Các nước châu Phi nhập khẩu từ Nga chủ yếu là lúa mì, ngũ cốc hay các loại khoáng sản như nhiên liệu, hóa chất, khí đốt. Ngược lại, Nga chủ yếu nhập khẩu từ châu Phi các loại nông sản.
Kể từ sau cuộc xung đột xảy ra vấn đề an ninh lương thực cũng đã trở thành vấn đề đáng lo ngại cho châu Phi nói riêng và toàn cầu nói chung, nên Nga hiểu rằng các nước châu Phi cũng sẽ rất cần đến phân bón và ngũ cốc của mình vì an ninh lương thực cũng là một phần quan trọng trong việc đảm bảo ổn định chính trị. Vì thế sản lượng lương thực của Nga xuất sang châu Phi đang ngày càng tăng. Các cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở châu Phi cũng có thể mang đến cho Nga rất nhiều lợi ích, như là các cảng biển ở Bắc Phi hay các sân bay; các nước châu Phi không tham gia cấm vận Nga nên Nga hoàn toàn tự do tiếp cận các cảng biển hay cơ sở hạ tầng thương mại ở châu lục này. Nga rất muốn phát triển thương mại với các nước châu Phi nhằm duy trì mục đích kinh tế chung cũng như mong muốn các nước châu Phi tham gia vào quá trình phi Đô-la Mỹ hóa, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế châu Phi vào đồng tiền này.
Ngoại trưởng Nga Lavrov trong một chuyến thăm Châu Phi
Đầu tư của Nga chiếm một con số rất nhỏ so với một số quốc gia khác ở châu Âu hay Mỹ và Trung Quốc. Hầu hết số tiền đầu tư của Nga được dành cho việc khai thác tài nguyên và năng lượng. Các khoản viện trợ của Nga thường được thực hiện thông qua việc xóa nợ hoặc đóng góp cho nạn nhân của các khủng hoảng nhân đạo.
Về năng lượng, thông qua các dự án xây dựng các nhà máy năng lượng với sự trợ giúp từ Nga có thể cung cấp điện cho các khu vực thiếu điện, tiêu biểu có thể kể đến nhà máy điện hạt nhân El Dabaa tại Ai Cập. “Ngoại giao năng lượng” được đánh giá là phương pháp tiếp cận hiệu quả của Nga với châu Phi – nơi mà nguồn cung điện không đủ hoặc không ổn định. Thông qua Rosatom – tập đoàn năng lượng hạt nhân của Nga, Nga đã ký kết thỏa thuận hợp tác hạt nhân với khoảng 18 quốc gia châu Phi. Nhu cầu sử dụng điện của châu Phi thì ngày căng tăng và công nghệ của Nga thì cũng ngày càng phát triển. Dẫu cho chịu nhiều lệnh cấm vận từ phương Tây, Nga vẫn là một nền kinh tế mạnh khi không bị các lệnh trừng phạt khuất phục cùng với vị thế địa chính trị mạnh mẽ trên thế giới. Với châu Phi, nơi các quốc gia thường gặp phải những vấn đề bất ổn về an ninh, kinh tế thì những cam kết hỗ trợ về kinh tế, thương mại, viện trợ và lương thực từ Nga cùng với khả năng cung cấp những thiết bị quân sự hiện đại và sự đảm bảo về chính trị là “chìa khóa” mà bất kỳ quốc gia nào cũng muốn có được.
Mới đây, Nga đã giành quyền tiếp cận hai cảng biển quan trọng tại Angola và Eritrea góp phần thúc đẩy giao thương với khu vực. Bên cạnh đó, Nga cam kết sẽ cung cấp miễn phí hàng trăm nghìn tấn phân bón giúp các quốc gia châu Phi phát triển nông nghiệp.
