Cùng với nông lâm thủy sản, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nói chung trong 7 tháng đầu năm tiếp tục là điểm sáng của kinh tế Việt Nam với giá trị đạt hơn 216 tỷ USD, tăng tới trên 16 % so với cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng qua ước tính đã xuất siêu HƠN 760 triệu USD.
Cả nước có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD là điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng, dệt may và giầy dép.
Đáng chú ý, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt giá trị cao nhất trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu với 192 tỷ USD, chiếm tới gần 90%. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19
Xuất khẩu tăng trưởng nhờ "lực kéo" từ công nghiệp chế tạo
Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu để nhận thêm nhiều đơn hàng từ thị trường châu Âu, Mỹ.
Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thịnh, cho biết: "Tôi định hình là sẽ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nên đã đầu tư sâu vào nhân lực, máy móc. Việc tham gia chuỗi cung ứng đối với doanh nghiệp đã trở nên tương đối, không còn khó nữa".
Ông Vương Quan Trường, Tổng Giám đốc CTCP Giải pháp và thiết bị chiếu sáng VI LIGHT, chia sẻ: "Chúng tôi tìm mọi cách để vẫn hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm có tiềm năng để xuất khẩu sang những thị trường tương tự. Ở Australia, Nhật Bản, khách hàng đang rất quan tâm".
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tích cực phát triển sản phẩm mới, đi đôi với việc nội địa hóa nhiều loại nguyên liệu, từ đó có thể thay thế được khoảng 10% hàng nhập khẩu, cắt giảm chi phí để giảm giá thành, giữ chuỗi cung ứng ổn định.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, nhận định: "Doanh nghiệp rất cẩn trọng đàm phán với đối tác nước ngoài và đưa ra những chương trình cắt giảm chi phí và thứ 2 là giãn đơn hàng để chờ giá nguyên liệu ổn định trở lại. Thứ 3 là tập trung nhiều hơn cho những thị trường ít bị cái chi phí về giá xăng dầu".
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn không ngừng nỗ lực, làm mới sản phẩm, tìm kiếm thị trường để mở rộng xuất khẩu. Bằng chứng là xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng đầu năm vẫn đạt hơn 32 tỷ USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái
Tích cực mở cửa thị trường nông sản những tháng cuối năm
Lần lượt là ớt tươi, chanh dây, sầu riêng đang từng bước được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Chưa năm nào nông sản Việt Nam lại đón nhận nhiều thông tin tích cực như vậy từ thị trường 1,4 tỷ dân. Nhiều doanh nghiệp coi đây là cơ hội để mở rộng sản xuất và doanh thu những tháng cuối năm.
Thương lái thu mua sầu riêng tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: TTXVN)
Hiện nay các doanh nghiệp chuẩn bị khá kỹ từ việc đăng ký mã số vùng trồng đến việc đăng ký mã cơ sở đóng gói hay việc treo những biến cảnh báo các loại sâu bệnh gây hại cho nông sản cũng đc treo lên để đáp ứng điều kiện xuất khẩu nông sản vào thị trường bạn.
Anh Nguyễn Tất Thế, quản lý cơ sở đóng gói, CTCP Ameii Việt Nam, cho biết: "Nếu làm tốt quy trình mình đang chuẩn bị thì nâng cao chất lượng, giá cả cũng sẽ cải thiện".
Với mặt hàng thủy sản, xuất khẩu của Nga sang châu Âu đang bị gián đoạn do lệnh cấm vận thương mại. Trong bối cảnh đó, thủy sản Việt Nam, đặc biệt là cá tra, đang có cơ hội thay thế một một phần nguồn cá thịt trắng mà châu Âu trước đó vẫn nhập từ Nga.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, chia sẻ: "Chúng ta biết dịch COVID-19 làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Tuy nhiên, ở Mỹ, châu Âu, dịch bệnh đã khống chế tốt nên sức mua hiện tại và cuối năm sẽ tăng mạnh".
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mang lại cho tôm và cá tra vốn là xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam những ưu đãi thuế suất thuận lợi. Nhưng tận dụng các ưu đãi thuế quan chỉ là một phần, quan trọng hơn đó là tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối của các hệ thống siêu thị ở châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Hiện rất nhà đầu tư lớn vẫn tiếp tục chọn Việt Nam là nơi để đầu tư vì nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư ổn định. Bên cạnh đó, nhiều chính sách cải cách thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu cũng đang tạo những cơ hội mới cho xuất khẩu. Đây chính là cơ sở để ngành Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu cả năm tăng trưởng 8% và cán cân thương mại cân bằng.
Nguồn VTV