Tết là dịp để mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, thăm hỏi sức khỏe, kể lại cho nhau những điều đã diễn ra trong một năm. Tết là dịp để nhắc nhở quá khứ, trân trọng những gì đã qua và hướng tới những điều tốt đẹp. Điều đó đã trở thành truyền thống, là nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam. Cho đến hôm nay, ý nghĩa Tết đoàn viên, Tết sum họp vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức người Việt. Dù cho những chuyến tàu, chuyến xe ngày Tết có đông đúc, chen chúc và vất vả như thế nào, dù cho khoảng cách có xa xôi Nam – Bắc đến hàng ngàn cây số, thậm chí là ở một đất nước cách nửa vòng trái đất thì những người con đất Việt vẫn luôn có một ước mơ trở về sum họp bên những người thân yêu nhất của mình.
Dù một năm đã qua có bao điều lo lắng, có bao nỗi vất vả với những xô bồ của cuộc sống thì những ngày Tết cũng mong được về sum ể biếu bố mẹ, ông bà, họ hàng rồi thì đồ đạc mới để trang hoàng nhà cửa... Nhà nhà, phố phố lúc nào cũng nhộn nhịp và tấp nập, nơi nơi đều tràn ngập không khí Tết. Với người Việt, phút giây cả nhà quây quần bên họp cùng với gia đình của mình. Trẻ con thì từng ngày được mong đến kỳ nghỉ để được đi chơi Tết, sắm quần áo mới, được bố mẹ đưa về quê thăm ông bà. Người lớn thì tất bật lo sắm sửa bao thứ đồ mâm cơm chiều cuối năm, cùng ngồi trò chuyện bên nồi bánh chưng, cùng háo hức đón giây phút giao thừa…là những khoảnh khắc thiêng liêng và được mong chờ nhất. Ông Nguyễn Văn Thành- Việt kiều từ Nga về chia sẻ: Giờ đây, cuộc sống năng động với nhiều lựa chọn đã khiến một số người thiếu đi mặn mà với Tết cổ truyền. Những phong tục mang đầy ý nghĩa gắn kết gia đình như gói bánh chưng, làm cơm tất niên, chúc Tết đầu năm…cũng bị giản tiện hơn. Thế nhưng, với những người Việt ở xa quê hương, cố gắng làm việc cả năm chỉ ngóng chờ dịp tết để được về thăm nhà, cùng sum vầy với gia đình đón giao thừa. “Tết nào bằng được Tết đoàn viên” cũng vì lẽ đó!
Cũng suy nghĩ như ông Thành, anh Đỗ Thành Nam, du học sinh ở Vương quốc Anh tâm sự: Tôi xa nhà đã hai mùa xuân. Bên này họ chỉ có Tết dương lịch nên không thể cảm nhận được không khí hân hoan đón xuân như ở Việt Nam. Vì thế, năm đầu tiên gọi điện về nhà vào lúc giao thừa, tôi đã khóc. Lúc đó thấy nhớ gia đình da diết, chỉ muốn bay ngay về Việt Nam. Những giây phút vui vẻ bên bạn bè, người quen vẫn không thể nào thay thế được mái ấm gia đình!
Trong gia đình dù có lúc chưa vừa lòng nhau thì khi Tết đến, mọi người cũng tự mở lòng mà bỏ qua mọi điều cho nhau, để không khí gia đình được thuận hòa, vui vẻ. Tết sum họp nên yêu thương cũng nhiều hơn, chia sẻ cũng nhiều hơn. Dịp Tết đến, nhà nhà sửa soạn nào lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn rồi dưa hành, bánh mứt để mang đến cho gia đình một cái Tết đủ đầy. Bên nồi bánh chưng, cạnh bếp lửa hồng, ông bà, cha mẹ kể cho con cháu nghe về lịch sử gia đình, về những chuyện buồn vui trong cuộc sống. Một vài củ khoai, bắp ngô nướng vùi vào bếp than hồng để câu chuyện thêm phần rôm rả. Thêm một nồi nước lá mùi thơm phức để rửa mặt sáng sớm ngày mồng 1, mong cho một năm mới lúc nào cũng sạch sẽ, khỏe mạnh, may mắn.
Tết không chỉ là dịp sum vầy bên gia đình mà còn là dịp để chia sẻ yêu thương, giúp đỡ người nghèo đón một năm mới ý nghĩa, tràn đầy hạnh phúc. Dẫu chỉ là món quà nhỏ, chiếc chăn ấm hay gói kẹo, hộp mứt tết thì việc san sẻ đó cũng đã mang nắng xuân về sớm với hộ nghèo và những mảnh đời bất hạnh. Với người lao động, nhất là công nhân, lao động nghèo thì một cái tết đủ đầy chỉ đơn giản là có được nồi bánh chưng, mua cho con trẻ tấm áo mới, có tờ vé xe để về quê ăn tết.
Trong ngày thường, đôi khi người ta mải mê và bận rộn với những công việc, các mối quan hệ bạn bè, xã hội mà một lúc nào đó bỗng lãng quên đi tình cảm gia đình. Tết hiện nay, có những gia đình hiện đại lại muốn tự do bay nhảy, ở lại thành phố để đến những khu vui chơi, giải trí hay có những chuyến du lịch trong nước, ngoài nước. Sự sum họp gia đình chính vì thế mà không trọn vẹn, niềm vui đoàn tụ dịp Tết không còn đủ đầy nữa...Dù có bận rộn đến đâu, dù có muốn đến những địa điểm vui chơi nhiều đến như thế nào, mỗi chúng ta hãy luôn nhớ hãy trở về bên gia đình mình, bên những người thân yêu, ở chính nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Bởi vì Tết là để yêu thương, để đoàn viên và sum họp.
“Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi
Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam
Dù đi đâu ai cũng nhớ
Về chung vui bên gia đình”
Năm cũ sắp qua đi, một năm mới đang tới và nhà nhà đang tất bật chuẩn bị mâm cơm chiều tất niên. Lại ước sao, mỗi gia đình đều sum họp, vì Tết sum họp đủ đầy mới là một cái Tết trọn niềm vui.
Khép lại một năm bận rộn với bao lo toan, bộn bề của cuộc sống. Không khí đón xuân mới đang nhộn nhịp và lan tỏa khắp nơi. Cầu mong mọi người, mọi nhà đều đón Tết Kỷ Hợi hạnh phúc và bình an.
Theo Báo Phú Thọ