các giải pháp để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng cao vị thế, vai trò của đất nước gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ, duy trì hòa bình và phát triển.
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam từ Đại hội VI của Đảng đến nay. Trước tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán định trên nhiều phương diện đòi hỏi chúng ta phải chú trọng hơn đến xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế để chống chịu tác động trước những cú sốc từ bên ngoài trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ không có nghĩa là khép kín, tách bạch với khu vực và thế giới. Cùng với phát huy sức mạnh nội lực, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, tận dụng mọi thời cơ để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững./.
Q.M