Thông tin bịa đặt, thông tin chỉ có một phần sự thật không phải đến bây giờ mới xuất hiện trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển, mạng xã hội “bung nở” rộng rãi thì tin giả được ví như “vết dầu loang”, lan truyền nhanh và khó xử lý; nó xâm nhập, gây rối dư luận, gây rối lòng tin, thậm chí làm khủng hoảng niềm tin trong Nhân dân. Do đó, kiểm soát, xử lý “vết dầu loang” tin giả là vấn đề quan trọng, vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính lâu dài trong đời sống kinh tế - xã hội và trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tin giả (fake news) được hiểu là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung, được phát tán trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông. Thực tế, những thông tin sai lệch thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin thật. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mạng xã hội (Facebook, Google, Zalo…) trở thành nền tảng lan truyền tin giả phổ biến và nhanh nhất. Tin giả xuất hiện trên mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Nhiều thông tin bị xuyên tạc, bóp méo sự thật, thông qua những tiêu đề “giật gân”, “câu khách” về vấn đề dư luận đang quan tâm, nhất là vấn đề liên quan đến nội bộ Đảng, Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực.
Thông thường, tin giả được tạo ra có mục đích vụ lợi, thu hút lượt xem, lượt thích của cộng đồng mạng, tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, nhiều tin giả được tạo ra với mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân. Nhiều tin giả mang nội dung riêng tư, bịa đặt, xuyên tạc hoặc thật, giả lẫn lộn lên mạng nhằm khủng bố tinh thần và tạo dư luận xã hội trên cộng đồng mạng phục vụ các ý đồ đen tối, gây phương hại đến ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Bằng thủ đoạn không nói cho có, có ít nói cho thật nhiều, nói nhiều ắt phân vân, ngả nghiêng và nói mãi sẽ có người tin. Có thể nói, âm mưu, thủ đoạn này không mới nhưng nó tác động đến tư tưởng, nhận thức trong một bộ phận người dân . Các bằng chứng nghiên cứu khoa học cho thấy, sai lệch niềm tin do tiếp nhận tin giả giống như dịch bệnh lây lan. Khi cá nhân chia sẻ tin giả cũng đồng nghĩa với “lây truyền” niềm tin độc hại.
Trên thực tế, tin giả không chỉ chiến thắng tâm lý hiếu kỳ, tò mò của độc giả mà nó còn làm suy yếu các phương tiện truyền thông. Đáng lo ngại là hiện nay cơ chế đăng tải thông tin, nhất là đăng tải trên mạng xã hội rất đơn giản, dễ dàng, nên bất kỳ ai, ở đâu, chỉ cần có phương tiện và kết nối mạng là có thể thực hiện. Dễ đăng tải nhưng khó xử lý, bởi vì lượng thông tin đăng tải trên không gian mạng quá lớn, phát tán quá nhanh...và những đối tượng xấu lợi dụng, đánh vào tâm lý cả tin của một bộ phận người dân. Thậm chí, các đối tượng xấu đã sử dụng thông tin, hình ảnh giả hoặc thổi phồng sự thật, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, nhằm gây mất lòng tin trong Nhân dân về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của đất nước ta.
Sự nguy hại của tin giả đối với đời sống xã hội, đối với công tác chính trị tư tưởng ngày càng đáng lo ngại. Làm gì để ngăn chặn tin giả - “vết dầu loang” trên mạng xã hội là vấn đề đặt ra và cần có giải pháp đồng bộ, vừa mamg tỉnh cấp thiết, vừa mang tính lâu dài. Từ các cấp chính quyền, từ công tác quản lý, quy định xử phạt, ứng dụng công nghệ truy vết, đến ý thức của người dân... Đặc biệt hơn, ở góc độ thông tin, tin giả trở thành một “đối thủ nặng ký” đối với dòng tin tức chính thống.
Theo các chuyên gia, mấu chốt để đối diện với tin giả là người đọc cần có sự tỉnh táo để kiểm chứng, nhận diện và bình tĩnh trước khi chia sẻ bất cứ một thông tin nào trên môi trường mạng. Với lực lượng đi đầu trên mặt trận tin tức là báo chí chính thống thì chắc chắn phải luôn xác định vai trò chủ lực, định hướng dư luận xã hội trong bối cảnh hiện nay. Trước đây, người ta cho rằng nhiệm vụ của báo chí chỉ là đưa thông tin trung thực, khách quan, nhưng giờ đây báo chí cũng phải tham gia vào vấn đề kiểm chứng thông tin và bóc trần những thông tin sai lệnh, ngụy tạo…Thông tin báo chí chính thống có thể phản bác tin giả đã lan truyền trước đó, đồng thời phân tích, định hướng dư luận với lập luận chính xác, thuyết phục.
Ngoài công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí truyền thông, các ngành, các cấp, đơn vị chức năng cần nhắc nhở cán bộ, đảng viên, hội viên, Nhân dân tăng cường sự đề phòng, nâng cao tính cảnh giác của bản thân khi tiếp xúc với thông tin được lan truyền trên không gian mạng. Luôn có quan điểm tham khảo khi sử dụng thông tin trên trên không gian mạng, nhất là thông tin được chia sẻ bởi mạng xã hội, chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực. Nếu thấy những thông tin đáng chú ý, thuộc lĩnh vực cần quan tâm, cần chú ý tiêu đề bài viết. Tin giả thường có tiêu đề hấp dẫn, giật gân, viết in hoa kèm dấu ký tự mang tính chất khẳng định, để thu hút sự chú ý của người đọc. Đồng thời, kiểm tra đường dẫn liên kết. Đường dẫn URL chứa tin giả thường giả mạo gần giống các trang tin chính thống. Kiểm tra kỹ mục “Liên hệ” hoặc “Giới thiệu” trên trang tin để tìm kiếm thông tin về cá nhân hoặc tổ chức đứng sau, xác định mức độ tin tưởng thông qua các thông tin được đề cập như: chức danh, chức vụ, học hàm, học vị, mức độ phản hồi của người dùng, tính xác thực của địa chỉ.
Về mốc thời gian sử dụng trong bài viết, tin giả được biên soạn và định dạng mốc thời gian không trùng với thực tế, do đó, cần xem kỹ các mốc thời gian, sự kiện có trong nội dung tin và thời gian đăng tải. Về các luận cứ, luận chứng trong bài viết, thông thường các tin giả được tạo ra được dựa trên một câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được làm giả ở những nội dung quan trọng nhất.
Những trường hợp đăng tin giả, chia sẻ thông tin giả mạo cần xử lý nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Đối với những người đã bị xử phạt hành chính mà còn tiếp tục đăng tải thông tin giả hoặc những thông tin bị xác định là giả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách, chủ trương của nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết của dân tộc thì cần xử lý hình sự. Tùy vào hành vi và nội dung vi phạm, cơ quan có thẩm quyền cần xử lý người thực hiện hành vi vi phạm về một trong các tội được quy định tại Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như: "Tội làm nhục người khác" (điều 155), "Tội vu khống" (điều 156), "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" (điều 331)…
Thiết nghĩ, để bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả trong nhận diện, phòng ngừa, đấu tranh mạnh mẽ, hiệu quả với nạn tin giả cũng như giảm thiểu tác động xã hội của nó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, liên thông của các cơ quan chức năng. Cần phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ nhưng linh hoạt, vận dụng nghiêm khắc chế tài, luật pháp để xử lý nghiêm mọi cá nhân, tổ chức tung tin giả./.
Quang Minh