Hợp tác giữa Ấn Độ và Trung Quốc
Hợp tác giữa Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra trên các vấn đề toàn cầu và trong việc cải cách các thể chế quốc tế, mặc dù thường có điều kiện. Ví dụ, sự phản đối của Trung Quốc đối với nỗ lực của Ấn Độ giành được một ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tư cách thành viên của nước này trong Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân cho thấy giới hạn trong hợp tác của họ. Việc Trung Quốc ủng hộ Pakistan trong việc ngăn chặn nghị quyết của Liên hợp quốc tuyên bố Mohammad Azhar là một tên khủng bố quốc tế và phản đối việc Ấn Độ bãi bỏ Điều 370, điều đã chia cắt tiểu bang Kashmir trước đây và tạo ra Lãnh thổ Liên bang Ladakh, càng làm phức tạp thêm sự hợp tác của họ.
Cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc
Cạnh tranh là điều vốn có trong mối quan hệ giữa hai nước này, vì cả hai quốc gia đều là những nước lớn tranh giành ảnh hưởng và quyền thống trị ở châu Á. Họ cạnh tranh về tài nguyên, vị trí chiến lược và ảnh hưởng trên khắp khu vực. Các vấn đề nổi lên giữa hai nước như tranh chấp biên giới dai dẳng, quy chế của khu vực Tây Tạng và các xung đột tiềm tàng ở Khu vực Ấn Độ Dương (IOR) là những điểm nóng có thể leo thang thành xung đột. Mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ, liên minh Trung Quốc-Pakistan và các tranh chấp về chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới càng làm gia tăng sự phức tạp trong cạnh tranh giữa hai nước. Trọng tâm chính của Trung Quốc là quản lý mối quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng cũng cảnh giác với ảnh hưởng ngày càng tăng của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự ra đời và phát triển của Hợp tác chiến lược “Bộ tứ” giữa Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ(QUAD) và hiệp ước an ninh ba bên giữa Úc-Anh-Hoa Kỳ (AUKUS) những năm gần đây càng làm tăng thêm mối lo ngại của Trung Quốc, vì chúng có thể cản trở tham vọng của Bắc Kinh ở khu vực cũng như mục tiêu của nước này trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2035 và trở thành siêu cường vào năm 2049.
Bất chấp những căng thẳng này, Trung Quốc nhận thức được sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Ấn Độ cũng như quyết tâm của New Delhi bảo vệ các lợi ích của mình. Lập trường kiên định của Ấn Độ trong các cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc ở Doklam (Bhutan), Chumar và Depsang (các khu vực tranh chấp thuộc Jammu và Kashmir ) cũng như sự cảnh giác của nước này đối với Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) của Trung Quốc và Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), đã khiến Bắc Kinh nhận ra rằng họ không thể dễ dàng lấn át hay ép buộc New Delhi. Thực tế đó cho thấy Trung Quốc cần phải điều chỉnh chiến thuật để có cách tiếp cận thực tế hơn nhằm duy trì mối quan hệ có thể quản lý được với Ấn Độ trong khi tập trung giải quyết thách thức mang tính chiến lược lớn hơn do Hoa Kỳ đặt ra.
Xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc
Xung đột giữa hai vẫn luôn là một khả năng tiềm tàng thực sự, đặc biệt là khi xét đến lập trường quyết đoán của Trung Quốc về tranh chấp biên giới với Ấn Độ, sự dính líu của nước này vào vấn đề tranh chấp Kashmir và lập trường của nước này về chủ quyền ở Tây Tạng. Những nỗ lực giải quyết các mâu thuẫn khác, bao gồm cả những lo ngại về việc chuyển hướng nước từ Sông Brahmaputra và sự mất cân bằng thương mại to lớn…, cho đến nay vẫn chưa mang lại nhiều tiến triển trong việc cải thiện mối quan hệ. Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam Á và ở IOR (Khu vực Ấn Độ Dương) cũng đang khiến các nước láng giềng của Ấn Độ xích lại gần Bắc Kinh hơn, cũng làm phức tạp thêm chiến lược khu vực của Ấn Độ.
