Châu Phi được coi là châu lục có sự phát triển chậm nhất trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên không vì thế lục địa này không có tiềm năng phát triển cũng như sức hấp dẫn của nó. Những năm vừa qua, tất cả các cường quốc đều tăng cường quan hệ của mình đối với lục địa đen và Nga cũng không phải là một ngoại lệ
Sự hấp dẫn của châu Phi
Với diện tích chiếm 1/5 toàn cầu, dân số hơn 1,4 tỷ người, châu Phi thực sự là một thị trường khổng lồ đầy tiềm năng. Về khoáng sản, châu Phi sở hữu hơn 30% trữ lượng tài nguyên thiên nhiên thế giới, trong đó có những khoáng sản quan trọng đối với phát triển công nghiệp và công nghệ cao.Về năng lượng, châu Phi giàu cả năng lượng không tái tạo như dầu mỏ, khí đốt, than và năng lượng tái tạo như sinh khối, năng lượng mặt trời, gió.
Đầu những năm 2000, châu Phi từng bị coi là “châu lục tuyệt vọng” với nạn đói, sự hoành hành của thiên tai, dịch bệnh và xung đột bạo lực. Nhưng hiện nay, nền kinh tế châu Phi đang đứng trước cơ hội bùng nổ lớn, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 54 quốc gia tại đây tăng gấp rưỡi trong một thập kỷ qua.
Các nhà kinh tế dự báo trong 10 năm tới, châu Phi sẽ phát triển nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới và có thể sẽ đảm trách động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nửa sau thế kỷ này. Liên hợp quốc dự báo, dân số châu Phi sẽ tăng gấp hai lần vào năm 2050, chiếm 1/4 dân số toàn cầu. Đến năm 2050, chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp châu Phi dự kiến sẽ đạt khoảng 16 nghìn tỷ USD.
Về chính trị, tiếng nói của châu Phi tại các diễn đàn toàn cầu có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh đó, mức độ ảnh hưởng của châu Phi cũng ngày càng được mở rộng tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, nhờ sở hữu số lượng phiếu ủng hộ lớn[1], cũng như nhận được sự quan tâm của các nước và cộng đồng quốc tế trong việc tranh thủ hợp tác, vận động ủng hộ với các sáng kiến, chương trình nghị sự. 54 quốc gia châu Phi cũng chính là 54 lá phiếu tại Liên hợp quốc, tương đương tới 28% số phiếu tại tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này. Đó là chưa kể, theo thông lệ, châu Phi có 3 trong số 15 ghế không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Người biểu tình Niger vẫy cờ Nga và cờ Niger, ngày 30/7/2023
Với những lợi thế trên, châu Phi có sức hút lớn với bất cứ đối tác nào. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, châu Phi đang chứng kiến sự cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng lớn giữa các cường quốc, trong đó có Nga.
Chính sách của Nga đối với châu Phi từ khi xảy ra xung đột với Ukraine đến nay
Trên cơ sở mối quan hệ ngoại giao thiết lập từ thời Liên Xô, hầu hết các nước châu Phi đều có quan hệ hữu nghị truyền thống với Nga. Mối quan hệ này xuất phát từ cơ sở hợp tác phát triển kinh tế, đồng thời những quan điểm chung về các vấn đề khu vực, quốc tế cũng như sự dè chừng của họ với các nước phương Tây.
Từ khi trở lại nắm quyền vào năm 2012 với đường lối và chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán, Tổng thống Putin đã khởi động mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự với các đồng minh châu Phi trước đây. Đặc biệt, từ năm 2022, khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine, vai trò của châu Phi trong chính sách đối ngoại của Nga càng được nâng cao, trở thành ưu tiên trong gia tăng ảnh hưởng chiến lược của Nga, để đối phó với những khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây gây ra.
Về chính trị, ngoại giao, không lâu sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào 24/02/2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tổ chức cuộc bỏ phiếu về vấn đề này. Khoảng một nửa số quốc gia châu Phi ở thời điểm đó đã đưa ra quan điểm phản đối hành động của Nga, bao gồm cả một số quốc gia có tiếng nói tại châu lục này như Ai Cập, Nigeria,.. Ngược lại, vẫn có nhiều nước bỏ phiếu trắng như Nam Phi, Algeria… và chỉ có Eritrea là quốc gia châu Phi duy nhất bỏ phiếu chống lại nghị quyết này[2]. Sự chia rẽ trong việc tìm kiếm tiếng nói chung giữa các nước châu Phi vào thời điểm đó về vấn đề Nga – Ukraine đã minh họa cho sự thay đổi dần dần về bản chất của mối quan hệ giữa Nga với châu Phi.
Tuy vậy, trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Liên nghị viện quốc tế Nga - châu Phi lần thứ hai, diễn ra tại Thủ đô Moscow (Nga) vào tháng 3/2022, Tổng thống Nga Valadimir Putin tiếp tục khẳng định châu Phi là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có chuyến công du đến 10 quốc gia châu Phi, cho thấy tầm quan trọng của châu lục này trong chính sách đối ngoại của Nga.
Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo một số quốc gia châu Phi tại Hội nghị cấp cao Nga- Châu Phi lần thứ hai, tháng 7/2023
Tính đến nay, Liên Hợp Quốc đã tổ chức sáu cuộc bỏ phiếu liên quan đến cuộc xung đột. Sau sáu lần bỏ phiếu, tỉ lệ các quốc gia châu Phi bỏ phiếu đi ngược với lợi ích của Nga ngày càng tăng; trong đó có 6 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ cả sáu lần và 19 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ ít nhất ba lần. Một số quốc gia đã bỏ phiếu trắng hoặc phản đối trong sáu lần bỏ phiếu như Mali, Sudan hay Cộng hòa Trung Phi – những nhà lãnh đạo của các quốc gia này đều thiếu tính hợp pháp chính trị nhưng đã nắm được quyền lực nhờ vũ khí và sự ủng hộ của lính đánh thuê Nga. Một số quốc gia bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu như Algeria, Angola, Mozambique, Zimbabwe,… – giới lãnh đạo và tinh hoa của những nước này đều có quan hệ chặt chẽ và hưởng lợi dưới sự bảo vệ chính trị của Nga. Nhóm những quốc gia như Nam Phi, Maroc, Namibia lại muốn giữ vị trí trung lập truyền thống không liên kết của họ.
Mặc dù sự ủng hộ Nga bị suy giảm, song kết quả của cuộc bỏ phiếu đầu tiên tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có thể coi là một chiến thắng biểu tượng khi Nga có thể cho phương Tây thấy rằng Nga không hề bị cô lập như những gì mà phương Tây mong muốn. Sự ủng hộ không nhỏ của các nước châu Phi dành cho Nga có thể đến từ việc Nga luôn theo đuổi quan điểm ủng hộ một thế giới đa cực, nơi mà việc áp đặt các lý tưởng phương Tây bị phản đối và quan điểm của các quốc gia được thể hiện bình đẳng.
Ngoài kết quả của các cuộc bỏ phiếu ở Liên Hợp Quốc, thể hiện sự ủng hộ của người dân các quốc gia châu Phi với Nga cũng không giống nhau. Một số nước thể hiện quan điểm trung lập, một số quốc gia khác, tỷ lệ ủng hộ nước Nga của người dân tương đối khả quan, ít nhất là hơn mức trung bình so với một số cường quốc khác. Điều này cũng xuất phát từ việc Nga luôn là quốc gia phản đối chính sách áp đặt của phương Tây, cũng như việc Nga không có những hành động can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia tại lục địa này.
Chính sách ngoại giao này của Nga tại châu Phi, cộng với di sản để lại từ thời Liên Xô giúp cho Nga nhận được thiện chí không nhỏ không chỉ từ các nhà lãnh đạo mà còn là nhân dân các nước châu Phi. Tiêu biểu như trong cuộc đảo chính tại Niger (2023), hay biểu tình tại Burkina Faso; người dân tại những quốc gia này đã vẫy cờ Nga trên đường phố.
Hiện tại, các khoản đầu tư, viện trợ, tài chính của Nga dành cho châu Phi là không lớn so với một số quốc gia châu Âu khác nhưng những gì nước này mang lại về mặt chính trị, quân sự đã giúp Nga mở rộng thêm ảnh hưởng tại lục địa đen. Hiện Nga là đối tác quan trọng với các nước châu Phi giúp họ có thêm khả năng hành động và lên tiếng với các quốc gia phương Tây. Do đó, rất ít quốc gia có hành động làm ngơ hoặc gây bất hòa với Nga. Tuy nhiên, không có nhiều nước sẵn sàng hoàn toàn ủng hộ Nga một cách vô điều kiện, điều đó có thể chứng minh thông qua sáu lần bỏ phiếu tại Liên hợp quốc về xung đột Nga – Ukraine.
Tháng 07/2023 hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Nga và các quốc gia châu Phi đã diễn ra ở thành phố St. Petersburg, Nga với sự tham dự của 49 đoàn đại biểu trên tổng số 54 quốc gia châu Phi và 17 nguyên thủ, so với 43 nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào năm 2019, đây có lẽ là một dấu hiệu cho thấy sự thận trọng của các quốc gia châu Phi kể từ sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra.
Tuy vậy, Hội nghị đã kết thúc tốt đẹp với một bản tuyên bố chung vào ngày 29/07/2023, quyết định nhiều vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài cho khung khổ quan hệ Nga-châu Phi, trước những biến động phức tạp của thế giới và khu vực. Đó là, tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 năm/lần và tổ chức hội nghị nghị viện quốc tế thường niên; thông qua Kế hoạch hành động chung của Diễn đàn đối tác Nga-châu Phi giai đoạn 2023-2026.
Về kinh tế - thương mại, hợp tác song phương được ưu tiên thúc đẩy, đạt được nhiều kết quả tích cực. Nga không phải là đối tác hàng đầu đối với các quốc gia châu Phi, nhưng Nga vẫn đang dần củng cố và đa dạng các lĩnh vực trong mối quan hệ giữa hai bên. Nga đã cung cấp 11,5 triệu tấn ngũ cốc cho châu Phi trong năm 2022 và gần 10 triệu tấn chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023[3]. Trong Hội nghị thượng đỉnh Nga – châu Phi năm 2023, hai bên đã cam kết nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại xứng với tiềm năng. Nga đã tuyên bố sẵn sàng cung cấp ngũ cốc miễn phí cho các quốc gia nghèo ở châu Phi cũng như quyết định xóa nợ 23 tỷ USD cho các nước châu Phi[4].
[1] Tại Liên hợp quốc, châu Phi là khu vực có tỷ lệ % số phiếu cao nhất với 28% tổng số phiếu. Tiếp theo là châu Á và châu Mỹ lần lượt với 27% và 17%
[2] UNITED NATIONS (2022), “Aggression against Ukraine : resolution / adopted by the General Assembly”, https://digitallibrary.un.org/record/3959039?ln=en
[3] https://nhandan.vn/moi-quan-he-doi-ben-cung-co-loi-nga-chau-phi-post764753.html
[4] TACC (2023), “Путин заявил, что Россия списала Африке долги на сумму $23 млрд”, https://tass.ru/ekonomika/18390127