Xuyên tạc lịch sử là có tội với dân tộc
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam được ghi dấu bằng lớp lớp những chiến công oanh liệt, hiển hách và những thành tựu to lớn trên con đường xây dựng, bảo vệ, phát triển. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lịch sử dân tộc được viết tiếp bằng thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đó là những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc, mang tầm vóc quốc tế và có tính thời đại sâu sắc. Thế nhưng hiện nay, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã cố tình bôi đen, xuyên tạc, phủ nhận sự thật lịch sử nhằm tuyên truyền sai lệch. Chúng tạo nên tư tưởng hoài nghi, xét lại, phai nhạt niềm tin nhất là nhằm vào giới trẻ đối với lịch sử hào hùng của cha ông, từ đó hoài nghi lòng tin đối với Đảng, chia rẽ Đảng với Nhân dân, nhằm mục đích cuối cùng là tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Xuyên tạc, phủ nhận lịch sử, thực chất đó là trò hề lặp lại của những kẻ cơ hội chính trị, với hy vọng hão huyền rằng: nói nhiều sẽ quen tai, rồi chuyển sai thành đúng. Nhưng lịch sử chỉ có một, sự thật cũng chỉ có một, các sự kiện lịch sử trọng đại không thể vì những lời lẽ xuyên tạc, phủ nhận của một số cá nhân mà mất đi giá trị đích thực của nó. Từ xuyên tạc, bôi bẩn lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh tụ và Đảng Cộng sản Việt Nam, “phủi bụi” vào quá khứ oai hùng của dân tộc, chúng lộ “nguyên hình” là những kẻ phản quốc. Chúng không hiểu gì về quá khứ, mù mờ hoặc cố tình đánh tráo sự thật, phủ nhận lịch sử Việt Nam bằng những luận điệu tráo trở và hết sức bẩn thỉu.
Chiêu bài “mưa dầm thấm lâu”
Dễ thấy, cứ vào dịp Nhân dân ta tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, số đối tượng cực đoan, thù địch trong và ngoài nước lại tru tréo những luận điệu bịa đặt, bóp méo lịch sử nhằm hạ thấp ý nghĩa các sự kiện quan trọng này. Trên Internet, mạng xã hội chúng tán phát các bài viết, sáng tác, phỏng vấn, hình ảnh… hòng gây hoang mang dư luận, gây rối tình hình an ninh chính trị đất nước.
Trong thời gian qua, không khó để nhận diện những thái độ hạ thấp, “phủ bụi” vào lịch sử. Ví như các thế lực thù địch nhằm vào 6 chữ “trung với nước, hiếu với dân” thêu trên lá cờ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cán bộ, giáo viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) trong ngày khai giảng khóa I (26-5-1946). Chúng đã xuyên tạc, bóp méo rằng: “Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ cần “trung với nước, hiếu với dân” là đủ, là đúng với tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, còn không cần phải trung với Đảng, vì Đảng là của mấy ông đảng viên chứ không phải Đảng của cả dân tộc”. Nhưng có một sự thật lịch sử cần phải nhắc lại, đó là trong dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12-1964, Bác Hồ đã khẳng định: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Vì vậy, trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân không chỉ thể hiện, phản ánh bản chất sự thật lịch sử ra đời, trưởng thành, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, mà còn là một trong những cội nguồn và động lực lịch sử làm nên những chiến công hiển hách của Quân đội ta, một quân đội cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện.
