Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 05/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã đề ra quan điểm: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp”. Để làm được điều đó, trước tiên phải xây dựng con người có đạo đức gắn liền với văn hoá liêm, chính.
Văn hóa liêm chính đã được ông cha ta đề cập trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, được đúc kết bằng các câu tục ngữ như: “Đói cho sạch, rách cho thơm/ Chớ bờm xôm, để đời tiếng xấu”; hay “Cọp chết để da, người chết để tiếng” hoặc “Áo rách cốt cách người thương”. Những phẩm chất đó được ăn sâu, bén rễ, trở thành lối sống bình thường của người quân tử, kẻ sĩ. Những lời dạy ấy làm cho con người từ bé sớm biết trọng danh (danh dự) hơn trọng thực (miếng ăn, tiền bạc, vật chất) và giữ danh, coi danh dự là tài sản quý, là điều thiêng liêng, mất nó thì không lấy gì bù đắp được.
Theo cách nghĩ của người xưa, việc xây dựng văn hóa liêm chính là cả một quá trình phấn đấu suốt đời, không nghỉ, không ngừng. Người làm quan ngày xưa lấy liêm chính bằng xả thân vì công việc, đem hết tài năng, tâm đức để phụng sự triều chính, coi đóng góp cho đời là tài sản quý, giữ thanh liêm là bản năng sống.
Đối với cán bộ, đảng viên hiện nay, “liêm”, “chính” được xem là hai trong bốn đức tính cần, kiệm, liêm, chính, là nội dung cốt lõi phản ánh đạo đức cách mạng, là nền tảng của con người có nhân cách, có đời sống văn hóa, là phần trung tâm của đạo đức và mối quan hệ đối với “tự mình” của người cách mạng
Theo Hồ Chí Minh: “Liêm” là trong sạch, không tham lam, là luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân; không xâm phạm đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân. Tức là, phải trong sạch, không tham lam địa vị, tiền của, danh tiếng... Người chỉ ra hành vi trái với chữ liêm, như: Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên. Cán bộ cậy quyền thế mà đục khoét nhân dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư. Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình. Gặp việc phải mà sợ khó nhọc, nguy hiểm, không dám làm, tham vật úy lao.... Mỗi người phải nhận ra rằng tham lam là một điều xấu xa, kẻ tham lam là có tội với nước với dân. Để cán bộ, đảng viên thực hiện "Liêm", Người yêu cầu: cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên trên. Cán bộ phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân: Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân”.
“Chính” nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn. Đối với mình, không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn kiểm điểm mình để phát huy điều hay, sửa đổi điều dở. Đối với người, không nịnh hót người trên, xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, không dối trá, lừa lọc. Đối với việc, để việc công trên việc tư, làm việc gì thì phải làm đến nơi đến trốn, không ngại khó, nguy hiểm, cố gắng làm việc cho dân, cho nước. Người chính trực thấy việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì nhỏ mấy cũng tránh.
Hồ Chí Minh luôn yêu cầu tất cả mọi người đều rèn luyện đức “liêm chính” như những phẩm chất tốt đẹp khác; đối với cán bộ, đảng viên, phải đi đầu để làm gương cho nhân dân học tập. Người nói rõ: “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”. Điều đó trở thành một biểu tượng sáng ngời về nhân cách chính trị, về phẩm chất đạo đức cách mạng, trong sạch; với lối sống giản dị, nhân hậu trong mỗi con người.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Danh dự mới là thiêng liêng, cao quý nhất”, "Thiện căn ở tại lòng ta"; "Thượng bất chính, hạ tắc loạn"; "Cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào"… Những điều chỉ giáo đó cùng với các quy định của Đảng, của pháp luật phải được nhắc nhở thường xuyên như cơm ăn, nước uống hàng ngày./.
Quang Minh