Nhưng trên thực tế, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, số ca mắc nhiều hơn thì một bộ phận người dân lại tỏ ra chủ quan, lơ là phòng tránh dịch. Nhiều người còn cho rằng, mình đã tiêm đủ 2 mũi vaccine là miễn nhiễm với Covid-19 nên vô tư, thoải mái “quên” đi yêu cầu 5K phòng, chống dịch.
Tâm lý chủ quan còn phổ biến
Theo thông báo mới nhất của UBND TP Hà Nội, hiện nay Thủ đô có 8 quận và 67 xã, phường ở cấp độ 3 (màu cam), nguy cơ cao dịch Covid-19. Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, toàn TP hiện có 20.154 F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn và cách ly, theo dõi tại nhà, có 229 bệnh nhân diễn biến nặng phải chuyển tầng điều trị. Những ngày gần đây, số ca F0 tại Hà Nội tăng nhanh.
Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 26/12, TP ghi nhận 1.887 ca mắc Covid-19, với 794 ca cộng đồng. Số ca tiếp tục dẫn đầu cả nước. Điều này cho thấy tình hình dịch tại Hà Nội đang vô cùng phức tạp, khó lường, đặc biệt hiện nay trên thế giới đã xuất hiện thêm biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn chủng Delta.
Thực tế, thời gian gần đây, tại Hà Nội đã có tình trạng người dân lơ là, có tâm lý chủ quan trong việc phòng, chống dịch Covid-19 như không đeo khẩu trang nơi công cộng, không thực hiện giãn cách… Tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện “5K” trong tổ chức lễ, đám, ăn uống ở hàng, quán... diễn ra nhiều nơi.
Đơn cử, mới đây, hình ảnh không "5K" trong đêm Noel thấy ở khắp nơi tại Hà Nội. Không chỉ tập trung đông người ở các khu vực trung tâm tại Hà Nội, những nguyên tắc về "khoảng cách", "khẩu trang" đều bị bỏ qua. Tại rất nhiều điểm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, trong đêm 24/12, lượng người đổ dồn về đây, đông nhất là ở các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Lê Thái Tổ, Hàng Mã, khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm. Đặc biệt, nhóm các bạn trẻ dồn về đây vui chơi trong đêm Noel, tập trung đông người chụp ảnh “check –in” và sẵn sàng bỏ khẩu trang như không có dịch. Năm nay, lực lượng chức năng đã bố trí rào chắn để hạn chế người tụ tập đông người ở phố Hàng Mã, tuy nhiên nhiều người vẫn tìm đến để chơi Noel.
Không chỉ dịp lễ, các vi phạm vẫn diễn ra những ngày thường như quán karaoke lén lút mở cửa cho khách vào hát, nhiều quán ăn còn chưa thực hiện đúng quy định giãn cách… Đó còn là không ít người dân sống ở vùng đang ở cấp độ 3 về dịch Covid-19 (bị cấm ăn uống tại quán) di chuyển sang vùng cấp độ 2, cấp độ 1 để thỏa mãn nhu cầu cá nhân.
Dù việc di chuyển sang vùng khác để ăn uống không bị cấm, nhưng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng... Hay tại quận Đống Đa, nhiều người vẫn còn chủ quan, lơ là trong chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch. Nhiều trường hợp còn cố tình, lén lút vi phạm các quy định để mưu sinh. Tương tự, trên địa bàn quận Hoàng Mai, tình trạng tụ tập đông người, không đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần cũng khá phổ biến. Tại các khu vực tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn như Tây Nam bán đảo Linh Đàm, phố Trần Thủ Độ, các cơ sở kinh doanh hầu như cũng bỏ qua việc quét mã QR và nhận người vượt quá công suất 50%.
Ở những khu nghỉ dưỡng tại vùng ven đô như Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây, khách cũng đã đặt thuê kín các phòng. Phần lớn khách đặt chỗ là thanh niên, hội nhóm tụ tập sau ngày dài “ai ở đâu ở đó”. Với cách nhìn nhận như vậy, nhiều người dân Hà Nội đang truyền đi lối sống chủ quan trước dịch bệnh, nên dịch bệnh rất dễ tái phát, đặc biệt với những biến chủng mới, nguy cơ lây lan nhanh và khó lường.
Trước tình trạng số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội gia tăng, nhiều quận, phường trung tâm đã dừng bán hàng tại chỗ, chỉ bán hàng ăn uống mang về, dừng nhiều hoạt động không thiết yếu như văn hóa, thể thao, giải trí ở khu vực cấp độ 3. Từ sự việc này cũng cho thấy, để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch trong môi trường thích ứng, sống chung an toàn với Covid-19, chỉ trông chờ vào các giải pháp từ phía chính quyền và cơ quan chức năng là chưa đủ. Cần thiết và quyết định vẫn là ý thức, hành động từ phía người dân. Có thể nói, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Sẽ không có giải pháp hay liều thuốc nào hiệu quả bằng sự chủ động phòng tránh dịch của chính bản thân mỗi người dân, bắt đầu từ biện pháp "5K".
Ý thức liều “vaccine” hữu hiệu
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát, diễn biến vô cùng phức tạp, người dân không nên chủ quan, lơ là và cần tuân thủ mọi biện pháp phòng dịch. Bởi hiện nay trên thế giới đã xuất hiện thêm biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn chủng Delta.
