33 năm trước, từ một quốc gia thiếu lương thực triền miên, “chạy ăn từng bữa”, Việt Nam bỗng vươn lên đứng vào top các quốc gia xuất khẩu lương thực của thế giới. Thành tích thần kỳ đó là kết quả của đường lối đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, bắt nguồn từ cơ sở thực tiễn và một trong số đó là chính sách “Tam nông” của tỉnh An Giang
Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975), thực hiện chủ trương của Đảng về cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở miền Nam, để chuẩn bị cho tiến trình tập thể hóa, các tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và vận động ở các cấp, xây dựng thí điểm các tổ đoàn kết sản xuất. Từ tháng 10/1978, hầu hết các tỉnh phá Nam bắt đầu tổ chức các tập đoàn sản xuất và các hợp tác xã trên diện rộng. Quá trình này đượ thực hiện theo kiểu gò ép, mệnh lệnh. Là địa bàn có tới 70% là trung nông, nên quá trình thực hiện hợp tác hóa đã làm quan hệ ruộng đất bị xáo trộn nghiêm trọng, không đem lại hiệu quả mà còn nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong nông thôn. Từ năm 1976 đến năm 1980, tổng sản lượng lương thực hằng năm tăng không kịp mức tăng dân số. Bình quân đầu người giảm từ 211kg (năm 1976) xuống còn 157kg (năm 1980).
Trên cơ sở tổng kết cách khoán của Hải Phòng và một số địa phương, ngày 13/1/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW Cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp. Bản Chỉ thị chỉ vỏn vẹn có 10 trang đánh máy, nhưng ý nghĩa lịch sử của nó thật lớn lao: Nó liên quan đến vận mệnh của hàng chục triệu nông dân, liên quan đến cái dạ dày của cả dân tộc Việt Nam. Mười trang giấy đó cũng chính là sự tích tụ bao nhiêu những trăn trở, những tìm tòi suốt hàng chục năm của nhiều cán bộ tâm huyết từ Trung ương tới địa phương[1]. Từ năm 1981 về sau, sản lượng lương thực tăng mỗi năm thêm một triệu tấn. Đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, hợp tác xã là đơn vị giao khoán cho các hộ vẫn nắm những khâu chủ yếu trong sản xuất, xã viên nhận khoán chỉ thực hiện các khâu: trồng cấy, chăm sóc, thu hoạch và giao nộp sản phẩm. Mức khoán không ổn định theo hướng tăng lên. Từ những năm 1984-1985 trở đi, nhiều nông dân thấy mức khoán cao quá nên không nhận ruộng nữa. Người lao động không phấn khởi, hăng hái sản xuất. Đến những năm 1986-1987, sản xuất nông nghiệp bắt đầu sa sút. Cơ chế khoán cũ không còn sức kích thích đối với sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, cần phải có sự điều chỉnh, cải tiến cho phù hợp.
Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ IV (tháng 10/1986) đã nghiêm túc đánh giá tình hình và đề ra các chủ trương, biện pháp để tháo gỡ những ách tắc trong nông nghiệp. Đảng bộ tỉnh An Giang xác định nông nghiệp là nền tảng, là mặt trận hàng đầu. Trên mặt trận đó, nông dân là chủ thể của quá trình đổi mới, nông thôn là địa bàn chiến lược.
Là một trong những địa phương sớm tìm tòi tháo gỡ khó khăn với chính sách “mua cao, bán cao” trong thu mua lúa gạo đầu thập kỷ 80, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, An Giang quyết định phải đưa ruộng đất và máy móc nông nghiệp về cho từng hộ nông dân.
Người nông dân vui mừng với những mùa lúa bội thu (Ảnh: Internet)
Sang năm 1987, Tỉnh ủy ra Nghị quyết khẳng định chủ trương giao đất ruộng và đất núi hoang hóa cho nông dân. Đầu năm 1988, An Giang chủ trương tiến hành giao ruộng đất ổn định và lâu dài cho nông dân, cho phép chuyển nhượng, kế thừa hoa lợi và thành quả lao động, giải quyết những bất hợp lý trong quá trình cải tạo nông nghiệp trên nguyên tắc thỏa thuận nội bộ nông dân, tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ổn định và lâu dài.
Chủ trương trên được thể hiện trong Nghị quyết bổ sung số 06 về tình hình kinh tế, xã hội năm 1988 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang như sau:
“Khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân như Luật Đất đai quy định nhưng phải giao cho nông dân quyền sử dụng lâu dài, được phép sang nhượng, kế thừa huê lợi và thành quả lao động trên đất đó; song không được bao chiếm hoặc cho mướn theo kiểu bóc lột. Việc giải quyết đất dai phải ổn định và theo hướng phát trển sản xuất hàng hóa, thúc đẩy quá trình sãn xuất nông nghiệp trong tỉnh đi lên, bằng nhiều biện pháp: Kinh tế, giáo dục vận động và hành chính, đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả, giữ vững đoàn kết nông thôn. Cụ thể:
- Đất đai đã được chia cấp bao gồm đất tịch thu của địa chủ, Việt gian, đất của nhà thờ, chù chiền; đất “nhường cơm sẻ áo”… đang được sử dụng có hiệu quả phải giữ nguyên canh để ổn định sản xuất.
- Tiếp tục thu hồi các loại đất bao chiếm, đất sử dụng không hiệu quả của các nông trường, lâm trường quốc doanh, của cơ quan đơn vị các ngành, các cấp, kể cả quân sự và công an… ưu tiên cấp cho những người sử dụng cũ.
