Theo một số tài liệu nghiên cứu, tết Trung Thu ở Việt Nam là phong tục đã có từ thời sơ sử của người Việt cổ, gắn liền với nền văn hóa Đông Sơn. Thời điểm ra đời chính xác của tết Trung Thu ở nước ta, đến nay vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ cần các nhà khoa học tiếp tục giải đáp. Nhưng, một điều có thể khẳng định là phong tục đẹp đó đã được nhân dân ta lưu truyền qua các thế kỷ và đến thời phong kiến tự chủ, được triều đình và cả nước coi trọng như một ngày lễ lớn trong năm. Theo thời gian, tết Trung thu đã đi vào trong đời sống tinh thần của nhân dân như máu thịt, in đậm dấu ấn tâm hồn người Việt, góp phần thể hiện nét bản sắc văn hoá, điệu hồn dân tộc Việt chung đúc qua ngàn năm.
Trung Thu là tết của Thiếu Nhi. Ảnh: Internet
Dấu ấn của nền văn hóa lúa nước
Cũng như nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội khác của dân tộc ta, tết Trung Thu thể hiện dấu ấn đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước.
Đầu tiên, theo văn hoá và lễ hội học, Tết Trung thu ở Việt Nam được xếp loại vào “hội mùa”,nghĩa là một sinh hoạt văn hoá theo mùa, một lễ hội nông nghiệp, một nghi thức nông nghiệp: “Rằm tháng tám âm lịch, ngày trăng sáng nhất trong năm. Nguyên là hội nông nghiệp mùa thu”[1].“Xuân thu nhị kỳ”, trong nông lịch cổ truyền, là hai thời buổi “nông nhàn”. Giêng hai và tháng tám là lúc người nông dân có dịp nghỉ ngơi. Lúc này, lúa mới vừa cấy xong, hoa màu phụ cũng đã trồng, mà mùa gặt chưa tới. Nhân dịp này, các làng xã tổ chức hội lễ cho dân chúng vui chơi, cho người người đoàn tụ, cho lứa đôi gặp gỡ... Và quan trọng hơn, lễ hội cũng là cách bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với các thần linh che chở cho cuộc sống của dân làng. Đó cũng là lúc họ hiểu rõ hơn về các lễ nghi, thuần phong mỹ tục của làng mình, quê hương mình để không xao lãng, để làm gương cho con cháu noi theo.
Đồng thời, với người dân sống bằng nghề nông trồng lúa nước, tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Tục ngữ người Việt có câu: “Muốn ăn lúa tháng năm/ Trông trăng rằm tháng tám; Trăng trong được lúa mùa/ Trăng đục mờ được lúa chiêm.” Người dân trồng lúa nước xưa cũng quan niệm nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị…
Thứ nữa, Tết Trung Thu thể hiện sự gắn bó của con người với thiên nhiên. Là cư dân của nền nông nghiệp lúa nước, cha ông ta từ ngàn xưađã coi thiên nhiên như người bạn đồng hành gắn bó với mình, quen ứng xử hài hoà thân ái với thiên nhiên. Sùng bái tự nhiên trở thành một thứ tín ngưỡng linh thiêng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trăng - đồng hành với nhịp hải hà, nhịp lên xuống của con nước, đã thành người bạn thân quen không thể thiếu của nhà nông. Hình ảnh vầng trăng soi sáng những đêm tát nước đầu đình, những ruộng đồng bao la mùa gặt… đã đi vào trong văn thơ dân gian như biểu tượng của sự hoà hợp, gắn bó với thiên nhiên của người Việt. Không phải ngẫu nhiên mà trong ngày tết này, trong mâm cỗ mà cha ông ta bày ra để làm cỗ trông trăng, bao giờ cũng có các loại bánh dẻo, bánh nướng, bánh đúc... hình tròn - một sự mô phỏng hình ảnh mặt trăng hiền hòa, đầy đặn. Trong đêm rằm tháng tám, thời khắc trăng tròn, sáng và đẹp nhất trong năm, người ta luôn dành những phút giây lắng đọng để ngồi cùng nhau bên mâm cỗ thanh tao, thưởng trà, thưởng rượu và ngắm vầng trăng sáng. Vì thế tết Trung thu còn có tên gọi là “tết Trông trăng”. Trong thời đại ngày nay, khi mà nhân loại vẫn lo ngại về sự lạnh lùng của kim tiền và kim khí, trở về và ưu ái thiên nhiên là nét đẹp văn hoá đáng trân trọng.
Bên cạnh đó, tết Trung Thu cũng là phong tục thể hiện tính cộng đồng của người Việt. Để trồng trọt cấy cày, sinh tồn và phát triển, người dân nông nghiệp lúa nước ý thức rõ năng lực, sức mạnh của cộng đồng và sự cần thiết của tính cố kết, tình cảm cộng đồng. Sự đoàn kết đã thành một giá trị tinh thần cao đẹp làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó ăn sâu vào tâm khảm của mỗi cá nhân và thể hiện hữu hình qua các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Cũng như nhiều lễ hội, lễ tết của làng quê Việt Nam, tết Trung Thu không phải là hoạt động riêng lẻ của một vài nhà, một nhóm người mà của cả cộng đồng, khối, xóm… Tuy không quy mô và trọng đại như tết Nguyên Đán, nhưng đó vẫn là ngày lễ thiêng liêng, là dịp để đông đảo người thân quây quần đoàn tụ. Trung Thu là ngày hội lớn của mọi nhà, mọi người, mọi lứa tuổi, là nhịp cầu “nối vòng tay lớn” để đưa con người xích lại gần nhau hơn. Ai cũng tìm thấy cho mình những niềm vui thuần hậu trong dịp đất trời rộng mở, lòng người giao hoà. Tuy ở những vùng trời khác nhau, nhưng khi cùng ngẩng lên bầu trời ngắm một vầng trăng sáng, dường như tâm hồn con người cũng nhất thời đồng điệu. Đến với tết Trung Thu, ta cảm nhận được “nhu cầu thông cảm”, “nhu cầu cộng cảm”, một biểu hiện đẹp của “tình cảm cộng đồng” (chữ dùng của Trần Quốc Vượng)[2].
