Chỉ trong vòng hai ngày, việc điều tra, xác minh diễn ra gấp rút, kết quả xử lý được công bố. Đây có lẽ là một trong ít trường hợp được cơ quan hữu trách từ trung ương đến địa phương có chỉ đạo và xử lý nhanh như vậy.
Vụ việc xảy ra rất nghiêm trọng. Không thể chấp nhận hành vi bạo lực không đúng quy định đối với người sai phạm, nhất là đối với trẻ vị thành niên, Công an tỉnh Sóc Trăng quyết định kỷ luật tột khung ba cảnh sát trực tiếp đánh người.
Chưa bàn tới việc ba chiến sĩ công an này có vi phạm pháp luật hình sự hay không sẽ xem xét sau nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chỉ riêng việc tước danh hiệu Công an nhân dân với ba cảnh sát này cũng cho thấy tính nghiêm khắc được thực thi một cách tới nơi tới chốn, bảo đảm sự răn đe và cảnh báo cho đội ngũ.
Việc xử lý nhanh và tột khung như vậy còn là cách làm việc kiên quyết, không bao che.
Một điều đáng chú ý là không chỉ người trực tiếp đánh hai thiếu niên mới bị kỷ luật, ngay cả người liên quan cũng bị xử lý theo đúng mức độ trách nhiệm.
Một đại úy bị cảnh cáo, một đại úy khác bị cách chức từ phó đội trưởng xuống làm cán bộ thường.
Hai đại úy nêu trên không những thiếu trách nhiệm, mà còn thờ ơ, khi chứng kiến không can ngăn, nếu không muốn nói là ngấm ngầm đồng tình với hành vi vượt quá chuẩn mực, quyền hạn của đồng nghiệp.
Buông lỏng, xuề xòa và tha thứ cho thái độ của hai đại úy này là góp phần thúc đẩy cho ba chiến sĩ kia sử dụng bạo lực đến mức thô lỗ và tàn nhẫn.
Cần xác định đây là loại vi phạm không thể dung túng, không được để cho nó vượt quá tầm kiểm soát. Muốn ngăn chặn các hành động này, ngoài việc giáo dục, nâng cao nhận thức, trình độ nghiệp vụ thì phải có biện pháp xử lý mạnh tay, chế tài hiệu quả.
Cách làm của Công an tỉnh Sóc Trăng là rất đáng ghi nhận, tỏ rõ được quyết tâm thanh lọc trong sạch lực lượng, đồng thời phù hợp với nguyện vọng của dư luận xã hội.
Vụ ba chiến sĩ công an ở Sóc Trăng đánh người gây tác hại không nhỏ đến an ninh xã hội, làm tổn hại uy tín, đạo đức người công an nhân dân.
Điều quan trọng là sau vụ này, không được để hình ảnh ấy tái diễn, đồng thời phải minh bạch và mạnh tay khi cần thiết, nếu tìm cách xóa nhòa rồi lãng quên là đồng nghĩa với việc "nối giáo" cho sai phạm trỗi dậy.
Nguồn TTO