- Nghiêm cấm buôn bán đất đai, nhưng cho phép nông dân sang nhượng huê lợi và thành quả lao động trên ruộng đất đang sản xuất. Vận động những người được cấp đất nhưng không phải làm ruộng là chính và sản xuất hiệu quả kém, nhượng lại cho người sản xuất hiệu quả hơn, dưới sự hướng dẫn của chính quyền địa phương.
- Các trường hợp tranh chấp đất đai phải được giải quyết chủ yếu bằng con đường thỏa thuận tự giác giữa đôi bên và các bên liên quan, sau đó chính quyền công nhận và cấp giấy sử dụng lâu dài. Nếu không thương lượng được thì ủy ban nhân dân tỉnh sẽ hướng dẫn cách giải quyết theo Luật đất đai và đúng theo các quan điểm của Tỉnh ủy đối với các trường hợp cụ thể.
- Trên diện đất quy hoạch chuyển vụ, người đang canh tác được quyền chọn trước để sản xuất theo khả năng, không hạn chế diện tích. Số đất còn lại được quyền chuyển sang nhượng (huê lợi và thành quả lao động) cho người khác. Thuế được tính theo chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đối với những người khai hoang chuyển vụ[2].
Thu hoạch lúa tại đồng bằng Nam Bộ (Ảnh: TTXVN)
Thực hiện đường lối đổi mới được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) đề ra, từ thực tiễn phát triển kinh tế nông nghiệp, Đảng phải đề ra chủ trương đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp một cách triệt để. Trong bối cảnh đó, nhằm triệt để giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển và đảm bảo lợi ích của người lao động, ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị Khóa VI ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.
Nghị quyết ban hành nhằm triệt để giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển và bảo đảm lợi ích của người lao động. Cùng với việc đề cập đổi mới toàn diện nền nông nghiệp, Nghị quyết nhấn mạnh: “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm đến nhóm và hộ xã viên, đến người lao động và đến tổ đội sản xuất tùy theo điều kiện của ngành nghề cụ thể ở từng nơi, gắn kế hoạch sản xuất với kế hoạch phân phối từ đầu. Trong trồng trọt, về cơ bản khoán đến hộ hoặc nhóm hộ xã viên… Trong ngành trồng trọt, phải điều chỉnh diện tích giao khoán, khắc phục tình trạng phân chia ruộng đất manh mún hiện nay, bảo đảm cho người nhận khoán canh tác trên diện tích có quy mô thích hợp và ổn định trong khoảng 15 năm”[3].
Nghị quyết của Đảng đã chính thức giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho các hộ nông dân trong 15 năm. Hộ nông dân có quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh trên ruộng đất được giao và trở thành đơn vị kinh tế tự chủ.
Nghị quyết 10 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Với Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, lần đầu tiên Đảng thừa nhận hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, người nông dân được trao quyền sử dụng đất và mức khoán tương đối lâu dài. Người nông dân vô cùng phấn khởi, đầu tư công sức, tiền của vào sản xuất, tạo đà thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nhất là trồng trọt cây lương thực phát triển nhảy vọt.
Năm 1989, Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trầm trọng đã giải quyết được đủ lương thực cho toàn xã hội, có dư để xuất khẩu được 1,4 triệu tấn, đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo sau Thái Lan và Hoa Kỳ.
Tiếp nối tư duy đổi mới, phát triển bền vững nông nghiệp, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết nhận được sự hưởng ứng đặc biệt của các tầng lớp nhân dân, được triển khai đã nhanh chóng đi vào cuộc sống của người dân, tạo kết quả nổi bật trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Từ 1989 đến nay, nông nghiệp Việt Nam phát triển nhanh, toàn diện, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho đất nước trong mọi tình huống như: khủng hoảng tài chính ở khu vực (năm 1997) và khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ 2008, và trong bối cảnh dịch bệnh, tình hình thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay.
Hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã vươn lên đứng vị trí thứ 2 thế giới, sau Thái Lan. Năm 2021, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lần đầu tiên lập kỷ lục, đạt 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra[4]. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch covid-19 ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, song xuất khẩu gạo đã có một năm thành công khi xuất khẩu 6,24 triệu tấn, thu về gần 3,29 tỷ USD, giá xuất khẩu tăng thêm 5,5% so với năm 2020[5].
Nhìn lại lịch sử, những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về sản xuất nông nghiệp ra đời trên cơ sở tổng kết thực tiễn sáng tạo của các Đảng bộ và nhân dân các địa phương. Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp của Bộ Chính trị năm 1988 là kết quả những tìm tòi, khảo nghiệm thực tế của nhiều địa phương, trong đó tiêu biểu là An Giang, đã mang lại những mùa vàng bội thu cho đất nước.
Minh Phương
[1] Đặng Phong: “Phá rào” trong kinh tế vào đêm trước đổi mới, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2014, trang 245-246
[2] Đỗ Hoài Nam-Đặng Phong (chủ biên): Những bước đột phá của An Giang trên chặng đường đổi mới kinh tế, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006, tr 150-151.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 49, tr.111-112
[4] https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/nam-2021-nganh-nong-nghiep-dat-duoc-ket-qua-an-tuong-680278/
[5] https://baodautu.vn/xuat-khau-gao-can-dich-thanh-cong-d159669.html#:~:text=S%E1%BA%A3n%20l%C6%B0%E1%BB%A3ng%20l%C3%BAa%20n%C4%83m%202021,526%2C8%20USD%2Ft%E1%BA%A5n.