Hội tụ giá trị nhân văn của người Việt
Bên cạnh dấu ấn về một nền nông nghiệp lúa nước nói chung, Tết Trung Thu còn hội tụ những gía trị nhân văn của người Việt như tình cảm gia đình, sự trân trọng với truyền thống văn hoá dân tộc và đặc biệt là sự ưu ái với trẻ thơ.
Tết Trung thu thấm đượm tình cảm gia đình. Theo phong tục của người Việt, vào dịp tết Trung Thu, cha mẹ tùy theo điều kiện gia cảnh mà bày cỗ, thể hiện tình cảm và sự quan tâm của mình tới con cái. Ngược lại, con cháu cũng mua quà bánh biếu ông bà, cha mẹ để tỏ tình hiếu thảo, lòng biết ơn đối với các đấng sinh thành. Tình cảm gia đình vì thế càng thêm gắn bó keo sơn. Đến rằm Tháng Tám, dù đi đâu về đâu, dù bận rộn, nhiều người vẫn không quên thắp nén tâm hương dâng ông bà tổ tiên; dù bao bộn bề bon chen, vẫn còn không ít người mê thú ngắm hoa thưởng nguyệt. Đêm Trung Thu, người ta vẫn muốn quây quần bên nhau trong ngôi nhà hạnh phúc, trong không khí yên vui sum vầy với người thân yêu của mình. Tết Trung Thu vì thế cũng chính là tết Đoàn viên.
Trung Thu là tết của Đoàn Viên. Ảnh: Internet
Cũng nhờ tết Trung Thu, các tình cảm và mối quan hệ tốt đẹp khác của con người cũng được nuôi dưỡng, bồi đắp. Đó là dịp để con người qua lại thăm nom nhau, bày tỏ lòng tri ân, tình thân ái như nghĩa thầy trò, tình bằng hữu... Mặt khác, theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì người Lạc Việt cứ mùa thu tháng tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau. Như vậy, mùa thu cũng là mùa của thành hôn, mùa của tình yêu đôi lứa.
Không chỉ thể hiện tình cảm đời thường của con người, tết Trung Thu còn là dịp để người Việt bày tỏ sự trân trọng với truyền thống văn hóa của dân tộc. Ngay giữa thủ đô Hà Nội hiện đại, phồn hoa, vẫn còn không ít gia đình tha thiết gìn giữ hương vị Trung thu truyền thống qua những món ăn dân dã mà kỳ công như: bánh đúc, ngan om chua làng Bưởi, bánh dẻo - bánh nướng Bảo Phương, bánh cốm làng Vòng... Những nét đẹp thuần phong mỹ tục, văn hóa ẩm thực cổ truyền, sự tinh tế trong ứng xử của người Việt đã hội tụ về trong mỗi dịp Trung Thu.
Đặc biệt, ở Việt Nam, tết Trung Thu đã trở thành ngày tết của thiếu nhi. Cũng giống như đêm Noel huyền thoại của các nước phương Tây, Trung Thu là ngày hội của trẻ thơ Việt Nam, gắn với những giấc mơ hồn nhiên của trẻ nhỏ về một thế giới kỳ diệu và tốt lành. Trong dịp này, nhiều em nhỏ mồ côi lang thang cơ nhỡ, đói nghèo, bệnh tật… đã có được niềm hạnh phúc bình dị như ăn những món ngon, chơi những trò chơi lí thú, được sống trong tình cưu mang, chia sẻ, được thả hồn lên tận cung trăng với những giấc mơ cổ tích tuyệt vời… Nhiều chương trình thiện nguyện được tổ chức đều đặn vào dịp rằm tháng tám trong những năm gần đây đã đem lại nhiều niềm vui lớn cho tuổi thơ. Đêm Trung Thu, dưới ánh sáng lung linh huyền ảo của chị Hằng, các em thực sự được sống trong một không gian văn hoá, trong thế giới trẻ thơ kỳ diệu và trong trẻo của mình... Đây là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam mà không nhiều quốc gia trên thế giới có được.
Như vậy, tết Trung Thu, với những giá trị văn hóa cao đẹp, đã góp phần làm nên điệu hồn dân tộc, bản sắc văn hóa của người Việt. Giữ gìn và phát huy vẻ đẹp thuần hậu, nguyên sơ của tết Trung thu trong bối cảnh toàn cầu hoá, công nghiệp hoá, hiện đại hoá là việc làm cần thiết và có ý nghĩa hiện nay.
[1] Hữu Ngọc (cb): Từ điển văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nxb Thế giới, H, 1995, tr. 581 – 582.
[2] Trần Quốc Vượng: Văn hoá Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học, H, 2003, tr206.
Quang Hoa