Quan điểm, chủ trương của Đảng về xóa đói, giảm nghèo đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều thời kỳ, ngày càng sâu rộng, toàn diện hơn. Tuy nhiên, thành quả của công tác giảm nghèo luôn song hành cùng khó khăn và thách thức, đặc biệt là giai đoạn cả đất nước chống chọi với đại dịch Covid-19. Giữa những khó khăn bủa vây nhưng ngay kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ XV, Quốc hội đã có quyết sách mở đường, ban hành nghị quyết quan trọng về ASXH.
Đó là Quốc hội phê duyệt chủ trương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Chính sách này có ý nghĩa đặc biệt với hơn 500.000 hộ nghèo của cả nước. Đặc biệt năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác xóa đói, giảm nghèo được triển khai quyết liệt hơn bao giờ hết.
Ấm lòng người yếu thế
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 đã xác định: “Thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn”. Sau hơn nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15 và Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ, công tác xóa đói, giảm nghèo của cả nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi mặt của đời sống xã hội.
Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Ngày 24/1/2023, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW, với mục tiêu đến năm 2030 xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Cụ thể hóa mục tiêu tại Nghị quyết số 42-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, đã đưa ra các mục tiêu cụ thể để thực hiện. Ngày 13/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động Phong trào thi đua Cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” đánh dấu sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ với mục tiêu trong năm 2025 xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Lãnh đạo xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì và Trưởng đoàn thể, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn trao kinh phí hỗ trợ xây, sửa nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ảnh: Trần Oanh
Tại tỉnh Cao Bằng, từ năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ chọn làm điểm thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát và đến nay đã trở thành phong trào phát triển rộng khắp tới các thôn, bản. Kết quả, hơn 3 năm qua, Cao Bằng đã có hơn 6.000 căn nhà tạm, nhà dột nát được xây mới hoặc sửa chữa, giúp cho đồng bào dân tộc có chỗ ở an toàn, kiên cố, kể cả trong mùa mưa bão. Đơn cử như gia đình anh Lý Văn Nó (xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà mới, đến nay mọi người yên tâm lao động sản xuất. “Nhà nước hỗ trợ cho mình xây nhà mới là mình cảm thấy rất vui mừng. Ơn Đảng, ơn Quốc hội, Chính phủ, giờ đây gia đình mình đã có căn nhà kiên cố, không lo tứ bề dột nát như trước đây, giờ hai vợ chồng chỉ lo đi làm, nuôi các con” - anh Lý Văn Nó chia sẻ.
Tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu năm 2024 sẽ hỗ trợ xây sửa nhà cho trên 7.100 hộ nghèo và gia đình chính sách. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài nguồn vốn từ Quỹ Vì người nghèo và nguồn lực được huy động từ những chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Cao Bằng vận động xã hội hóa huy động thêm kinh phí; về phía người dân không có tiền thì đóng góp ngày công lao động. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Cao Bằng Triệu Đình Lê cho hay: “Địa phương khẩn trương rà soát lại một cách chặt chẽ, đúng, trúng đối tượng và nhanh chóng bổ sung vào danh sách các đối tượng đủ điều kiện với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Quyết tâm, quyết liệt cao nhất, năm 2024 nỗ lực thực hiện hoàn thành chỉ tiêu hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 7.121 hộ trên địa bàn tỉnh.”
Tại Hà Nội, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, hàng năm, TP đều chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng có nhà ở xuống cấp cần sửa chữa để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà. Đến cuối năm 2023, TP Hà Nội thực hiện việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo mạnh mẽ hơn. Cụ thể, ngày 6/12/2023, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND quy định việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn TP Hà Nội. Đến ngày 3/4/2024, TP Hà Nội khởi công xây dựng, sửa chữa 724 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã thuộc 15 huyện, thị xã với tổng kinh phí gần 62 tỷ đồng, và đã hoàn thành trước ngày 30/9/2024.
Nhờ có nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà, cuối tháng 9/2024, gia đình chị Đinh Thị Chính (xóm 3, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì) dọn vào sống trong ngôi nhà 2 tầng được TP Hà Nội hỗ trợ xây mới 6 phòng. Chị Chính xúc động chia sẻ: “Ngôi nhà cũ của gia đình xây dựng năm 2009, đã xuống cấp nghiêm trọng, tường thủng lỗ chỗ, mưa dột. Mấy năm trước, chồng bị đột quỵ qua đời, tôi phải xuống Hà Nội rửa bát thuê để có tiền gửi về nuôi các con ăn học. Vừa rồi, nhờ được sự hỗ trợ của TP Hà Nội, tôi có động lực vay mướn thêm để làm ngôi nhà mới khang trang. Tôi xin gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo các cấp đã giúp gia đình tôi có chỗ ở kiên cố”.
Tại Chương trình Phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi” tối ngày 5/10/2024, do Chính phủ và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho biết, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo đã đạt được những kết quả tích cực. Từ năm 2000 đến 2023, cả nước có hơn 1,7 triệu căn nhà được xây mới và sửa chữa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Theo thống kê của các địa phương, ngoài 2 nhóm đối tượng đã được hỗ trợ theo ngân sách Nhà nước và Chương trình mục tiêu quốc gia, cả nước còn 153.881 căn nhà tạm, nhà dột nát không an toàn của hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí tối thiểu để thực hiện là 6.500 tỷ đồng. Để hoàn thành công việc này, Bộ LĐTB&XH đề nghị các địa phương đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng tiết kiệm chi thường xuyên 5% năm 2024 cùng với nguồn lực xã hội hóa để thực hiện. “Kết thúc năm 2025, chúng ta phấn đấu cơ bản xóa xong nhà tạm, nhà dột nát, về đích sớm trước 5 năm so với mục tiêu đề ra, thiết thực kỷ niệm 80 năm ngày thành lập nước và tiến tới chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam” - lãnh đạo Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh.