Tại hội nghị Thượng đỉnh Nga – châu Phi lần thứ hai (2023), hai bên đã thảo luận về vấn đề cung cấp lương thực, phân bón, đồng thời đề xuất viện trợ lương thực cho các nước châu Phi. Song song với Hội nghị Thượng đỉnh là Diễn đàn kinh tế và nhân đạo Nga-châu Phi. Các bên tập trung thảo luận và ký kết các thỏa thuận, hợp đồng kinh tế. Nga cam kết cung cấp lương thực, phân bón, các nguồn năng lượng và dự án thúc đẩy phát triển quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ lương thực nhân đạo cho 6 quốc gia châu Phi khó khăn nhất. Những cam kết đó không chỉ giúp giải quyết khó khăn về kinh tế, xã hội mà còn góp phần bảo đảm chủ quyền của các quốc gia châu Phi.
Tổng thống Nga Putin tại Hội nghị cấp cao Nga - Châu Phi năm 2023
Để bảo đảm hoạt động kinh tế, thương mại, hạn chế tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, hai bên thống nhất sử dụng đồng tiền quốc gia; thiết lập các hành lang logistics và các trung tâm trung chuyển nông sản, hàng hóa. Việc tiếp cận cảng biển tại những quốc gia ven Biển Đỏ như Ai Cập, Sudan, Eritoria có ý nghĩa quan trọng với lợi ích của Nga. Nga đã triển khai hơn 30 dự án năng lượng chung tại 16 quốc gia châu Phi[1]; kim ngạch thương mại song phương đạt 18 tỷ USD trong năm 2022, góp phần giúp kinh tế Nga giảm thiểu các tác động từ các lệnh trừng phạt. Đây là cơ sở, nền tảng cho quan hệ kinh tế hai chiều lâu dài giữa Nga và châu Phi.
Về quốc phòng - an ninh, Nga luôn là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất cho lục địa đen trong vòng hơn một thập kỷ qua, và hơn 20% tổng doanh thu xuất khẩu vũ khí của Nga là hướng tới thị trường châu Phi, trong đó tiêu biểu là Ai Cập và Algeria[2]. Những loại vũ khí này bao gồm xe tăng, máy bay chiến đấu, tàu chiến, máy bay trực thăng, tên lửa và một số loại vũ khí khác. Việc mua vũ khí từ Nga thu hút các quốc gia châu Phi không chỉ bởi vì giá cả rẻ hơn của các nước phương Tây, mà còn bởi vì việc mua bán đó không kèm theo các yêu cầu về quyền quản trị hoặc các hành động nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của bản thân các quốc gia châu Phi.
Không chỉ nằm ở vũ khí quân sự, sự hiện diện quân sự của Nga ở châu châu Phi còn thể hiện ở công ty quân sự tư nhân Wagner. Lực lượng này ngày mở rộng ở châu Phi như Sudan, Mozambique, Cộng hòa Trung Phi, Mali, Libya và Madagascar… Tập đoàn này đã khai thác sự bất bình chính đáng ở một số quốc gia đối với phương Tây như tại Burkina Faso hay Mali, chính phủ các nước này quay sang tìm đến sự hỗ trợ của Wagner. Qua việc giúp đỡ các chính phủ châu Phi dẹp loạn, tập đoàn Wagner được hưởng lợi từ cơ hội tiếp cận và khai thác khoáng sản và năng lượng tại châu lục này, như việc Nga có thể tiếp cận vàng ở Sudan và kim cương ở Cộng hòa Trung Phi[3]. Sự bất ổn ngày càng diễn biến phức tạp tại khu vực Sahel và tinh thần chống phương Tây ngày càng tăng đã giúp cho ảnh hưởng của Nga gia tăng tại khu vực này. Các quan chức quốc phòng Nga gần đây cũng đã có cuộc gặp với các quan chức Niger để thảo luận về vấn đề hợp tác an ninh sau khi chính phủ mới ra lệnh cho quân đội Pháp phải rời đi. Trong bối cảnh tâm lý chống thực dân ngày càng tăng ở châu Phi và sự thất vọng của người dân về sự thiếu hiệu quả trong việc chống lại các nhóm khủng bố tự xưng, Niger là quốc gia thứ ba ở khu vực Sahel tìm kiếm sự hỗ trợ của Nga, sau Mali và Burkina Faso. Kể từ sau cái chết của người đứng đầu tập đoàn quân sự Wagner, Nga đã bắt đầu thành lập quân đoàn châu Phi để thay thế các đơn vị của công ty quân sự tư nhân Wagner đang hoạt động trên lục địa này. Về bản chất, quân đoàn châu Phi được tạo thành từ sự tham gia từ các đơn vị cũ của Wagner.
