Vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn trong tham gia giao thông. Nghị định 100 của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020) đã tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn. Theo đó Khoản 10, Điều 5, Nghị định 100 nêu rõ: Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít thở không khí; không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đối với người thi hành công vụ. Ngoài ra, cũng theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này, người có hành vi trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Cùng với Nghị định 100, Luật Giao thông đường bộ cũng đã cấm hẳn hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông bằng việc áp dụng các mức xử phạt với chế tài khá nghiêm khắc từ việc phạt tiền đến tước bằng lái xe có thời hạn. Do vậy, thời gian qua ý thức “đã uống rượu bia, không lái xe” của người dân có tăng lên. Tuy nhiên vào thời điểm gần Tết Nguyên đán, các buổi liên hoan, tụ họp, tình trạng sử dụng rượu, bia và vẫn tham gia giao thông vẫn xảy ra. Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xuất phát từ nguyên nhân lái xe điều khiển phương tiện sau khi sử dụng đồ uống có nồng độ cồn như bia, rượu... Rất nhiều người vợ đã mất chồng, con mất cha chỉ vì một vài cốc bia, chén rượu.
Để đảm bảo an toàn cho mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn xã hội vui xuân đón Tết an toàn, tại Lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2022 do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm khi chạy xe máy, xe đạp điện dịp Tết. Vì đây là hai nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông, làm tăng tỷ lệ thương vong trong dịp lễ Tết. Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, năm 2022 phải thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tương ứng với nhịp độ phát triển kinh tế, sự gia tăng nhu cầu vận tải và mật độ phương tiện trong điều kiện đất nước chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thúc đẩy và phục hồi phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp cận kề, ngoài việc tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đối với người dân, lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường phương thức tuần tra cơ động, chú trọng kiểm tra đối tượng lái xe khách, xe mô tô là thanh, thiếu niên; đẩy mạnh công tác nắm tình hình, địa điểm, thời gian người điều khiển phương tiện thường sử dụng rượu, bia, thanh thiếu niên tụ tập ăn, uống đêm khuya… để phát hiện và xử lý kịp thời trường hợp vi phạm nồng độ cồn nhưng vẫn lái xe. Đặc biệt là tăng cường kiểm tra địa bàn phức tạp về TTATGT, tập trung thời gian từ 18h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, nhất là thứ 7, Chủ nhật, dịp nghỉ Tết. Từ đó, hạn chế đến mức thấp nhất TNGT, góp phần mang lại mùa xuân an vui cho mỗi gia đình./.
Phương Anh