Mùa thu năm 1945, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhưng những kẻ cơ hội chính trị lại cho rằng: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là sự ăn may của Cộng sản Việt Minh”. Họ lập luận, Việt Minh đã nhanh tay cướp lấy thành quả của đồng minh chống phát xít, khi quân đồng minh chưa kịp vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật. Hay khi đất nước ta tổ chức kỷ niệm ngày toàn thắng 30/4/1975, các thế lực thù địch, số đối tượng chống đối trong các hội, nhóm phản động lưu vong lại lu loa, nào là “Ngày Quốc Hận”, “Tháng Tư Đen”, “Vo gạo bằng nước mắt”. Nhiều kẻ cho rằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước chỉ là nội chiến, là chiến tranh ý thức hệ nên không có gì đáng tự hào. Một số kẻ tùy tiện phán xét lịch sử, cho rằng kỷ niệm ngày chiến thắng không phải là một việc “tử tế”. Trước hiện thực không thể bác bỏ đó, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội tiếp tục đưa ra các luận điệu phủ nhận thành quả của công cuộc đổi mới. Họ cho rằng, công cuộc đổi mới ở Việt Nam thực ra đi theo chủ nghĩa tư bản. Đổi mới chuyển từ kinh tế bao cấp kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chuyển sang chủ nghĩa tư bản, vì kinh tế thị trường là của tư bản, gắn kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa là “đầu Ngô mình Sở”, cuối cùng kinh tế thị trường sẽ “ăn thịt” định hướng xã hội chủ nghĩa.
Có thời điểm, nổi lên luồng tranh cãi trong dư luận về việc bỏ môn Lịch sử khỏi chương trình học bắt buộc ở bậc Trung học phổ thông. Nhưng là một người dân Việt Nam ai cũng hiểu rằng, lịch sử là môn học bản lề, nền móng để học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước và ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nên ngành giáo dục phải đưa môn Lịch sử thành môn học bắt buộc trong trường trung học phổ thông. Nhưng cũng nhằm vào vấn đề này và sự diễn đạt chưa đúng cũng như sự hiểu chưa cặn kẽ của nhân dân và báo chí, các thế lực thù địch lại lên đàn một loạt những bài viết nhằm vào đường lối giáo dục của Việt Nam, để chỉ trích, soi xét.
Những luận điệu mang tính lấp liếm, phủ nhận lịch sử như chúng ta đã nghe không chỉ xuất hiện ngày một ngày hai mà đã lặp đi lặp lại trong một thời gian rất dài. Có phải là rất nhàm chán không khi họ cứ nói đi nói lại một luận điệu cũ rích. Đây đều là chiêu bài “mưa dầm thấm lâu” của các thế lực thù địch. Họ đưa rất nhiều thông tin xấu độc lên môi trường mạng để "nhuộm đen" tinh thần, "nhuộm đen" tư tưởng của các tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mặc dù các luận điệu này thực chất chỉ là bình cũ, rượu mới nhưng chúng ta cũng không thể coi thường mà luôn phải nâng cao tinh thần cảnh giác. Mục tiêu của họ là hình thành một thế hệ có suy nghĩ đòi xét lại lịch sử, trong đó có nhiều thành phần “lật sử”, “trở cờ” ngay trong các Chính thể đó, nếu nhiều người trong chúng ta cả tin, chỉ biết tiếp nhận thông tin mà không có suy xét, đối chứng các cứ liệu lịch sử. Nhưng, họ sẽ không đạt được ý đồ nếu chúng ta nhìn thấu mục đích đưa thông tin của họ và biết phân tích sự kiện trong bối cảnh lịch sử của nó với những thông tin xuyên tạc lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng của dân tộc.
Nhìn lại chặng đường hơn 90 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, quá khứ không chỉ là lịch sử mà còn là hành trang, sức mạnh tinh thần, là dòng máu Lạc Hồng tạo nên nhân cách của mỗi người dân đất Việt. Nếu quên tổ tiên, quên công lao của thế hệ đi trước, quên những hy sinh cao cả vì độc lập, tự do của dân tộc thì không thể là người Việt Nam chân chính. Việt Nam đã thay đổi vượt bậc, đất nước phồn vinh, Nhân dân có cuộc sống ngày càng sung túc, đủ đầy và đang thực hiện khát vọng vươn lên trở thành quốc gia hùng cường. Sự dối trá, hèn hạ, phỉ báng lịch sử, khơi gợi hận thù để kích động mâu thuẫn, lặp lại sai lầm không chỉ là hành động vô cương, vô pháp và vô ơn với tiền nhân, xúc phạm sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam mà còn là sự phá hoại tương lai tươi sáng của dân tộc. Chúng ta cần quyết liệt đấu tranh, lên án, vạch trần, vì lịch sử là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai./.
Y.B