Chính sách nhân văn
Năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ, với các dự án thành phần như đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo… Từ dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, nhiều lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp đã được học nghề, vay vốn, tạo việc làm.
Đó là trường hợp chị Phạm Thị Thanh Châm (sinh năm 1982, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) trước đây là lao động tự do. Ngoài công việc đồng áng, ai thuê gì chị làm nấy, công việc bấp bênh, thu nhập thấp, không đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Năm 2021, chị Phạm Thị Thanh Châm cùng một số người trong thôn đi học nghề may, rồi xin vào công ty làm may. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công việc không ổn định nên chị Phạm Thị Thanh Châm nghỉ việc, vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Sơn Tây để khởi nghiệp mở xưởng may gia công tại nhà. Với 50 triệu đồng vốn vay, chị Phạm Thị Thanh Châm đầu tư mua thêm máy may và nhận hàng may gia công. Sau một thời gian thực hiện, đến nay công việc ổn định hơn. Đơn hàng ngày một nhiều, cho thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/người/tháng. “Tôi thật sự biết ơn ngân hàng đã tiếp sức cho chúng tôi kịp thời để có điều kiện thực hiện dự án. Điều quan trọng là tôi còn giúp cho 5 lao động trong thôn cùng làm nghề may, có công việc và thu nhập ổn định”.
Đến thăm gia đình anh Vũ Văn Toán (sinh năm 1973, thôn Đoài Giáp, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây), chúng tôi khâm phục nghị lực vươn lên của anh. Anh Vũ Văn Toán bị khuyết tật chân, gia đình có 4 khẩu, cuộc sống rất khó khăn. “Tôi đã trăn trở và suy nghĩ rất nhiều về việc làm sao để có công việc ổn định giúp cải thiện cuộc sống gia đình. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, hội đoàn thể và người thân, tôi đã quyết định đi học nghề cơ khí để tạo lập công việc. Sau khi học nghề xong, tôi mạnh dạn vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội 80 triệu đồng cùng với hai người cháu đầu tư mua sắm máy móc và mở xưởng nhôm kính. Đến nay, công việc của tôi ổn định, cho thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng, tự nuôi sống được bản thân và cuộc sống gia đình bớt khó khăn” - anh Vũ Văn Toán bộc bạch.
Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 năm 2024 của Chính phủ gửi Quốc hội khóa XV cho thấy: năm 2024, Chương trình góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 1%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3% (riêng các huyện nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 4 - 5%). Chương trình tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống. Chương trình còn hỗ trợ các địa phương vùng “lõi nghèo”, vùng Tây Nguyên, các tỉnh phía Tây của Tổ quốc, vùng nghèo, vùng khó khăn thoát khỏi thình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn góp phần giảm nghèo bền vững.
Nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, người nghèo đã được cải thiện một bước đáng kể về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin… Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được đầu tư đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Theo đánh giá của Chính phủ, về lâu dài, kết quả thực hiện Chương trình năm 2024 và tác động của Chương trình sẽ giúp người nghèo có cơ hội tự vươn lên thoát nghèo bền vững, vượt lên mức sống tối thiểu, tự giải quyết được vấn đề nghèo đói cũng như những nhu cầu thiết yếu của gia đình mà không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của cộng đồng và Nhà nước. Kết quả của Chương trình năm 2024 giúp các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Những dự án hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã mang đến kết quả hết sức tích cực, đời sống của người nghèo được cải thiện. Đây là kết quả của sự nỗ lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia ủng hộ tích cực của Nhân dân, qua đó khẳng định được tính đúng đắn của chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Kết quả giám sát của Quốc hội khóa XV về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã khẳng định: dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự kế thừa và phát huy giá trị, thành tựu của giai đoạn trước, kết quả triển khai các Chương trình giai đoạn này bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện nhiều.
Kết quả giám sát của Quốc hội khóa XV về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho thấy: Việc triển khai chương trình đã cơ bản bám sát mục tiêu “thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững”. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều địa phương có mô hình hay, cách làm sáng tạo đạt hiệu quả. Chương trình đã thực hiện cơ bản đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số hàng năm; bước đầu thực hiện các mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,52% so với năm 2020; năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và năm 2023 giảm 1,1%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội đã đề ra. Đây là kết quả của sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia ủng hộ tích cực của người dân, khẳng định được tính đúng đắn của chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Kết quả đạt được trong công tác ASXH là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết đoán, sáng suốt, sâu sát, kịp thời của T.Ư Đảng; sự đồng hành, phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, nhất là trong hoàn thiện thể chế, pháp luật; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả của Chính phủ; đồng thời bám sát thực tiễn để vận dụng chủ trương, đường lối, chính sách một cách sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả; sự nỗ lực, phấn đấu vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; sự đoàn kết, đồng lòng của người dân và cộng đồng DN; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Theo Kinh tế và Đô thị