Trong kho tàng văn học của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, dân ca của đồng bào Mông, mà điển hình là trường ca “Tiếng hát làm dâu”, đã trở thành một trong những di sản nghệ thuật phản ánh sinh động lịch sử và hiện thực cuộc sống tộc người, trong đó diễn tả vô cùng sâu sắc nỗi niềm và khát vọng của thân phận người phụ nữ trên những ngọn núi cao.
Thiếu nữ Mông bên khung dệt. Ảnh: soha
“Tiếng hát làm dâu” (Gầu Ua nhéng – Gâux Uô nhangs) là một bản trường ca kể về câu chuyện cuộc đời làm dâu của người phụ nữ Mông trong xã hội cũ. Đó là cuộc đời đầy khổ đau ai oán, thiếu tình yêu, thiếu tự do và bị áp chế trong những hủ tục từ ngoài cộng đồng cho đến trong gia đình. Những người phụ nữ ví mình như thân trâu ngựa, quanh năm bị kìm hãm như nô lệ, chỉ có tiếng hát và khát vọng là thoát được ra ngoài trùng trùng những dãy núi cao.
“Tiếng hát làm dâu” được chia ra thành những chương đoạn nội dung khá mạch lạc, thể hiện diễn biến sự việc và nội tâm nhân vật. Trường ca truyền tải sự ngỡ ngàng của người con gái Mông khi bị ép gả về nhà chồng:
Em đang ở nhà em không biết
Nhà trai sang la liệt dù, ô
Dù, ô đã ngoắc cột nhà
Thế là thành vợ, thế là làm dâu[1]
Trong xã hội phụ quyền, phụ nữ bị coi như một thứ “tài sản” để gả bán, trao đổi:
Mẹ bảo : đã nhận tiền của họ,
Mày không đi cha sả thịt mày
Đã xơi cơm rượu nhà người,
Không đi, cha sẽ cầm roi đuổi mày !
Chiếc roi đồng ngang trời vun vút,
Đuổi con đi để được bạc tiền
Để rồi người con gái tan vỡ mọi ước mơ, đối diện với hiện thực phũ phàng tủi nhục của phận làm dâu chẳng khác gì trâu ngựa. Họ thậm chí nghĩ đến cái chết để giải phóng cho mình:
Như con trâu nặng nề đeo ách,
Như thân trâu măng buộc cọc tre ;
Kéo cày từ sớm đến khuya,
Phận làm dâu chẳng có mùa nghỉ ngơi.
Chỉ có thác: ve trời lột xác,
Chết đi thì thoát ách trâu măng.
Xác ve mình nhẹ lâng lâng,
Trâu măng tuột sẹo tâng tâng băng rừng
Làm dâu nhưng người phụ nữ lại không có được tổ ốm, không có được cuộc sống vợ chồng theo đúng nghĩa, mà chỉ vật vờ như bóng ma ghé cửa nhà chồng:
Tết, người ta vui chơi nhảy múa
Không lứa đôi, tủi hổ khóc than
Lẻ loi đơn chiếc cũng buồn
Như thân gái goá cày nương không bờ.
Phận làm dâu gả bán, nên chịu nhiều ghẻ lạnh, áp bức của nhà chồng, người phụ nữ thấy thân phận mình chẳng khác nào “Kiếp làm dâu xưa, ôi tù tại gia”:
Ta như gậy đuổi lợn hoang
Nhà chồng coi rẻ chẳng màng chẳng chăm.
Chim cu lượn trăm vòng bên núi,
Cả nhà chồng hắt hủi, thương đâu
Tuổi xuân đượm những đớn đau
Buồn da héo thịt làm dâu nhà người.
Thân phận bị đọa đày đến mức có lúc người phụ nữ đã tìm cách chạy trốn, nhưng rồi bị bắt lại:
Ba trăm roi bật máu trào thịt da.
Chạy chẳng thoát người ta cột chặt
Gậy họ phang họ đập kinh người
Tưởng chừng đã chết đến nơi
Thân nàng dâu mới rã rời đớn đau.
Tuyệt vọng khi cảm thấy cuộc sống không còn lối thoát, người phụ nữ từng nghĩ đến việc tự kết thúc sự sống, để khỏi chịu đọa đày của địa ngục thể xác và tinh thần:
Này đây lá ngón bên bờ
Làm cho một nắm, nuốt cho xong đời.
Sâu thẳm trong cõi lòng của người con gái Mông là ước vọng về một tình yêu hạnh phúc trong thế giới tươi đẹp, nơi những tình cảm thiêng liêng nhất của con người được trân trọng. Nhưng hiện thực nghiệt ngã như đang vùi dập ước vọng ấy:
Hỡi bạn tình,một phương ta chết
Mẹ cha thương: một huyệt chôn chung
Gà có đôi. Rồng có Rồng
Hẹn anh...lối cõi trời trong em chờ...
“Tiếng hát làm dâu” như tiếng lòng đầy thương cảm cho thân phận con người và thái độ lên án xã hội cũ đầy mãnh liệt. Những người phụ nữ Mông nói riêng, những người phụ nữ vùng cao nói chung, có lẽ chỉ có thể mượn tiếng hát của mình vươn ra khỏi núi non cao vút, gửi gắm ước vọng bình dị mà da diết, đó là cuộc đời được cảm nhận niềm vui chốn “có hoa ban, hoa mơ” mỗi độ xuân về, nơi có “bạn tình” hò hẹn lứa đôi, được tự do yêu thương, tự do lựa chọn hạnh phúc, có cuộc sống của một con người, không bị đọa đày như kiếp ngựa trâu. Giữa cõi u tối của rừng núi thẳm sâu, tiếng hát – tiếng lòng ấy cứ vương vất, như khát vọng con người muốn vượt thoát khỏi ngục tù số phận.
Giá trị nghệ thuật của “Tiếng hát làm dâu” nằm ở tính biểu cảm sâu sắc. Từng câu, từng chữ đều thấm đẫm cảm xúc của nhân vật, qua đó để lại ấn tượng mạnh đối với người đọc, người nghe. Đọc và nghe trường ca “Tiếng hát làm dâu” cũng là một lần hóa thân vào nhân vật để cảm nhận những số phận con người, đầy cảm thương và day dứt.
Ngày nay, trên những bản làng Mông ven sườn núi cao, “Tiếng hát làm dâu” cất lên như đã vơi đi rất nhiều ai oán, có lẽ bởi nó đã trở thành một thứ di sản mà người ta muốn truyền đạt lại theo tinh thần văn hóa tộc người, thay vì những tiếng hát cất lên từ thân phận những “nàng dâu” của cuộc đời cũ. Những điều tốt đẹp hôm nay đang đến để những hủ tục, những thói tật xưa cũ như dần lùi xa, dường như đã khỏa lấp phần nào nỗi niềm "làm dâu". “Tiếng hát làm dâu”, di sản văn học quy báu, vì vậy, vẫn là khúc ca bi tráng, nhắc nhở con người không ngừng khát khao, hy vọng, không ngừng theo đuổi quyền được sống như một con người, quyền được hạnh phúc và giải phóng khỏi mọi khổ đau.
[1] Bài viết sử dụng bản dịch của Nguyễn Khôi.
Trần Thơ