Thể chế lãnh đạo trong phát triển kỹ thuật số
Tổ lãnh đạo an ninh mạng và tin học hóa Trung ương được thiết lập và sau đó được nâng cấp thành Ủy ban an ninh mạng và tin học hóa Trung ương với mục tiêu chiến lược là đưa Trung Quốc từng bước phát triển thành cường quốc kỹ thuật số, trong đó có những định hướng công tác quan trọng sau đây.
Một là, tin học hóa-số hóa nhất thể hóa với công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ có tiến hành công nghiệp hóa kiểu mới, trong đó lấy sự hợp nhất tin học hóa – công nghiệp hóa làm trục chính mới có thể nâng cấp, nâng tầm tiến trình công nghiệp hóa. Theo đó, Trung Quốc phấn đấu kiến tạo một hệ thống sinh thái ngành nghề liên quan đến Internet mang các đặc điểm là thông minh, mang tính phục vụ, hài hòa; nỗ lực tích hợp sâu rộng các thành tựu của lĩnh vực mạng internet vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu suất, đổi mới tổ chức và tăng cường sức sống của nền kinh tế thực thể, từ đó hình thành nên một đời sống kinh tế - xã hội mới với mạng internet đóng vai trò là cơ sở hạ tầng kỹ thuật và yếu tố sáng tạo quan trọng, phấn đấu hình thành cục diện phát triển gắn kết kinh tế mạng và kinh tế thực thể.
Tiếp đó, đến “Quy hoạch tin học hóa quốc gia lần thứ 14” được Ủy ban an ninh mạng và tin học hóa Trung ương ấn hành cuối năm 2021, tiến trình tin học hóa được nhận định là đã bước vào giai đoạn phát triển mới là đẩy nhanh phát triển số hóa, xây dựng Trung Quốc số hóa. Quy hoạch này lấy việc đẩy nhanh phát triển số hóa làm trọng điểm, phát huy vai trò lôi cuốn dẫn dắt của tin học hóa-số hóa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của công nghiệp hóa kiểu mới, đô thị hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, tăng tốc xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa, lấy việc đẩy sâu cải cách mang tính kết cấu trọng cung làm trục chính, giải phóng và phát triển thêm một bước đối với sức sản xuất số hóa, tăng tốc cục diện phát triển mới lấy tuần hoàn lớn trong nước làm chủ thể, tuần hoàn kép trong nước và ngoài nước thúc đẩy lẫn nhau.
Hai là, quốc tế hóa các tiêu chuẩn công nghệ nội địa. Kế hoạch “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” khởi xướng vào năm 2015 là một kênh quan trọng để Trung Quốc quốc tế hóa các tiêu chuẩn công nghệ, công nghiệp nội địa ra toàn cầu. Một phương thức phổ biến trong đó là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại các quốc gia tiếp nhận viện trợ thường có điều kiện ràng buộc về việc mua sắm công nghệ của công ty Trung Quốc và tích hợp hệ thống theo chuẩn công nghệ của Trung Quốc. Tiếp đó, Chương trình “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” ban hành cuối năm 2020 tập trung vào các công nghệ mới nổi như công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và hướng tới mục tiêu quốc tế hóa hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, lấy đó làm cơ sở để thúc đẩy thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu đối với các công nghệ thế hệ tiếp theo. Các tập đoàn công nghệ trụ cột của Trung Quốc đóng vai trò tiên phong trong quá trình thiết lập tiêu chuẩn công nghệ nội địa của Trung Quốc ra khu vực, quốc tế và toàn cầu.
Thể chế lãnh đạo trong phát triển công nghệ lưỡng dụng quân dân sự
Trung Quốc đề cao đổi mới sáng tạo khoa học kỹ thuật và sự phối kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng quân sự và dân sự trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng như một chiến lược quốc gia, dựa vào kỹ thuật dân dụng nhằm đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa quốc gia và tăng cường sức mạnh quốc gia nói chung, trong đó có hiện đại hóa quốc phòng và tăng cường sức mạnh quốc phòng.
Về cơ cấu lãnh đạo chiến lược, Bộ Chính trị ĐCSTQ thiết lập Ủy ban phát triển hợp nhất quân sự dân sự Trung ương do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình làm Chủ nhiệm. Đây là cơ quan quyết sách và điều phối ở cấp trung ương đối với các vấn đề phát triển hợp nhất quân sự và dân sự trọng đại, lãnh đạo thống nhất sự phát triển hợp nhất quân sự dân sự ở chiều sâu, hoạch định phát triển đối với lĩnh vực công nghiệp khoa học kỹ thuật quốc phòng.
Về cơ cấu tham mưu, Ủy ban chiến lược phát triển công nghiệp khoa học kỹ thuật quốc phòng Trung Quốc tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, lãnh đạo đơn vị, chuyên gia liên quan, tận dụng triệt để lực lượng và tài nguyên của lực lượng quân đội tại các địa bàn khác nhau, thông qua giao lưu, trao đổi và tham vấn, nghiên cứu để sự nghiệp phát triển cải cách và sáng tạo kỹ thuật công nghiệp quốc phòng của nước này được tiếp thêm sức mạnh từ bên ngoài.
Về cơ cấu nghiệp vụ, để gia tăng tốc độ chuyển hóa thành quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật vào sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường và nhu cầu quốc phòng, Trung Quốc xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo trong ngành chế tạo, trong đó đi đầu là các trung tâm đổi mới sáng tạo cấp quốc gia. Các trung tâm này đóng vai trò là mắt khâu chuyên môn quan trọng trong phát triển các công nghệ cao có thể chuyển giao hai chiều dân dụng và quốc phòng.
