Yếu tố chính trị - tinh thần là sản phẩm của truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm, của tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, hình thành từ nhận thức sâu sắc về tính chính nghĩa của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Yếu tố đó thể hiện cụ thể ở sự giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân, khát vọng mong muốn sống trong hòa bình, độc lập, tự do, kiên quyết đấu tranh để giải phóng dân tộc, thể hiện rõ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Đó là nội dung cốt lõi trong sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta, là chất keo dính kết mọi lực lượng, hội tụ mọi nguồn lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc chiến thắng mọi kẻ thù.
Với ý chí tự lực “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”, quan điểm phát huy sức mạnh tổng hợp, nhận rõ tính chính nghĩa và ưu thế tuyệt đối về mặt chính trị - tinh thần thuộc về nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, yếu tố chính trị - tinh thần là cơ sở, là cốt lõi để xây dựng và phát huy các yếu tố khác làm nên sức mạnh thần kỳ của Việt Nam và tiếp tục đưa cách mạng Việt Nam vững bước trên con đường hội nhập, phát triển trong hiện tại và tương lai.
Yếu tố chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc luôn là yếu tố giữ vai trò đặc biệt quan trọng, tạo cơ sở, nền tảng để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh của đất nước trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Để phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần, tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với xây dựng yếu tố chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân. Đảng ta vừa tổ chức lãnh đạo, xác định quan điểm, định ra đường lối, vừa là hạt nhân đoàn kết để động viên sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hướng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu trong xây dựng yếu tố chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải coi việc xây dựng yếu tố chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên để có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, hiệu quả đối với nhiệm vụ này ở địa bàn, địa phương mình. Các nghị quyết, văn bản, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về xây dựng yếu tố chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân cần được tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, thống nhất, hiệu quả trên thực tế. Bên cạnh đó, cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác quân sự, quốc phòng, bảo đảm cho nhiệm vụ này được triển khai thực hiện triệt để, hiệu quả trong thực tiễn.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng để tự vệ, góp phần vào việc giữ vững hòa bình, ổn định trong khu vực; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; kiên trì giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ với các quốc gia bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Việt Nam không tham gia bất cứ tổ chức liên minh quân sự nào và cũng không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống nước khác...
Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, từng bước hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Cần huy động sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế quốc dân vào xây dựng yếu tố chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân, hình thành thế trận phòng thủ quốc gia, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Đối với các địa phương, trong quá trình quy hoạch, phát triển cần gắn các đề án, dự án với nhiệm vụ phòng thủ của địa phương, bảo đảm việc phát triển kinh tế - xã hội luôn đi cùng với củng cố quốc phòng, an ninh, nhất là trên các vùng, miền chiến lược. Coi trọng xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên hướng biên giới, biển, đảo xa bờ; xây dựng và hoàn thiện một số mô hình kết hợp kinh tế với quốc phòng để ổn định và cải thiện đời sống nhân dân trên vành đai biên giới, khu vực xung yếu, tạo thế bố trí chiến lược mới trên các địa bàn, hướng chiến lược của đất nước.
Có chiến lược về xây dựng yếu tố chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới. Kết hợp chặt chẽ và nằm trong tổng thể chiến lược quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, là một bộ phận hợp thành sức mạnh tổng hợp quốc gia, gắn bó chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược xây dựng đất nước. Điểm cơ bản, cốt lõi nhất là phải ra sức củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc.
Mở rộng công tác đối ngoại quốc phòng và hội nhập quốc tế với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. TĐẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng cả trên bình diện song phương và đa phương, bảo đảm cho sự hợp tác trở thành yếu tố góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Xây dựng yếu tố chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là vấn đề chiến lược, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, yếu tố chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân tiếp tục được xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc/.
ĐT