Một số vấn đề cần giải quyết
1) Về lý luận, cần đề cập một cách cơ bản, có hệ thống những vấn đề liên quan đến xây dựng thể phát triển nhanh, bền vững từ nhận thức, quan niệm, bản chất, cấu trúc, vai trò của thể chế. Từ nghiên cứu lý luận và những tham khảo kinh nghiện thành công của một số nước trên thế giới, phải làm rõ thêm những hạn chế, bất cập, những “điểm nghẽn” nhận thức lý luận về thể chế phát triển hiện nay của đất nước khi chuyển sang phát triển theo chiều sâu và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn. Từ đó đề xuất những vấn đề, nội dung cần được bổ sung, hoàn thiện về xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn mới.
Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, tiếp tục rà soát lại để hoàn thiện những khái niệm, thậm chí cả những khái niệm rất cơ bản, rất cốt lõi về thể chế phát triển trên tinh thần khoa học, không né tránh nhưng không cực đoan, không tuyệt đối hóa một chiều. Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận và hết sức xem trọng tổng kết thực tiễn ở tầm lý luận. Thực tiễn đang vận động hết sức phong phú, đầy tính sáng tạo của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên các tình thành, các lĩnh vực, cần phải được đúc kết, khái quát thành lý luận.
2) Cần nhận thức rõ về Thể chế phát triển. Thể chế phát triển là một cấu trúc tổng thể, trong đó thể hiện sự vận hành đồng bộ của ba yếu tố: Các tổ chức, chủ thể tham gia; các quy tắc vận hành, cơ chế thực thi thể chế; và môi trường mà các chủ thể và quy tắc vận hành trong đó. Đối với một quốc gia, thể chế phát triển là sự tương tác tổng hợp của ba lĩnh vực cơ bản: chính trị, kinh tế, xã hội; sự gắn kết, tác động hài hòa ba thể chế thành phần chủ yếu: Thể chế chính trị, thể chế kinh tế và thể chế xã hội (trong đó bao hàm thành tố văn hóa, con người và quan hệ con người với tự nhiên). Ba thể chế thành phần này có vai trò và chức năng khác nhau, nhưng liên quan mật thiết, tương tác và chế định lẫn nhau theo quy luật - nhân quả, hình thành nên các mô hình thể chế phát triển khác nhau vận hành trong mối quan hệ cốt lõi giữa nhà nước, thị trường và xã hội.
3) Đối lập với thể chế phát triển là thể chế kìm hãm phát triển. Trên thực tế, trong một thể chế cụ thể thường chứa đựng cả những yếu tố tích cực và yếu tố tiêu cực. Vấn đề là những yếu tố nào đóng vai trò chủ đạo, chi phối sự phát triển và làm thế nào để các yếu tố chủ đạo đó phát huy tối đa tác dụng. Bản thân thể chế cũng không phải là bất biến, nó vừa có yêu cầu phải ổn định tương đối, đồng thời phải được thường xuyên đổi mới, không ngừng hoàn thiện và phát triển cùng với sự phát triển cao hơn của xã hội.
Chất lượng của thể chế phụ thuộc vào chất lượng của pháp luật và mức độ hiệu lực, hiệu quả thực thi luật pháp, cơ chế, chính sách trên thực tế. Có thể khẳng định việc xây dựng, thực hiện thể chế phát triển có chất lượng phụ thuộc rất lớn vào năng lực quản trị và phẩm chất chính trị, đạo đức của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản lãnh đạo. Đây là những vấn đề quan trọng cần được tiếp tục nghiên cứu sâu và có những đề xuất xác đáng trong quá trình xây dựng thể chế cụ thể.
Một số vần đề cần tập trung để xây dựng và hoàn thiện Thể chế phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trong giai đoạn mới:
Một là, cần làm rõ hơn bản chất của quá trình đổi mới và hoàn thiện thể chế phát triển của Việt nam trong gia đoạn mới. Thể chế phát triển nhanh, bền vững là thể chế mang tính dung hợp cao, tính “vượt trội” để có khả năng đón nhận có hiệu quả các xu thế và mô hình phát triển mới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời hóa giải được các thách thức; huy động và sử dụng có hiệu quả tất cả các nguồn lực, trong đó đặt trong tâm vào nguồn lực con người chất lượng cao và khoa học - công nghệ hiện đại, bảo đảm sự phát triển dựa vào năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.
Bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, thể chế xã hội; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững. Xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững theo chiều sâu phải là một đột phá chiến lược của đất nước trong giai đoạn mới.
Hai là, xác định vấn đề trung tâm của xây dựng thể chế là tạo động lực phát triển trong mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng, kết nối thành động lực phát triển của cả dân tộc. Động lực đó phải được tạo lập đồng bộ cả về mặt lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị, lợi ích tinh thần - giá trị xã hội, giá trị dân chủ và pháp quyền, giá trị đạo đức, của tất cả các chủ thể trong xã hội, tạo động lực tổng hợp cho sự phát triển.
Ba là, tiếp tục đổi mới tư duy về thể chế phát triển; xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế chính trị - thể chế kinh tế - thể chế xã hội, đáp ứng với yêu cầu phát triển nhanh - bền vững đất nước trong giai đoạn mới. Nhận thức đúng, giải quyết hiệu quả quan hệ giữa các thể chế thành phần, trong đó, thể chế chính trị phải đổi mới để đóng vai trò định hướng, dẫn đường; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải là thể chế kinh tế phù hợp, hiệu quả, hiện đại, tạo nền tảng vất chất cho phát triển; thể chế phát triển xã hội hướng tới phát huy những giá trị mới, nuôi dưỡng khát vọng, giải phóng và phát huy giá trị sáng tạo và trách nhiệm xã hội của mỗi con người và tất cả các chủ thể trong xã hội, tạo động lực phát triển.
Cần đặc biệt coi trọng việc đổi mới và hoàn thiện thể chế chính trị, nòng cốt là tiếp tục đổi mới chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Trong khi nhấn mạnh vai trò "dẫn đường" của thế chế chính trị, coi trọng vai trò của thể chế kinh tế, phải quan tâm đúng mức đến thể chế xã hội và thể chế văn hóa. Thể chế văn hóa nếu được chế định phù hợp sẽ góp phần rất quan trọng vào thúc đẩy phát triển và thực thi hiệu quả thể chế chính trị và thể chế kinh tế; ngược lại, nếu chế định không phù hợp, nó sẽ chi phối, cản trở các thể chế khác (còn tiếp)
PHP