Có thể nói các thông tin xấu độc trên mạng là một trong những yếu tố chính gây ra các cuộc khủng hoảng truyền thông, không chỉ là khủng hoảng truyền thông với các cá nhân hay tổ chức nào, mà rộng hơn là khủng hoảng truyền thông với chính thể, với quốc gia. Môi trường mạng xã hội tuy mang lại nhiều lợi ích to lớn như sự kết nối dễ dàng và tính minh bạch cao, song cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về khủng hoảng truyền thông. Chống thông tin xấu độc trên mạng cũng chính là một phần công việc quản trị, xử lý và phòng ngừa các cuộc khủng hoảng truyền thông, nhằm giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ lợi ích của cộng đồng, bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ uy tín của Đảng, Nhà nước, đồng thời củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân vào chính quyền. Vì vậy nếu áp dụng một số cách thức trong quản trị khủng hoảng truyền thông vào lĩnh vực chống thông tin xấu độc có thể giúp chúng ta có những giải pháp hiệu quả và bền vững.
Một trong những khâu quan trọng nhất trong quản trị khủng hoảng truyền thông là nhận biết dấu hiệu và nhận diện nguy cơ khủng hoảng. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp khi áp dụng với lĩnh vực chống thông tin xấu độc. Cụ thể là báo chí tham gia phản bác thông tin xấu độc trên mạng rất cần có dữ liệu từ việc theo dõi các dấu hiệu và nhận diện nguy cơ trên mạng một cách cập nhật và chuyên nghiệp. Bản thân các nhà báo và các tòa soạn có thể thực hiện hoạt động “social listening” (lắng nghe trên mạng xã hội) , song sẽ không thể hiệu quả bằng các cơ quan chức năng có nghiệp vụ chuyên sâu về vấn đề này. Các báo cáo phân tích nhận diện thông tin xấu độc trên mạng cần được thực hiện thường xuyên và cập nhật, cung cấp cho các cơ quan báo chí và mạng lưới các nhà báo trong lĩnh vực bảo vệ nền tảng tư tưởng và phản bác quan điểm sai trái, thù địch, hay có thể gọi là mạng lưới các nhà báo “Ban chỉ đạo 35”. Báo cáo sẽ bao gồm thông tin về nội dung các luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc trên mạng, đánh giá nguy cơ của các loại thông tin này, phân loại theo tính mức độ cấp thiết phải xử lý, và theo các nhóm nguy cơ khác nhau để áp dụng phương án phòng chống phù hợp và hiệu quả nhất.
Hai yếu tố cần phân tích là : Mức độ sai lệch và mức độ lan truyền của thông tin đó. Đồng thời báo cáo này có thể phân tích nguồn gốc, động cơ, quy mô thông tin xấu độc, và các phương án diễn biến cần lường trước. Kinh nghiệm cho thấy hiện nay trên môi trường mạng xã hội, các cuộc khủng hoảng truyền thông ngày càng xảy ra nhanh chóng, bất ngờ, khó lường, và leo thang với tốc độ chóng mặt. Nếu không có giải pháp khẩn trương và chuyên nghiệp có thể để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng, làm lung lay niềm tin của người dân vào Đảng và chính quyền, cũng như làm tổn hại tới lợi ích quốc gia. Bản báo cáo cũng cần nêu rõ ai đang chịu tác động nhiều nhất từ các thông tin xấu độc này. Nói cách khác nhận diện đối tượng nào dễ nghe, dễ tin và đang vô tình tiếp tay lan truyền các thông tin xấu độc này, từ đó xác định đối tượng mà các cơ quan báo chí cần tập trung hướng đến khi thực hiện truyền thông phản bác…
Tương tự như trong quy trình quản trị khủng hoảng truyền thông, từ việc nhận diện rõ và phân tích nguy cơ, đối tượng, tính chất của khủng hoảng, chúng ta mới có thể xác định kênh truyền thông nào là phù hợp nhất trong từng tình huống. Từ việc nhận định và phân tích rõ các thông tin xấu độc, các cơ quan chức năng sẽ có đủ cơ sở để định hướng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí phù hợp. Đồng thời bản thân các cơ quan báo chí cũng có thể chủ động xác định nhiệm vụ của mình, cũng như có sự chuẩn bị tốt nhất cho các hoạt động truyền thông phản bác chống thông tin xấu độc.
Trong các bước quản trị khủng hoảng truyền thông, thông điệp phản bác có vai trò rất quan trọng. Thông điệp đưa ra phải trúng đích, nhắm đến đối tượng cần thay đổi nhận thức, và đặc biệt là phải nhất quán trên mọi kênh truyền thông và báo chí. Vì vậy để cuộc chiến chống thông tin xấu độc hiệu quả, chúng ta rất cần xây dựng một thông điệp chính xác và nhất quán giữa các cơ quan báo chí.
Để xử lý hiệu quả khủng hoảng truyền thông, các chuyên gia luôn đánh giá cao chiến lược “truyền thông hai bước”, nghĩa là sử dụng người trung gian. Để chống thông tin xấu độc trên mạng, phương pháp này cũng có thể phát huy rất hiệu quả. Có thể phát động chiến dịch huy động tinh thần tình nguyện, trách nhiệm với đất nước của những người nổi tiếng, các KOL (những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội), mời họ tham gia với tư cách là các cộng tác viên đặc biệt tham gia hoạt động chống thông tin xấu độc trên mạng. Ngoài ra việc thuyết phục hoặc yêu cầu chính những người tham gia lan truyền hoặc phát ra thông tin sai lệch, xấu độc, phải thừa nhận sai lầm và bày tỏ sự thay đổi nhận thức của chính họ cũng sẽ có tác dụng rất lớn. Ví dụ trường hợp một Facebooker đã tuyên bố thừa nhận trên mạng xã hội rằng mức phạt đối với hành động tung tin giả của mình là rất thích đáng, và cho biết bản thân thực sự không lường hết hậu quả của hành động của mình. Những tuyên bố như vậy sẽ có tác động thức tỉnh cộng đồng mạng rất mạnh mẽ.
