Nhiềm tin làm nên sức mạnh
Dịch Covid-19 trên thực tế đã trở thành phép thử đối với bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam ta, khi cuộc chiến chống dịch đặt ra mục tiêu phải thắng, mà trong trường hợp này, sống chung được với dịch, cũng là thành công.
Chúng ta bắt buộc phải vượt qua phép thử sinh tử này, vì sự sinh tồn không chỉ của cá nhân mỗi con người, mà của cả dân tộc.
Đất nước lâm dịch. Cả hệ thống chính trị, cùng toàn quân, toàn dân, triệu người như một, đồng lòng quyết tâm ứng phó với dịch, không phải chỉ bằng sức mạnh kinh tế, kinh nghiệm và kiến thức khoa học mà bằng cả ý chí kiên cường, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, mà sợi chỉ xuyên suốt làm nên thành công, dẫu mới chỉ là bước đầu, chính là niềm tin.
Dân tin Đảng, Đảng tin dân và cả dân tộc tin nhau.
Niềm tin đã làm nên sức mạnh.
Trong hoạn nạn, niềm tin ấy đã trở thành nền tảng, thành bệ đỡ làm sáng bừng đạo lý “Thương người như thể thương thân” theo truyền thống vị tha của dân tộc Việt Nam ta. Đã có biết bao tấm gương sống, làm việc và cống hiến hết mình, không phải cho mình, vì mình, mà vì người khác, vì đồng bào, đồng chí, anh em.
Đó là những thầy thuốc, nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, dân quân tự vệ và các lực lượng khác ở tuyến đầu chống dịch - nơi khó khăn, gian khổ và hiểm nguy nhất, đã làm việc không kể ngày đêm để giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19, giữa lằn ranh sống chết mong manh; để bảo đảm trật tự an ninh, an toàn xã hội; để tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ nhân dân ở những vùng bị phong tỏa phòng chống dịch; rồi lo cả chuyện hậu sự cho những nạn nhân Covid-19 không may qua đời mà người thân không thể ở bên… Nhiều người ở tuyến đầu bị kiệt sức, thậm chí bị lây nhiễm và hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Ở nhiều nơi, kể cả những nơi không có dịch, đã xuất hiện những tình nguyện viên mà nhiều người mang theo cả các phương tiện riêng của cá nhân mình, bất chấp hiểm nguy, đi phục vụ công tác phòng chống dịch ở bất cứ nơi nào cần. Rồi có cả những tấm lòng nhân ái chắt chiu từng đồng tiền, bát gạo, mớ rau… cùng chung tay góp quỹ phòng chống Covid-19 và cứu giúp, hỗ trợ những người gặp khó khăn, cơ nhỡ vì dịch bệnh…
Tất cả đều sáng lên một niềm tin, một tấm lòng nhân nghĩa Việt Nam.
Hai năm dịch bệnh Covid-19 đã làm cho nền kinh tế nước ta thiệt khoảng 847.000 tỷ đồng (tương đương 37 tỷ USD), theo giá hiện hành. Một nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương đưa ra tại một hội thảo hồi đầu tháng 12 năm ngoái đã tính toán như vậy, dựa trên mức suy giảm giá trị GDP. Tính toán đó là có cơ sở. Trong hai năm 2018 và 2019 (trước dịch), tốc độ tăng trưởng kinh tế đều đạt hơn 7% mỗi năm.
Vậy mà trong hai năm dịch bệnh 2020 và 2021, tốc độ này chỉ còn dưới 3% mỗi năm. Nói cách khác, nếu không vướng dịch bệnh, thì nền kinh tế nước ta trong 2 năm 2020 và 2021 đã tạo thêm được khoảng 37 tỷ USD, mà số tiền này có thể làm được 2 sân bay Long Thành, vẫn còn dư. Ấy là chưa kể tốn phí hàng trăm nghìn tỷ đồng phải chi ra phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh mà nếu đo lường thiệt hại cụ thể do dịch bệnh gây ra phải cộng gộp vào.
Năm 2021 được đánh dấu bằng nhiều sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước mà hai sự kiện hàng đầu là Đại hội lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đại hội XIII của Đảng và Quốc hội khóa XV đã định ra đường hướng phát triển đất nước năm, mười năm tới, đồng thời quyết định nhân sự lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước cho cả nhiệm kỳ 2021- 2026.
Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng là năm mở đầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021–2025) được Quốc hội khóa XV thông qua, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội không thể tới đích, vì dịch bệnh cản đường, nhất là chỉ số tăng trưởng GDP, chỉ đạt 2,58%, bằng non nửa chỉ tiêu kế hoạch và thấp hơn năm 2020 (2,91%).
Tuy nhiên, lĩnh vực xuất nhập khẩu lại có thể reo vui với kim ngạch lập đỉnh cao kỷ lục mới, ở mức 668,5 tỷ USD, và xuất siêu 4 tỷ USD, tạo ra kỳ tích xuất siêu 6 năm liên tiếp, dấu ấn lịch sử ở một đất nước có “truyền thống” nhập siêu. Đỉnh cao kim ngạch xuất nhập khẩu này đã đưa nước ta vào top 20 nền kinh tế thế giới có giá trị thương mại quốc tế lớn nhất trong năm.
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, hấp dẫn vì sự ổn định chính trị - xã hội lâu bền, hấp dẫn vì môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, vì giá nhân công cạnh tranh. Vậy là các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin ở thị trường Việt Nam, ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh rất khó lường.
Nhờ niềm tin ấy, lượng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đã đạt tới 31,5 tỷ USD, tuy thấp hơn năm 2019 (trước dịch), nhưng tăng 9,2% so với năm 2020. Khó khăn vì Covid-19 như thế mà kế hoạch thu ngân sách nhà nước năm 2021 vẫn cán đích trước một tháng, đạt 1.563.000 tỷ đồng, tăng 16,4% so với dự toán.
Trong bối cảnh dịch bệnh khốc liệt mà phấn đấu đạt được những chỉ tiêu kinh tế như trên cũng là ngoài mong đợi.
Năm 2021 cũng chứng kiến một sự kiện có ý nghĩa lịch sử. Lần đầu tiên, Bộ Chính trị và Ban Bí thư tổ chức hội nghị đối ngoại toàn quốc để thảo luận về hoạt động đối ngoại của quốc gia dưới ánh sáng nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với chủ trương “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng - Tr. 161-162).
Phát biểu chỉ đạo hội nghị quan trọng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã truyền cảm hứng và niềm tin cho tất cả những người làm công tác đối ngoại của đất nước, khi ông biểu dương những nỗ lực tạo dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, với “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” mà ông dẫn câu thơ “Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!” của Nguyễn Duy để minh họa.
Trường phái ngoại giao ấy, theo lời Tổng Bí thư, đã thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là “Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!”.
Năm 2021 quả thật là năm thành công lớn của Việt Nam trong lĩnh vực đối ngoại mà có được thành công ấy chính là nhờ vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế, một vị thế được tin cậy và nể trọng. Với hoạt động linh hoạt và khôn khéo, ngoại giao vaccine đã mang về cho đất nước hàng chục triệu liều vaccine phòng Covid-19, góp phần quan trọng cho thắng lợi của chiến dịch tiêm chủng toàn quốc.
Lần thứ hai, Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2020 - 2021. Các chuyến thăm hoặc tham dự các sự kiện quốc tế của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - những nhà lãnh đạo mới trên cương vị đứng đầu các thiết chế cao nhất của bộ máy Nhà nước, cũng như chuyến thăm Việt Nam của một số lãnh đạo nước ngoài, không chỉ góp phần tăng cường quan hệ song phương và đa phương của đất nước ta với bạn bè quốc tế mà còn mang lại những hiệu quả cụ thể, trong đó có những thỏa thuận hợp tác với giá trị tổng cộng lên tới mấy chục tỷ USD.
Những thành công trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, những thành tựu kinh tế - xã hội và thắng lợi trong hoạt động đối ngoại đã góp phần làm sáng bức tranh toàn cảnh Việt Nam năm 2021, dẫu vẫn còn một mảng tối vì hậu quả từ virus SARS-CoV-2 cùng tình trạng tham nhũng, tham ô và tiêu cực.
Quan trọng là chúng ta đã vượt qua được năm 2021 đầy thử thách cam go.
Từ biệt “Năm Con Trâu” vất vả, Việt Nam vững một niềm tin bước vào năm mới Nhâm Dần, với sức mạnh mới, tiếp tục vượt qua phép thử mang tên Covid-19, từng bước thực hiện khát vọng thịnh vượng kinh tế thành “Rồng”, thành “Hổ”, để đến 2045 - năm kỷ niệm lần thứ 100 ngày Bác Hồ khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ đứng vào hàng các quốc gia phát triển, có thu nhập cao, theo tầm nhìn mà Đảng đã định ra tại Đại hội lần thứ XIII./.
Theo VNeconomy