“Thực tế, tại siêu thị, người dân vẫn đi mua sắm rất đông. Để phòng, chống dịch, người dân nên hạn chế đi mua sắm và không nên cho trẻ nhỏ đi siêu thị hay trung tâm thương mại. Tại những địa điểm này nếu tập trung đông người thì nguy cơ lây nhiễm bệnh rất lớn. Bởi không gian tại siêu thị là một môi trường kín, có điều hòa nhiệt độ, nếu giọt bắn phát tán từ một người thì sẽ đọng lại trong không gian, cứ “treo” lơ lửng và sẽ tồn tại khá lâu, điều này sẽ tạo điều kiện để dịch bệnh lây lan sang nhiều người, từ đó bùng phát đi các nơi” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện khẩn cấp, Bộ Y tế cho rằng, thời gian qua, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội tạm thời ổn định nhưng mới đây, số ca mắc Covid-19 đang tăng dần. Nhiều người chủ quan vì đã có 1-2 lần xét nghiệm âm tính, thậm chí nghĩ mình đã tiêm một mũi vaccine thì không thể nhiễm bệnh. Đó thực sự là sai lầm. Bởi tiêm xong mũi một miễn dịch kém, đủ hai mũi mới đủ miễn dịch, nhưng miễn dịch này chỉ giúp giảm sự lây nhiễm chứ không bảo đảm 100% không lây nhiễm. Người được tiêm vaccine, nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể lây lan cho người chưa tiêm vaccine và gây bùng phát dịch. Tiêm vaccine giúp cơ thể tạo ra kháng thể, chứ không thể ngăn việc virus xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp. Vì vậy, người dân cần phải tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, trong đó cần đặc biệt chú ý đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn,
“Việc thực hiện "5K" vẫn đã, đang và sẽ là biện pháp cần phải duy trì thì mới bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch. Nếu người dân chủ quan, vẫn ra đường, tụ tập nơi đông người khi không có việc thực sự cần thiết rất có thể phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng. Nếu cứ tuân thủ đúng thông điệp "5K" của Bộ Y tế thì sẽ giảm bớt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. Ý thức của người dân là vô cùng quan trọng.
Việc tuân thủ các khuyến cáo "5K" trong phòng, chống dịch của người dân sẽ vừa bảo vệ bản thân, gia đình, vừa bảo vệ cộng đồng. Đây chính là biện pháp hiệu quả giúp ngăn chặn con đường lây lan của virus, hạn chế được rất lớn sự phát tán mầm bệnh nơi công cộng” - PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Cũng theo nhiều chuyên gia y tế, dịch vẫn còn ở trong cộng đồng, có cơ hội sẽ bùng phát, chỉ cần một vài người thả lỏng quá mức, thiếu cảnh giác rất có thể sẽ dẫn đến những hệ quả không lường cho TP. Rõ ràng, ý thức phòng tránh dịch của mỗi người được coi là liều “vaccine” hữu hiệu góp phần phòng ngừa và đẩy lùi dịch bệnh. Vì thực tế, các ngành, các cấp có nỗ lực bao nhiêu. Các phương án, kịch bản ứng phó kỹ lưỡng đến đâu đi chăng nữa, nhưng nếu mỗi người dân không nâng cao ý thức trách nhiệm mà tỏ ra lơ là, chủ quan thì công cuộc phòng, chống dịch chắc chắn sẽ không đạt hiệu quả như mong đợi. Cho nên, để không rơi vào "bẫy" dịch bệnh, vấn đề đặt ra lúc này là mỗi người dân không nên chủ quan, tự mãn mà cần dừng ngay tâm lý "xả hơi". Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng thành phố cần tăng cường kiểm tra xử phạt các hành vi cố tình vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Bài học xương máu từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vừa qua vẫn còn nóng hổi. Không ai khác, tự mỗi người dân, mỗi gia đình phải ý thức sâu sắc nguy cơ tái bùng phát dịch và sự nguy hiểm chết người từ dịch Covid-19. Tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ” trong phòng, chống dịch phải được quán triệt, thực hiện thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Mỗi cá nhân tuyệt đối không được để tâm lý tự do, thả cửa, chủ quan, lơ là... phát triển trong đời sống xã hội. Mỗi đơn vị, địa phương cần thức tỉnh, nhắc nhở để người dân ý thức rõ và đồng thuận hành động, giảm bớt những cuộc hẹn, hạn chế đến các tụ điểm ăn nhậu, không tụ tập đông người, tiết chế những nhu cầu cá nhân... để góp sức vào nhiệm vụ phòng, chống dịch trong trạng thái chung sống an toàn với Covid-19.
"Chúng ta cần xác định tiêm hai mũi vaccine là giúp bản thân người đã tiêm nếu chẳng may nhiễm virus SARS-CoV-2 thì có thể có triệu chứng nhẹ, ít bị nặng. Theo các báo cáo khoa học, tỷ lệ tử vong ở những người đã tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19 là thấp hơn so với nhóm chưa tiêm hoặc mới được tiêm một mũi. Tuy nhiên, người đã tiêm hai mũi vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 và vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm không đồng nghĩa là họ được tự do đi lại, không thực hiện các khuyến cáo về phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Những người đã tiêm hai mũi vaccine vẫn cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho cộng đồng. " - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn/.
Theo Kinh tế và Đô thị