Xung đột Israel- Hamas bắt đầu từ ngày 7/10/2024, đến nay đã kéo dài hơn 15 tháng, với nhiều giai đoạn khác nhau, có thể đang ở hồi kết, nhưng chưa chấm dứt vì chưa có một thỏa thuận hòa bình giữa hai bên. Xung đột Israel - Hamas thời gian tới sẽ chịu tác động của nhiều nhân tố, trong đó có các nhân tố chính sau.
Nhân tố Israel
Israel không phải là bên hành động trước trong cuộc xung đột nhưng là chủ thể chính duy trì cuộc xung đột. Như đã diễn ra, để đáp trả cuộc tấn công lớn của Hamas vào miền Nam đất nước, Israel đã huy động lực lượng lớn tấn công vào Dải Gaza do Hamas kiểm soát với mục tiêu là đưa các con tin trở về và tiêu diệt lực lượng Hamas nhằm chấm dứt mối lo ngại an ninh về sau, nhưng đến nay cả hai mục tiêu này đều chưa đạt được trọn vẹn. Đây là lý do quan trọng để quân đội Israel duy trì sự hiện diện tại Dải Gaza, vì chính phủ Israel cho rằng, việc duy trì tấn công ở Gaza là cách tốt nhất để giải cứu con tin bằng cách buộc Hamas phải đầu hàng.
Mục tiêu xóa sổ Hamas của Israel cũng chưa thành hiện thực. Mặc dù về cơ bản Israel đã đè bẹp lực lượng vũ trang Hamas tại Dải Gaza nhưng chưa tiêu diệt hoàn toàn đối thủ này. Bằng chứng cho thấy vẫn có những cuộc tấn công trả đũa của Hamas từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel, mặc dù điều đó rất hy hữu và không gây thiệt hại đáng kể cho Israel. Mục tiêu xóa sổ Hamas chưa hoàn thành trong bối cảnh chính phủ cực hữu Israel đang cầm quyền là cơ sở để quốc gia này duy trì cuộc chiến thời gian tới.
Nhân tố Israel cũng có thể thay đổi nếu như Chính phủ Israel hiện tại được thay thế bằng một Chính phủ ôn hòa hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong ngắn hạn điều này khó xảy ra. Theo quy định, nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Benjamin Netanyahu sẽ kéo dài đến cuối năm 2026 và ông cũng là người có bề dày kinh nghiệm chính trị.
Sức kháng cự của Hamas
Hamas là người mở đầu cuộc xung đột nhưng không phải là chủ thể quyết định đến việc chấm dứt cuộc xung đột, hay nói đúng hơn là chấm dứt cuộc xung đột theo mong muốn của mình. Đến nay, khi đã bị thiệt hại nặng nề bởi các cuộc tấn công của Israel, sức kháng cự của Hamas rất yếu ớt. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra cho thấy Hamas không sẵn sàng đầu hàng, hoặc đồng ý chấm dứt xung đột theo những điều kiện bất lợi do Israel áp đặt.
Thời gian vừa qua, Hamas vẫn thể hiện sự kháng cự bền bỉ. Chiến thuật du kích đã phát huy hiệu quả và rất khó để khuất phục họ trong cả ngắn hạn hay dài hạn. Hamas vẫn còn nhiều thiết bị nổ và vũ khí hạng nhẹ, dù nhiều rocket tầm xa đã bị phá hủy. Một số chất nổ được lực lượng này tích trữ từ trước khi xung đột bùng phát, số khác được tái chế từ đạn dược phóng xịt của quân đội Israel. Quân đội Israel từng nhiều lần đánh bật Hamas khỏi một khu vực nhất định, rồi rút lui sau đó, điều này tạo điều kiện để Hamas trở về tái kiểm soát lãnh thổ. Tình trạng này vẫn đang tiếp tục được lập lại ở nhiều địa điểm tại Gaza.
Hamas là một phong trào kháng chiến Hồi giáo không đơn độc trong cuộc xung đột với Israel. Lực lượng này hoạt động không chỉ ở Dải Gaza mà còn ở một số vùng lãnh thổ khác như ở Bờ Tây (Palestine) và một số cơ sở bí mật khác. Hamas cũng được nhiều quốc gia Hồi giáo công nhận là một lực lượng chính danh ở khu vực, được hỗ trợ vũ khí, tài chính và ngoại giao, đặc biệt là Iran. Mặc dù Israel, Mỹ và một số quốc gia xem Hamas là lực lượng khủng bố nhưng cư dân Dải Gaza không nghĩ như vậy. Họ coi Hamas là chính quyền hợp pháp, đại diện cho tiếng nói của người dân nơi đây và trên thực tế điều đó đã diễn ra từ năm 2007 khi Hamas kiểm soát vùng đất này.
