Đây là nhận định của chuyên gia, doanh nghiệp tại hội thảo "Xu hướng mới trong đóng gói, bao bì – thị trường nội địa và xuất khẩu" do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng Hiệp hội Nhựa Việt Nam tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 22/12.
Theo một số chuyên gia, người tiêu dùng toàn cầu, trong đó có Việt Nam đã và đang có xu hướng lựa chọn nhiều sản phẩm có nguồn gốc thực vật, mang yếu tố tốt cho sức khỏe, sản phẩm bản địa, bảo vệ môi trường... Những chủng loại bao bì, chất liệu bao bì thân thiện môi trường là yếu tố được số đông người tiêu dùng ủng hộ, chọn mua.
Chính vì vậy, doanh nghiệp cần đặt mình vào địa vị người mua để nắm bắt nhu cầu khách hàng và thị hiếu tiêu dùng mới trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Nếu như bao bì bắt mắt, khơi gợi tò mò... có thể thu hút khách hàng mua lần đầu, nhưng tính bền vững, tiêu chuẩn và thông tin trên bao bì sẽ giữ chân họ dài lâu.
Đối với sản phẩm xuất khẩu, doanh nghiệp cần biết rõ các yêu cầu tại thị trường mục tiêu liên quan đến bao bì để tránh những trường hợp hàng bị từ chối. Đồng thời, đơn vị sản xuất kinh doanh không nên dừng lại ở đổi mới sáng tạo sản phẩm, dịch vụ, mà nên chú động sử dụng bao bì đáp ứng xu hướng tiêu dùng để thu hút khách hàng.
Phân tích cụ thể, tham luận của chuyên gia Hồ Ngọc Phương Thảo chỉ ra rằng, bao bì thương phẩm của hàng hóa là bao bì chứa đựng hàng hóa và lưu thông cùng với hàng hóa có hai loại; trong đó, bao bì trực tiếp là bao bì chứa đựng hàng hóa, tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa, tạo ra hình khối hoặc bọc kín theo hình khối của hàng hóa; còn bao bì bì ngoài là bao bì dùng để bao gói một hoặc một số đơn vị hàng hóa có bao bì trực tiếp.
Còn bà Nguyễn Thị Xuân Yến, Nhà nghiên cứu về Phát triển bền vững, đánh giá xanh hóa bao bì không nằm ngoài mục tiêu tăng sức cạnh tranh và bảo vệ môi trường, nhất là tiếp cận xu hướng tiêu dùng mới trên toàn cầu và cơ hội tăng tốc hậu COVID-19. Do đó, tư duy lại bao bì cần phương pháp nghiên cứu phát triển bao trùm sản phẩm, bao vì, dịch vụ như cần cố gắng sử dụng chất liệu tái chế hơn là nguyên chất, ưu tiên hiệu quả và tương thích với hệ thống tái chế, táo sử dụng và xử lý tại địa phương.
Điển hình, tùy tính chất ngành hàng, cam kết của thương hiệu, giá trị cốt lõi doanh nghiệp và kỳ vọng mang lại trải nghiệm cho người... thì định hướng tuần hoàn, gồm: tái chế, dùng lại, tái tạo, cách tân... Mặc dù vậy, doanh nghiệp cần chú trọng công năng của bao bì, tiện nghi cho người dùng, phòng tránh độc hại xâm nhập, sử dụng một loại chất liệu.
Hơn thế nữa, nhằm chuẩn bị cho sự bùng nổ sâu rộng của thương mại điện tử đòi hỏi ngành bao bì, nhất là thiết kế bao bì tối ưu hóa cho toàn chuỗi cung ứng. Đồng thời, bao bì carton sóng chiếm ưu thế, cơ hội cho bao bì nhựa mềm có thành phần tái chế.
Thống kê, thị trường bao bì nhựa cứng Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm ở mức 12,3%, dự báo đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2022, với động lực tăng trưởng từ ngành đồ uống, thực phẩm; đồ dùng gia đình và chăm sóc sức khỏe...
Còn thị trường bao bì nhựa mềm có hai nhóm sản phẩm là bao bì màng đơn và bao bì màng phức hợp. Thị trường sản phẩm này được thúc đẩy nhờ nhu cầu từ ngành thực phẩm đóng gói như cà phê hòa tan, gia vị và xuất khẩu thủy sản.
Tính chung tổng sản lượng bao bì giấy do Việt Nam sản xuất đạt 4,76 triệu tấn (2021) và 4,94 triệu tấn (dự kiến 2022). Bên cạnh đó, khối lượng tiêu thụ giấy bao bì đạt 5,2 triệu tấn (2021) và 5,5 triệu tấn (dự kiến 2022). Ngoài ra, trên bản đồ thế giới, ngành bao bì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép CARG rất cao, dự kiến duy trì ở tốc độ 12,3%/năm đến năm 2023.
Theo cộng đồng doanh nghiệp, ngoài hai xu hướng là bền vững và chuyển đổi số, ngành bao bì còn được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng kinh tế, gia tăng dân số, nhu cầu người tiêu dùng về bao bì nhẹ - tiện dụng - dễ mang đi. Các doanh nghiệp cũng đưa ra dự báo, tốc độ tăng trưởng tốt của nhiều ngành tại thị trường nội địa và xuất khẩu cũng mang lại cơ hội tăng trưởng lớn cho ngành bao bì Việt Nam.
Nguồn TTXVN