Câu hỏi: Xin cho biết giải pháp nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII?
Trả lời
Nghị quyết Đại hội XIII xác định: “Triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh”(1). Để thực hện nhiệm vụ này, bản lĩnh, năng lực của người cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng có ý nghĩa quan trọng, mang tính quyết định đến kết quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Bởi, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(2), “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”(4). Chính vì vậy, một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng là xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra tinh thông về nghiệp vụ, am hiểu sâu sắc và toàn diện về các lĩnh vực của đời sống xã hội, có tầm nhìn, năng lực dự báo để tham mưu thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Để “xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp theo hướng chuyên nghiệp hóa”(5) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra bảo đảm chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để có đủ năng lực, trình độ, bản lĩnh kiểm tra, tức là có đủ cả đức và tài, đòi hỏi cán bộ làm công tác kiểm tra phải có cái gốc cơ bản về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có kiến thức tổng hợp về mọi mặt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, nắm vững pháp luật, nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, kiến thức tâm lý học, quản lý kinh tế và phải có bản lĩnh nghề nghiệp. Do đó, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp cần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kinh tế, văn hóa, pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra bằng nhiều hình thức phù hợp. Cấp ủy các cấp cần cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về tình hình thế giới và trong nước cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra để đội ngũ này có thể phân tích được khó khăn, thuận lợi, nắm bắt được diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, trong Đảng và ngoài xã hội tác động đến sự lãnh đạo của Đảng nói chung và hoạt động công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng nói riêng. Cán bộ làm công tác kiểm tra phải được bồi dưỡng cơ bản, có hệ thống về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi đây là kiến thức cơ bản nhằm trang bị thế giới quan và phương pháp luận cho đội ngũ cán bộ nói chung. Những cán bộ trẻ trong diện quy hoạch phải cử đi đào tạo cử nhân (bằng 2) chuyên ngành kiểm tra, giám sát tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ngoài ra cần coi trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra qua công việc, qua thực tiễn công tác tại địa phương.
Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp cần quản lý chặt chẽ và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc cán bộ kiểm tra thực hiện đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Kết thúc mỗi cuộc kiểm tra, giám sát, kỷ luật cần rút kinh nghiệm, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu của từng người để động viên và có biện pháp giúp đỡ cán bộ vươn lên, tỏ rõ bản lĩnh của mình. Hằng năm, khi phân tích kết quả thực hiện nhiệm vụ, có nhận xét, đánh giá về phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ công tác, đạo đức lối sống, bản lĩnh của từng cán bộ kiểm tra qua đó có biện pháp trau dồi, rèn luyện phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác của mỗi người.
Thứ hai, đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra phải luôn luôn tự học tập, phấn đấu, rút kinh nghiệm để có trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra đối với công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Nội dung, kiến thức mà những cán bộ làm công tác kiểm tra phải tiếp thu rất phong phú, toàn diện, bao gồm kiến thức lý luận, công tác đảng, công tác tổ chức, quản lý nhà nước, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ,... Điều này đòi hỏi cán bộ làm công tác kiểm tra phải xây dựng, rèn luyện tác phong công tác, lề lối làm việc khoa học, dân chủ, nắm tình hình địa bàn để tiên lượng, đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp những khó khăn, vướng mắc, những khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, không để xảy ra vi phạm.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đòi hỏi người cán bộ phải nắm vững nguyên tắc, phương pháp, quy trình và các bước tiến hành. Một khi cán bộ thành thạo, nắm vững nghiệp vụ thì họ luôn ở thế chủ động, tự tin và hoạt động có hiệu quả. Khi xem xét vụ việc, cán bộ làm công tác kiểm tra phải căn cứ thực tế tình hình và điều kiện của tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra với thái độ khách quan, vô tư, không vì sức ép bên ngoài mà có thái độ thiên lệch, không đúng bản chất vụ việc. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng là công tác đảng, do đó, khi tiến hành phải giữ đúng tính chất công tác đảng, phải thông qua sinh hoạt đảng và lấy tự phê bình và phê bình làm biện pháp chính yếu. Định vị bởi nguyên tắc và tính chất đó nên cán bộ kiểm tra cần tích hợp, rèn luyện và chuẩn xác trong các tác nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ. Mỗi cán bộ kiểm tra cần tạo cho mình tác phong thẳng thắn, trung thực, bao dung, tôn trọng lẽ phải; linh hoạt, sáng tạo theo nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” và có quan điểm lịch sử cụ thể. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh mới hiện nay, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, đội ngũ cán bộ kiểm tra cần thấu suốt chỉ dẫn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng ngày 27/11/2020: “Cán bộ kiểm tra phải là những chiến sĩ kiên cường, có bản lĩnh, nắm chắc các cơ chế, chính sách, Điều lệ Đảng, các quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước; đặc biệt phải có dũng khí đấu tranh, chính trực và hơn ai hết phải liêm, phải sạch. Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác”(6).
Thứ ba, cần có chính sách thu hút những người có đức và có thực tài về lĩnh vực kiểm tra, giám sát vào làm công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Nhận rõ tính cấp bách về xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra trước yêu cầu mới, ngày 10/12/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 23-KL/TW về “tiếp tục đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ kiểm tra các cấp sang công tác ở các ngành, các cấp và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, trung thành, trung thực, chuyên sâu, chuyên nghiệp, có kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong thời kỳ mới.
Đổi mới chính sách đãi ngộ thích hợp là một trong những yếu tố cơ bản quyết định chất lượng và hiệu quả của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra. Do đó, cấp ủy cần vận dụng linh hoạt chế độ chính sách, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, đi lại cho cán bộ kiểm tra được luân chuyển đi, cán bộ ban, ngành khác luân chuyển đến nhằm động viên, khích lệ cán bộ công tác trong ngành, nghề quan trọng này. Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác kiểm tra, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp cần sử dụng tốt đội ngũ này đúng người, đúng việc, đúng sở trường từng cán bộ, nhất là khi tác nghiệp nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đối với từng lĩnh vực cụ thể, biết phát huy trí tuệ của cả tập thể, từng bước xây dựng và phát triển văn hóa kiểm tra của Đảng. Ngoài ra, mỗi cán bộ làm công tác kiểm tra phải biết tránh xa sự đố kỵ, ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân; cố gắng phấn đấu không ngừng để nâng cao phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ./.
Chú thích và tài liệu tham khảo
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., 2021, t.I, tr.189.
(2), (3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H., 2011, t.5, tr.309, tr.280, tr.636.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., 2021, t.I, tr.190-191.
(6) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (ngày 27/11/2020).
Ngọc Cảnh