Tại Dải Gaza dù nhỏ hẹp nhưng có gần 2,3 triệu dân. Hoạt động của Hamas chắc chắn sẽ được nhiều người dân Gaza hỗ trợ. Trước mắt có thể Hamas cạn kiệt nguồn lực nhưng nếu cư dân Dải Gaza vẫn tồn tại thì Hamas vẫn còn cơ hội để phục hồi. Israel từng có ý đồ hay kế hoạch đẩy cư dân Gaza ra khỏi địa bàn hiện nay nhưng kế hoạch này không thể thực hiện được vì sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Nhân tố Iran
Iran là một nước lớn có thực lực đáng nể ở Trung Đông, luôn nhất quán ủng hộ Hamas và phản đối Israel tấn công Dải Gaza. Sự hỗ trợ của Iran cho Hamas để chống Israel có ảnh hưởng đáng kể đến sức kháng cự của Hamas. Iran có thể tiếp tục ủng hộ Hamas thông qua nhiều cách khác nhau vừa trực tiếp vừa gián tiếp thông qua các lực lượng như Hezbollah, Houthi. Hiện tại, Iran cũng đang tăng cường tập hợp các nước Hồi giáo nhằm bao vây chống lại Israel. Mặt khác, việc leo thang căng thẳng Israel - Iran có thể được xem là nhân tố có lợi cho Hamas vì nếu Israel và Iran bước vào một cuộc chiến toàn diện thì nguồn lực của Israel sẽ bị phân tán và ảnh hưởng nghiêm trọng, đó là cơ hội để Hamas trỗi dậy.
Tuy vậy, gần đây Iran lại đang gặp khó khăn lớn về kinh tế xã hội. Mặc dù có trữ lượng khí đốt tự nhiên và dầu thô hàng đầu thế giới, nhưng năm 2024, nước này đang rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện. Nguyên nhân có thể là do hậu quả của nhiều năm bị trừng phạt, quản lý yếu kém, cơ sở hạ tầng cũ kỹ, tiêu dùng lãng phí và các cuộc tấn công có chủ đích của Israel. Vị thế của Iran ở khu vực cũng bị suy giảm nghiêm trọng sau khi chính quyền Tổng thống Bashar Al - Assad ở Syria có quan hệ mật thiết với Iran sụp đổ vào cuối năm 2024. Sự khó khăn của kinh tế trong nước và vị thế quốc tế suy giảm có thể dẫn đến sự giảm sút và kém hiệu quả trong việc ủng hộ cho Hamas.
Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia lên án gay gắt và phản đối mạnh mẽ cuộc chiến của Israel vào Dải Gaza. Nhằm gây sức ép với Israel, vào tháng 5/2024, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định tham gia vụ kiện Israel phạm tội ác diệt chủng lên Tòa án Công lý quốc tế, đồng thời hạ cấp quan hệ và đóng băng hoàn toàn giao dịch thương mại với Israel. Đầu tháng 11/2024, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố cắt đứt quan hệ với Israel, chấm dứt mọi hoạt động thương mại và quan hệ với Israel, đồng thời kiên quyết ủng hộ Palestine vì mục đích chính đáng của họ cho đến cùng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã từng kêu gọi thành lập một liên minh giữa các quốc gia Hồi giáo để giải quyết “mối đe dọa” đến từ Israel, cáo buộc Israel tìm cách gây chiến tranh lớn ở Trung Đông để chinh phục và chiếm đóng nhiều vùng đất hơn. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã có mâu thuẫn với Israel ở Trung Đông và hiện nay quốc gia này đang thực hiện tham vọng mở rộng ảnh hưởng ở khu vực và thế giới. Những thay đổi lập trường của nước này chắc chắc sẽ tác động đến cuộc xung đột. Mặc dù khả năng can thiệp trực tiếp của quốc gia này vào cuộc xung đột Israel- Hamas là không cao. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ là một nhân tố tiềm ẩn khó đoán định trong thời gian tới.
Nhân tố Mỹ
Diễn biến xung đột Israel - Hamas thời gian qua cũng như thời gian tới có quan hệ chặt chẽ với chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực Trung Đông vì Mỹ là một siêu cường toàn cầu, có sức mạnh vượt trội về kinh tế, quân sự và ngoại giao. Mỹ cũng là một quốc gia có ảnh hưởng tương đối rõ nét trên thế giới, khu vực Trung Đông nói chung và với Israel nói riêng. Bên cạnh đó, Mỹ là đồng minh thân cận và là người bảo trợ chủ chốt của Israel. Mỹ cũng có quan hệ tốt với nhiều quốc gia Hồi giáo trong khu vực như Arập Xêút, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 5/11/2024, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã diễn ra, kết quả là ông Donald Trump trở thành Tổng thống đắc cử. Sự cầm quyền của ông Donald Trump trong thời gian tới có thể tác động đến cuộc xung đột ở cả hai chiều cạnh, hoặc góp phần gia tăng xung đột hoặc chấm dứt xung đột. Sự ủng hộ đắc lực về vũ khí, tài chính, ngoại giao của Mỹ cho Israel và các biện pháp cứng rắn hơn với Iran dưới thời Donald Trump có thể sẽ dẫn đến leo thang xung đột trong khu vực và vấn đề Dải Gaza sẽ không được giải quyết. Nhưng mặt khác, chính quyền Mỹ thời gian tới cũng có thể giúp chấm dứt cuộc xung đột ở Dải Gaza vì Tổng thống đắc cử Donald Trump đang quyết tâm trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza trước khi nhậm chức vào ngày 20/1/2025.
Các nhân tố khác như Nga, Trung Quốc, các nước phương Tây và một số quốc gia Hồi giáo khác đều không phải là nhân tố chính ảnh hưởng đến xung đột Israel - Hamas thời gian tới.
Tóm lại, trong thời gian tới, xung đột Israel - Hamas chịu tác động của nhiều nhân tố, trong đó có các nhân tố chính là Israel, sức kháng cự của Hamas, Iran, Mỹ. Các nhân tố này không tồn tại độc lập mà có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong bối cảnh hiện tại, có thể rằng chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực Trung Động dưới sự cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có tính quyết định đến chiều hướng cuộc xung đột.
Nguyễn Văn Chuyên