Năm 2015, Đan Phượng là huyện đầu tiên của Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM và địa phương này cũng hiện đang phấn đấu trở thành huyện đạt chuẩn NTM nâng cao đầu tiên. Theo quy hoạch đến năm 2025 huyện sẽ lên quận, do đó phải vừa phải xây dựng NTM vừa phải chú ý phát triển hạ tầng, quản lý trật tự xây dựng sao cho hợp với đô thị sau này.
Hai năm đối phó với đại dịch Covid-19 nhưng tổng giá trị sản xuất của huyện vẫn ước đạt trên 14.000 tỷ đồng/năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn vượt so với chỉ tiêu thành phố giao. Vừa chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập huyện vừa chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho người dân để đảm bảo sự phát triển đó được bền vững.
Với khẩu hiệu “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”, Đan Phượng đã hỗ trợ 600 triệu đồng để các xã gắn biển số nhà, đặt tên cho các đường làng, ngõ xóm. Về xây dựng, cải tạo cảnh quan, huyện thường xuyên phát động cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp” ở tất cả 129 thôn, tổ dân phố trên địa bàn.
Trong giai đoạn 2016-2020 toàn huyện có hơn 46,6km đường trục xã, thôn, ngõ xóm đã được đầu tư xây dựng kiên cố bằng bê tông hay trải thảm nhựa. Như xã Liên Hồng trong quá trình xây dựng NTM nâng cao tiêu chí giao thông đáp ứng nhu cầu với 100% trục đường xã, liên xã và 100% đường trục thôn, xóm và đường liên thôn, xóm được cứng hóa. Đến nay, xã đã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí NTM nâng cao, không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 65 triệu đồng/năm.
Như xã Hạ Mỗ toàn bộ các tuyến đường liên xã đã được trải nhựa hoặc bê tông, đường điện được cải tạo, đầu tư 15 trạm biếp áp, thủy lợi nội đồng đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất, hệ thống hạ tầng cơ sở có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, các thôn có nhà văn hóa, các trường đều đạt chuẩn. Xã đã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 57,2 triệu đồng/năm.
Như xã Thọ Xuân chỉ trong 1 năm đã chuyển đổi được 7ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Nông nghiệp phát triển, ngành nghề khởi sắc giúp cho thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt hơn 60 triệu đồng/năm. Thêm vào đó là an sinh xã hội được đảm bảo, môi trường sinh thái được bảo vệ, trật tự an ninh được giữ tốt...
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình NTM Hà Nội, các địa phương nên xác định xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu văn minh, hiện đại cập theo hướng tiêu chí đô thị. Còn ở 5 huyện dự tính lên quận thì bắt buộc phải áp dụng tiêu chí đô thị vào việc xây dựng NTM chứ không còn cách nào khác.
Trên cơ sở huyện đăng ký, các xã phải xác định được nếu làm NTM theo tiêu chí đô thị thì hết kinh phí là bao nhiêu, Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu, đóng góp của huyện, của địa phương đối ứng là bao nhiêu. Vấn đề này trên phải giao cho từng ngành một chỉ đạo còn ở dưới cơ sở phải rà soát xem nếu quy hoạch xã thành phường, huyện thành quận thì phải đặt ra các tiêu chí mà thực hiện để khi lên đô thị sẽ không phải đập đi, dỡ ra, làm lại toàn bộ.
Nguồn lực kinh tế mà có hạn thì nên chia thành nhiều giai đoạn hoàn thành, ban đầu chỉ trải cứng hóa được hẹp thôi nhưng khi nào thành đô thị là có thể mở rộng ngay, không phải giải phóng mặt bằng, đền bù rất tốn kém và khó khăn nữa. Thứ nữa là ở những nơi xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu phải chú ý đến tỉ lệ cây xanh, đèn chiếu sáng sao cho hài hòa chứ không phải chỉ toàn là bê tông hóa.
Tuy nhiên vấn đề là bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của Trung ương đến thời điểm này còn chưa có nên Hà Nội vẫn phải chờ đợi để mà từ đó lấy làm cơ sở, áp các tiêu chí của đô thị vào.
"Nếu xây dựng NTM như bây giờ, ngay ở một số huyện có nhiều xã NTM nâng cao, rất gần với nội đô nhưng đường làng, ngõ xóm vẫn còn rất bé vì không có quy định trục đường chính là phải rộng bao nhiêu. Do đó vấn đề giao thông, sản xuất, dịch vụ hay thương mại đều rất khó khăn. Để khắc phục, khi xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu các tuyến đường chính phải cắm mốc quy hoạch 7,5m", ông Nguyễn Văn Chí nói./.
Theo Nông nghiệp