Chiến lược cân bằng Trung Quốc của Ấn Độ
Cách tiếp cận cân bằng Trung Quốc của Ấn Độ bắt nguồn từ triết lý cổ xưa của họ về “Vasudhaiva Kutumbakam” (thế giới là một gia đình). Chính phủ Ấn Độ hiện tại đặt mục tiêu biến Ấn Độ từ một cường quốc cân bằng thành một cường quốc hàng đầu bằng cách tạo ra một môi trường bên ngoài thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của quốc gia, tôn trọng luật pháp quốc tế và theo đuổi sự liên kết đa hướng dựa trên lợi ích. Các chính sách như “Láng giềng trước tiên”, “Kết nối Trung Á”, “Hướng Tây” và “Hành động hướng Đông” phản ánh chiến lược này.
Sự tập trung của Ấn Độ vào nền kinh tế xanh và vai trò của nước này như một nhà cung cấp an ninh ròng trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống cần được tăng cường hơn nữa. Ấn Độ đã tăng cường hợp tác trong nhận thức về lĩnh vực hàng hải, hỗ trợ các quốc gia ven biển trong việc kết nối các hệ thống giám sát ven biển và ký kết các Thỏa thuận vận chuyển trắng với nhiều bên liên quan khác nhau. Những đóng góp của Ấn Độ cho Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA) và Hội nghị chuyên đề Hải quân Ấn Độ Dương (IONS) được công nhận rộng rãi, mang đến cơ hội tăng cường an ninh hàng hải và phát triển nền kinh tế xanh với Ấn Độ trong vai trò lãnh đạo.
Ấn Độ cũng đang nỗ lực tích hợp hành lang công nghiệp Delhi-Mumbai-Bengaluru-Chennai với các sáng kiến khu vực, phát triển các cảng theo dự án Sagarmala, thiết lập các hiệp định thương mại tự do tại IOR và khôi phục các tuyến đường hàng hải lịch sử. Các dự án như “Tuyến đường bông” với Trung Á và “Mausam”, một sáng kiến khu vực nhằm khôi phục các tuyến đường hàng hải cổ xưa và các mối liên kết văn hóa, là những ví dụ về sự tiếp cận chiến lược của Ấn Độ. Để cân bằng hiệu quả với Trung Quốc, Ấn Độ phải xây dựng năng lực chiến lược của mình, tham gia vào hoạt động ngoại giao và đưa ra các mô hình tăng trưởng và phát triển thay thế để thu hút các quốc gia khác tham gia quan hệ đối tác với Ấn Độ.
Ấn Độ coi hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không phải là phương tiện để kiềm chế Trung Quốc mà là nền tảng để hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế vì một tương lai chung. Chính sách Hành động hướng Đông rất quan trọng để Ấn Độ mở rộng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các nước láng giềng Nam Á, các vùng ven biển Ấn Độ Dương và Đông Nam Á. Việc triển khai nhanh chóng chính sách này là điều cần thiết để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Á và IOR. Ấn Độ cũng đang giải quyết các vấn đề an ninh và phát triển ở Đông Bắc, tăng cường sự tham gia của mình với Myanmar và đóng vai trò lãnh đạo trong việc định hình môi trường chiến lược trong khu vực. Các dự án như Dự án Vận tải Đa phương thức Kaladan và Đường cao tốc Ba bên Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan có tầm quan trọng chiến lược đối với Ấn Độ. Ngoài ra, việc biến Quần đảo Andaman và Nicobar thành một trung tâm chiến lược hàng hải và phát triển Cảng Sabang ở Indonesia là những bước đi đúng hướng.
Kết luận
Ấn Độ và Trung Quốc, với tư cách là hai cường quốc châu Á, phải tìm cách hợp tác để hiện thực hóa tầm nhìn về một Thế kỷ châu Á. Việc nắm bắt chiến lược mới giữa hai quốc gia này là điều cần thiết để xây dựng hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. New Delhi cần phải kiên quyết và rõ ràng trong việc truyền đạt các lợi ích cốt lõi và sự nhạy cảm của mình, đặc biệt là liên quan đến chủ nghĩa khủng bố, và trong mối quan hệ với Bắc Kinh. Đồng thời, Ấn Độ phải tiếp tục xây dựng năng lực chiến lược của mình để bảo vệ biên giới và giành lại ảnh hưởng của mình ở Nam Á và Khu vực Ấn Độ Dương. Trong khi các nỗ lực xây dựng lòng tin chiến lược với Trung Quốc cần tiếp tục, Ấn Độ phải đảm bảo rằng mình đang ở vị thế thuận lợi cho sự cân bằng quyền lực lâu dài trong khu vực.
Thu Thủy