Trả lời:
Tại Việt Nam hiện nay xuất hiện rất nhiều đối tượng nhập cảnh trái phép với nhiều mục đích khác nhau. Việc nhập cảnh trái phép đang trở thành một vấn nạn được quan tâm hàng đầu bởi lẽ nó xâm phạm đến an ninh, trật tự xã hội của đất nước, đặc biệt trong thời điểm đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang bùng phát và diễn biến phức tạp sẽ gây ra những nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng và kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, việc xử lý nghiêm các đối tượng nhập cảnh và tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép là hết sức cấp thiết.
Quy định của pháp luật về xử lý hành vi nhập cảnh trái phép
Hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi nhập cảnh trái phép và số lần vi phạm. Cụ thể:
Đối với phương thức xử phạt hành chính, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội ngày 12/11/2013 của Chính phủ tại Điểm a, khoản 3, Điều 17quy định: người có hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng (người có hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục nhập cảnh được hiểu là những người vào Việt Nam mà không đi qua các cửa khẩu, không làm các thủ tục cần thiết để được vào Việt Nam, có thể họ đi vào bằng đường tắt, lối mở ở khu vực biên giới); Điểm b, khoản 5, Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: Người nước ngoài nhập cảnh mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng.
Đối với trách nhiệm hình sự, Điều 347 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Theo đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự xảy ra khi một người nhập cảnh trái phép đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quy định của pháp luật về xử lý hành vi tổ chức nhập cảnh trái phép
Hành vi tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, cụ thể:
Đối với phương thức xử phạt hành chính, theo quy định tại Khoản 6, Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì người có hành vi tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam trái phép bị phạt tiền từ 30.000.000 - 40.000.000 đồng.
Về trách nhiệm hình sự, “Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” là một trong số 34 tội danh mới được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đây là tội ghép nhiều tội danh, theo đó, những người vì vụ lợi mà tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thì sẽ bị phạt tù với mức hình phạt tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi. Cụ thể Điều 348 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
“1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10 người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Tội phạm này thực hiện do lỗi cố ý có mục đích và động cơ vụ lợi. Dấu hiệu “vì vụ lợi” là dấu hiệu bắt buộc của loại tội phạm này. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vì vụ lợi, lợi ích cá nhân nên mong muốn thực hiện hành vi đó. Tội phạm này được quy định nhằm đấu tranh phòng chống các hành vi xuất cảnh, nhập cảnh, hoặc ở lại Việt Nam trái phép.
Đào Tùng