Hồ Chí Minh là Người đầu tiên vinh danh nghề giáo, đặt người thầy vào vị trí được tôn trọng, cao quý nhất của xã hội. Muốn đạt được sứ mệnh vẻ vang ấy, người giáo viên phải nhận thức được mình không phải là gõ đầu trẻ kiếm cơm mà là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ. Người nhấn mạnh người giáo viên là: “cán bộ chuyên môn, có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng. Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn”[1]. Do đó, người giáo viên phải tăng cường trau dồi đạo đức cách mạng, không ngừng rèn luyện chuyên môn, phải là tấm gương sáng để học sinh noi theo, phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm, phải thương yêu chắm sóc học sinh như con em ruột thịt của mình, phải thật sự yêu nghề, yêu trường, không ngừng học hỏi để tiến bộ mãi. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, mỗi thầy giáo, cô giáo là những chiến sỹ trên mặt trận đó.
Đối với người làm công tác quản lý giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ họ phải nhận thức đúng tầm quan trọng của giáo dục, coi giáo dục là sự nghiệp của quần chúng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Trong công tác quản lý giáo dục, Người chỉ rõ phải đi sâu vào việc điều tra nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm; chủ trương phải cụ thể, thiết thực, đúng đắn; kết hợp chặt chẽ chủ trương chính sách của Trung ương với tình hình thực tế và kinh nghiệm qúy báu và phong phú của quần chúng, của cán bộ và của địa phương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với học sinh Trường Trưng Vương, Hà Nội năm 1956 (Ảnh tư liệu)
Đối với học sinh, trong thư gửi học sinh ngày khai trường tháng 9/1945, bên cạnh việc đề cao vai trò của học sinh, Bác khích lệ học sinh chăm chỉ học tập để làm rạng rỡ cho nước nhà: "Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em"[2].
Giáo dục - đào tạo phải chú ý nội dung, phương pháp và phong cách dạy học, gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành
Mục tiêu của nền giáo dục Việt Nam là phải đào tạo ra những con người vừa hồng, vừa chuyên, vừa có đức, vừa có tài: “Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”.[3]
Ngày 21/10/1964, trong bài nói chuyện tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội, Hồ Chí Minh nhấn mạnh những nội dung cốt yếu trong giảng dạy và học tập: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng, một dạ phục vụ nhân dân”.[4] Để thực hiện được mục tiêu giáo dục đó, Người cho rằng nhà trường và thầy giáo phải dạy cho học sinh các nội dung giáo dục như thể dục, trí dục, mỹ dục và đức dục. Bên cạnh những nội dung giáo dục đó, Người cho rằng ngành giáo dục cần phải thực hiện tốt phương châm, phương pháp giáo dục-đào tạo. Trong phương châm, phương pháp giáo dục, Hồ Chí Minh chỉ rõ phải phải thực hiện 3 nội dung: Một là, kết hợp học với hành, lý luận liên hệ với thực tiễn. Triết lý giáo dục này được Hồ Chí Minh khẳng định là học đi với lao động, lý luận đi với thực hành, cần cù đi với tiết kiệm. Khi đến nói chuyện với giáo viên, học sinh Trường Đại học sư phạm Hà Nội (ngày 21/10/1964), Người nói: “Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”.[5]
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô 1/5 tại Hà Nội năm 1963 (Ảnh tư liệu)
Người phê phán lối học gạo, học vẹt, học mà không hành, chỉ biết lý luận suông mà không thực hành là trí thức một nửa. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở lý luận phải liên hệ với thực tế, học đi đôi với hành. Lý luận là những điều được tổng kết từ thực tiễn nhưng lý luận chỉ là lý luận suông nếu nó không được thâm nhập trở lại vào thực tiễn. Hai là, nhà trường gắn liền với gia đình và xã hội. Xuất phát từ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Hồ Chí mInh cho rằng giáo dục-đào tạo là sự nghiệp của toàn dân, do đó, Người đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Chỉ khi nhà trường, gia đình và xã hội cùng nhau phụ trách việc giáo dục-đào tạo thì kết quả của sự nghiệp giáo dục mới hoàn thành: “Giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”.[6]
Ba là, học tập là công việc suốt đời của mỗi người. Với tinh thần học, học nữa, học mãi, Hồ Chí Minh nhấn mạnh học tập là một việc phải tiếp tục suốt đời: “học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời…Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi, thế giới ngày nay đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ. Cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến kịp nhân dân”[7]. Trong suốt những năm (1954-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm các cơ sở ở Trung ương và địa phương khoảng 700 lần và ở bất kỳ đâu, gặp bất cứ đối tượng nào, Người cũng căn dặn phải học tập để nâng cao trình độ, biết được nhiều và phục vụ được tốt.
Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục-đào tạo, trong gần 40 năm đổi mới (1986-2024), dưới sự lãnh đạo của Đảng, giáo dục Việt Nam đã có nhiều thay đổi, phát triển cả về quy mô và chất lượng. Phổ cập giáo dục từ tiểu học cho đến bậc trung học đã được triển khai và đạt được những thành quả nhất định. Việt Nam hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ I năm 2014; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010: “Chỉ tiêu về đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trên toàn quốc cho trẻ 5 tuổi đã hoàn thành ngay từ đầu năm 2017 với tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,98%. Cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó có 18/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ; cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, trong đó có 19/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 2, mức độ 3...”[8].
Năm 2020, giáo dục Việt Nam đạt được nhiều thành tựu; nhiều chỉ số giáo dục được đánh giá cao trong khu vực như “tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN; năm 2019, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018; có 4 cơ sở giáo dục đại học được vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu châu Á;…”[9].
Năm 2021, theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục (được công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới; có 9 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất toàn cầu năm 2024-2025 gồm: Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Huế và Trường Đại học Cần Thơ. Xếp hạng của US News & World Report chú trọng vào uy tín và thành tích khoa học của cơ sở giáo dục đại học và cơ sở được đánh giá, xếp hạng[10].
Minh Dương
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr 516.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr 34-35.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr 345.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr 400.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr 402.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr 591.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr 377.
[8] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/9-thanh-tuu-va-5-han-che-cua-nganh-giao-duc-708724.html, truy cập ngày 25/10/2021.
[9] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/9-thanh-tuu-va-5-han-che-cua-nganh-giao-duc-708724.html, truy cập ngày 25/10/2021.