Có thể thấy, Nga tiếp tục làm sâu sắc quan hệ với các đối tác châu Phi, tham gia nhiều hơn vào giải quyết vấn đề khu vực từ các “điểm nóng” xung đột tới các thách thức an ninh lương thực, năng lượng, duy trì vị thế cường quốc số 1 trong hợp tác quân sự với các nước châu Phi. Nga coi quan hệ các nước châu Phi là mắt xích quan trọng trong việc xây dựng trật tự quốc tế mới, chủ động tăng cường quan hệ với các nước châu Phi để đáp trả sự ngăn chặn bao vây chiến lược của phương Tây. Gia tăng can dự tại châu Phi thời gian qua nhằm gia tăng ảnh hưởng, vận động sự ủng hộ với Nga tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc; tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại, mở rộng thị trường trong bối cảnh bị phương Tây gia tăng bao vây, cấm vận; từng bước khôi phục vị thế cường quốc của Nga trên trường quốc tế.
Ở chiều ngược lại, Nga là đối tác mang lại những lợi ích đa dạng nhất trên nhiều lĩnh vực cho các quốc gia châu Phi cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh - quốc phòng, lương thực,… vừa là nhu cầu thiết yếu cũng như là mong muốn của các quốc gia châu Phi trong việc phát triển đất nước và cân bằng quan hệ với các cường quốc. Duy trì mối quan hệ tốt với Nga mang đến cho các quốc gia châu Phi nguồn cung lương thực và năng lực dồi dào cũng như sự đảm bảo ổn định chính trị, là nhu cầu bức thiết của nhiều nước châu Phi, đặc biệt là những quốc gia thường xảy ra các cuộc đảo chính hay bất ổn chính trị.
Cho đến nay, cả Nga và các quốc gia châu Phi đều muốn duy trì hợp tác với nhau để đạt được những mục đích cùng có lợi. Nhưng duy trì và phát triển mối quan hệ này thì cũng gặp vô vàn những thách thức.
Từ phía Nga, khó khăn đầu tiên với họ, đó chính là vấn đề kinh tế - tài chính, điều mà Nga chưa thể đáp ứng châu Phi bằng các nước phương Tây trong khi đây lại là thứ rất được các quốc gia châu Phi mong chờ. Điều đó khiến cho điều kiện để sử dụng vốn, nguồn lực đầu tư để hỗ trợ cho các nước châu Phi là một điều khó khăn.
Đối với các nước châu Phi, thách thức với họ có lẽ chính là việc cân bằng mối quan hệ giữa Nga với phương Tây và các đồng minh của phương Tây. Hầu hết các nước châu Phi đều có tư duy kinh tế thực dụng vì thế rất khó để họ đánh đổi lợi ích to lớn về kinh tế mà họ được hưởng lợi từ phương Tây để ngả về Nga. Chưa kể rằng tình hình bất ổn và biến đổi liên tục tại châu Phi đôi lúc có thể dẫn tới tình hình thay đổi theo hướng bất lợi dành cho Nga.
Chính vì vậy, khắc phục những khó khăn, thách thức nói trên để tiếp tục duy trì và phát huy ảnh hưởng của Nga ở châu lục này trong thời gian tới là điều không dễ dàng.
Lê Tình
[1] https://nhandan.vn/giai-doan-moi-trong-hop-tac-nga-chau-phi-post767030.html
[2] TADVISER (2023), “Экспорт российских вооружений”, https://www.tadviser.ru/index.php/Статья:Экспорт_российских_вооружений
[3] РИА НОВОСТИ (2023), “Судан и Россия обсуждают добычу золота и редкоземельных металлов”, https://ria.ru/20230703/sudan-1881814643.h