Trong truyền thông chống thông tin xấu độc cũng như xử lý khủng hoảng truyền thông, cần phát huy tối đa yếu tố “thời sự” và tính “chiến đấu”, để tăng sức hấp dẫn và lan tỏa trong công chúng. Một vấn đề cần lưu ý trong xử lý khủng hoảng truyền thông, cũng như phản bác thông tin xấu độc trên mạng, đó là trong một số trường hợp cần khéo léo khoanh vùng, tránh làm khủng hoảng lan rộng. Thực tế đôi khi trong các sản phẩm báo chí về nội dung phản bác thông tin xấu độc, nhưng các nhà báo lại vô tình giới thiệu và thu hút sự chú ý của công chúng đến với cho các trang mạng hoặc các tài khoản mạng xã hội chuyên phát tán thông tin phản động. Để tránh tình trạng này, trước khi triển khai các nội dung phản bác, cần phân loại rõ mức độ và tính chất của các tình huống. Nếu thông tin xấu độc nhưng chưa lan rộng, thì có thể xử lý theo biện pháp nghiệp vụ như khoanh vùng, cắt bỏ, hoặc thực hiện phản bác trên các diễn đàn hẹp, thay vì quyết định triển khai các nội dung trên truyền thông đại chúng.
Trong quá trình quản trị khủng hoảng truyền thông, cũng như phản bác thông tin xấu độc, việc tương tác và tiếp nhận ý kiến của công chúng là nguồn thông tin vô cùng hữu ích và cần được xử lý tốt. Thông qua các kênh tương tác, đặc biệt là các kênh online, các cơ quan báo chí có thể theo dõi và nắm bắt phản ứng của công chúng trước những thông tin xấu độc, cũng như các nội dung phản bác. Cần nắm bắt được diều gì công chúng ủng hộ, điều gì chưa thực sự thuyết phục được công chúng, đồng thời giải đáp những thắc mắc nảy sinh liên quan tới chủ đề đó một cách thấu đáo. Bởi lẽ mọi thông tin sẽ chỉ có chỗ đứng trong tâm trí công chúng nếu thực sự liên quan tới lợi ích và những vấn đề mà họ quan tâm. Muốn làm được điều này các cơ quan chức năng cũng như các cơ quan báo chí cần phát huy hơn nữa hoạt động tương tác với công chúng, trong đó có các kênh online và chính mạng xã hội.
Cuối cùng, trong quản trị khủng hoảng truyền thông luôn coi trọng khâu PHÒNG NGỪA. Các chuyên gia đánh giá rằng, phòng ngừa chiếm tới 80% nỗ lực của hoạt động quản trị khủng hoảng. Đối với cuộc chiến chống thông tin xấu độc cũng tương tự như vậy. Chúng ta không thể chỉ chờ khi xảy ra các thông tin xấu độc mới thực hiện các nội dung phản bác hoặc truyền thông giảm thiểu tác hại của nó. Các cơ quan báo chí cần có thông tin nghiên cứu về các mô típ, các xu hướng, động cơ, lĩnh vực, dự báo, để chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa các thông tin xấu độc và luận điệu của các thế lực thù địch.
Trong giai đoạn phòng ngừa có thể sử dụng các chiến lược truyền thông như “mũi tiêm dưới da”, hay “viên đạn thần kỳ”, cung cấp thông tin đúng và đủ, cập nhật, minh bạch và toàn diện về lĩnh vực được coi là trọng yếu. Ví dụ như trong bối cảnh đại dịch Covid-19, xuất hiện tình trạng một số đối tượng tung tin giả, xuyên tạc, phủ nhận nỗ lực và thành quả chống dịch của Việt Nam. Các thông tin này gây hậu quả không nhỏ về sức khỏe, tài sản và tính mạng của người dân, và có thể làm giảm sút uy tín của chính quyền cũng như niềm tin của nhân dân. Trong bối cảnh đó, các Ban Chỉ đạo phòng chống dịch ở các cấp cần có biện pháp thông tin đầy đủ, nhanh chóng, rõ ràng và minh bạch về diễn biến dịch cùng các chủ trương chống dịch. Khi đó các thông tin giả, thông tin xuyên tạc về dịch bệnh sẽ tự khắc không còn chỗ đứng.
Ngoài ra để phòng ngừa khủng hoảng từ sớm từ xa, chủ trương báo chí “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu” là một giải pháp hiệu quả và đang được áp dụng rộng rãi. Báo chí chủ động truyền thông những thông tin tích cực, để tạo ấn tượng tốt, nếp nghĩ tích cực và tâm trạng xã hội lạc quan, góp phần lấn át thông tin tiêu cực, đồng thời hạn chế những hiệu ứng đám đông hùa theo thông tin xấu độc.
Trên đây là một vài phân tích so sánh cho thấy sự tương đồng giữa hoạt động quản trị khủng hoảng truyền thông với các hoạt động của báo chí khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng và phản bác thông tin xấu độc. Qua đó cho thấy các tòa soạn hoàn toàn có thể áp dụng một số giải pháp đã phát huy hiệu quả trong quản trị khủng hoảng truyền thông trong việc triển khai các nội dung phản bác thông tin xấu độc, sao cho hoạt động này được triển khai một cách chủ động, khoa học và hiệu quả hơn./.
PV