Về mặt cơ chế chính sách chung, chính phủ Trung Quốc đầu tư mạnh tay vào các công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân, thúc đẩy việc giảm bớt các rào cản giữa hai nhóm công ty này, nhấn mạnh sự hợp nhất quân sự và dân sự. Quy trình, thủ tục liên quan được đơn giản hóa, quy định liên quan đến giấy phép đối với hoạt động phát triển và sản xuất vũ khí, thiết bị quân sự được nới lỏng nhằm tạo điều kiện cho các công ty tư nhân tham gia dễ dàng hơn vào lĩnh vực quốc phòng.
Về chính sách tài chính, chính quyền đầu tư nguồn tài chính lớn, đồng thời cũng đảm bảo yếu tố đầu vào thị trường được duy trì ở một mức cao.2 Cấp quốc gia có một loạt quỹ đầu tư với số vốn hàng tỷ USD, cấp địa phương cũng thành lập các quỹ hỗ trợ nâng cấp sản xuất công nghiệp tại địa bàn. Đặc điểm khá tương đồng của các quỹ trên là chính quyền cố gắng định hướng, đầu tư số vốn mang tính mào đầu khơi dòng, dẫn dắt các nhà đầu tư thị trường, chứ không lấy chức năng hỗ trợ vốn làm chức năng chính.
Nhận xét chung về một số thể chế lãnh đạo đặc sắc Trung Quốc trong phát triển khoa học kỹ thuật cao
Các thể chế lãnh đạo trong phát triển khoa học kỹ thuật cao của Trung Quốc mang tính đặc thù quốc gia nhằm đáp ứng xu thế chung của cách mạng công nghiệp 4.0 được thiết lập và triển khai bài bản, đồng bộ, có trọng điểm, được hỗ trợ bởi nguồn lực tài chính lớn. Các thể chế này cho thấy Trung Quốc lấy kỹ thuật số, công nghệ cao và mới nổi, nâng tầm sức mạnh quốc gia và sức mạnh quốc phòng làm mũi nhọn và trọng điểm để đầu tư phát triển. Đây là các thể chế tập quyền, được lãnh đạo cấp cao nhất điều hành để dẫn dắt phát triển khoa học kỹ thuật phục vụ đại chiến lược “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Các thể chế tập trung quyền lực này được hậu thuẫn bởi nguồn nhân lực hùng hậu và nguồn tài lực dồi dào tích lũy từ hàng thập kỷ cải cách mở cửa, và có khả năng huy động nhanh chóng các nguồn lực nhà nước, xã hội và thị trường trong quán triệt triển khai hiện thực hóa các chiến lược.
Dưới sự định hướng của các thể chế lãnh đạo, lĩnh vực khoa học kỹ thuật cao đã và đang đạt được những bước tiến đột phá, vượt bậc, nâng tầm Trung Quốc từ vị thế nước đi sau thành nước đón đầu xu thế công nghệ. Khoa học kỹ thuật cao đang ngày càng chiếm vai trò nền tảng, then chốt đối với sức mạnh quốc gia và sức mạnh quốc phòng của Trung Quốc trong đại chiến lược phục hưng Trung Hoa và trong xu thế công nghệ 4.0. Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp, thậm chí vượt siêu cường Mỹ và tiên phong ở một số lĩnh vực.
Một số kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam
Thực tiễn Trung Quốc gợi mở một số kinh nghiệm tham khảo cho công cuộc phát triển khoa học kỹ thuật cao của Việt Nam hiện nay.
Một là, cần hướng tới một cấu trúc kinh tế-xã hội mới, trong đó mạng internet, mạng tin học-số hóa đóng vai trò là cơ sở hạ tầng kỹ thuật và yếu tố sáng tạo đóng vai trò là động lực chủ công. Ngành chế tạo thông minh cần được định vị là trụ cột quan trọng trong công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Hai là, cần kiến tạo một đầu mối thể chế chiến lược đủ sức bao quát, điều phối và dẫn dắt tiến trình khoa học kỹ thuật quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ba là, tập trung đầu tư bồi dưỡng để thực sự gây dựng nên một số doanh nghiệp công nghệ cao chủ lực có vị thế quốc tế trên cơ sở hoạch định và nâng cấp một số tập đoàn công nghệ và viễn thông hiện có.
Bốn là, chú trọng phát triển các công nghệ hướng lưỡng dụng quân sự dân sự, trong đó bao gồm các công nghệ phục vụ tác chiến điện tử, đồng thời cần cân nhắc thiết lập bài bản hệ thống thể chế, cơ chế, mô hình, các kênh chuyển giao và ứng dụng công nghệ lưỡng dụng.
Năm là, chú trọng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao nhằm từng bước thoát ly vị thế của nước gia công công nghệ và ngày càng tăng cường được sự tự chủ công nghệ cao và sức lan tỏa sâu rộng về mặt kinh tế - xã hội của nó./.
-------------------------------------------------------------
Chú thích:
1. Qxzh.zj.cn, “高举中国特色社会主义伟大旗帜 为全面建设社会主义现代化国家而团结奋斗” 报告[Báo cáo “Giương cao ngọn cờ vĩ đại CNXH đặc sắc Trung Quốc đoàn kết phấn đấu xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”] do ông Tập Cận Bình đại diện Trung ương ĐCSTQ khóa 19 trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào sáng ngày 16/10/2022,http://www.qxzh.zj.cn/art/2022/10/17/art_1229430981_58917280.html, truy cập ngày 17/10/2022.
2. David Blair , The race to upgrade China's manufacturing, China Daily, http://www.chinadaily.com.cn/business/2017-06/19/content_29792809.htm, 19/06/2017
TS Phan Duy Quang