Bài viết khẳng định Việt Nam được biết đến với dân số “vàng”, trong đó gần 56% người dân dưới 35 tuổi, tỷ lệ cao nhất so với các nước có mức thu nhập tương tự trong khu vực. Với việc thế hệ X và thế hệ Y đang hình thành hầu hết lực lượng lao động và thị trường tiêu dùng của đất nước, trong khi thế hệ Z nhanh chóng nổi lên như một làn sóng người tiêu dùng tiếp theo, Việt Nam sẽ tăng 8 bậc lên vị trí thứ 18 trong bảng xếp hạng toàn cầu về 30 thị trường tiêu dùng lớn nhất trước năm 2030.
Ước tính tầng lớp thu nhập trung bình có thu nhập trên 700 USD/tháng tại Việt Nam sẽ chiếm 1/3 dân số và dự kiến sẽ tăng gấp đôi quy mô vào năm 2030. Sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp thu nhập trung bình tại Việt Nam sẽ tạo cơ sở cho tiêu dùng nội địa đối với dịch vụ và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Hơn nữa, tầng lớp trung lưu trẻ luôn sẵn sàng đón nhận các xu hướng mới như số hóa và tính bền vững. Điều này có thể sẽ mang lại cơ hội đầu tư mới vào các dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng và các sản phẩm “xanh”.
Theo bài viết, số hóa hiện đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng tại Việt Nam. Nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước đang tăng trưởng ở mức 2 chữ số và tổng giá trị thị trường dự kiến đạt 57 tỷ USD vào năm 2025. Thị trường kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam được củng cố bởi sự phát triển mạnh mẽ về thương mại điện tử, tài chính số và giáo dục.
Thương mại điện tử sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất. Với mức độ thâm nhập Internet ngày càng tăng, việc sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi hơn và sự đa dạng các nền tảng mua sắm trực tuyến, thị trường thương mại điện tử dự kiến sẽ tạo ra mức tăng trưởng cao hơn 25% mỗi năm và có giá trị thị trường là 35 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 1/10 tổng doanh số bán lẻ theo tầm nhìn dài hạn của Việt Nam. Ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam. Thương mại điện tử Việt Nam, được thúc đẩy bởi xu hướng số hóa và kết hợp với nguồn vốn tăng nhanh, đang trên đà đạt được tốc độ tăng trưởng cao.
Trong khi đó, là lĩnh vực quan trọng của đất nước, dịch vụ tài chính đang tận dụng xu hướng số hóa. Theo kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngành dịch vụ tài chính đã được chỉ định đóng vai trò tiên phong trong việc thiết lập một hệ thống số hóa hoàn toàn, lấy con người làm trung tâm.
Do đó, các ngân hàng Việt Nam đang theo đuổi các chiến lược phát triển kỹ thuật số. Cũng giống như thương mại điện tử, sự dễ dàng và thuận tiện của ngân hàng số sẽ thay đổi cách mọi người thực hiện các giao dịch tài chính. Số lượng người dùng ứng dụng ngân hàng tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 73% trong 9 tháng đầu năm 2020, mức cao nhất trong toàn khu vực. Tuy nhiên, mức độ thâm nhập của ngân hàng số vẫn ở mức vừa phải và dịch vụ tài chính số của Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển trong những năm tới.
Theo một nghiên cứu của McKinsey, vào năm 2030, 40% tiêu dùng của Việt Nam sẽ do thế hệ ra đời trong giai đoạn kỹ thuật số, tức là sinh ra vào những năm 1980 đến 2012, thúc đẩy. Nhóm này có xu hướng sử dụng Internet nhiều và sử dụng điện thoại thông minh. Sở thích và nhu cầu mua hàng của họ được quyết định bởi các yếu tố khác nhau. Trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ phải cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số sáng tạo để tăng độ hài lòng của khách hàng.
Nguồn TTXVN