Sau 20 năm tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố quốc tế, thậm chí xem nó là đối tượng tác chiến của quân lực USA trong suốt 15 năm (2003-2018), đầu năm 2021 nước Mỹ buộc phải tuyên bố rút quân khỏi Afganistan, như một sự thừa nhận thất bại. Thiệt hại vật chất khổng lồ và sa sút quyền lực quốc tế không thể phủ nhận - đây là vấn đề thứ nhất sẽ tiếp tục làm khổ sở các chính quyền của siêu cường Mỹ.
Cuộc khủng hoảng 2008, khởi phát từ nền tài chính - tiền tệ Mỹ đã trở thành cuộc đổ vỡ kinh tế - xã hội toàn thế giới, báo hiệu sự phá sản của mô hình phát triển duy kinh tế, loại trừ lẫn nhau mà siêu cường Mỹ là quán quân trong suốt nhiều thập kỷ. Đến nay, thế giới thấy rõ Mỹ chưa đủ năng lực đưa ra một phương án thay thế khả dĩ cho mô hình đã hết thời tồn tại. Đây là vấn đề thứ hai, thách thức nhiều chính quyền Mỹ phía trước, nếu vẫn muốn ở vai trò dẫn đường (leading).
Trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, nước Mỹ hiện hình như một phức thể bị chia cắt, thậm chí đối lập nhau đáng lo ngại. Cuộc bầu cử không phải là nguyên nhân, mà chỉ là cái cớ. Nguyên nhân nằm sâu trong cơ thể kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị… Mỹ đang bộc lộ không ít lỗi cấu trúc. Những lỗi này, cần nhiều nhiệm kỳ chính quyền mới giải quyết nổi.
Chính quyền Biden thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc
Cuối cùng, là cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Phải nói đầy đủ rằng, sớm nhất là Richard Nixon, Henry Kissinger… cách đây hơn 50 năm chính là những đầu óc sớm nhận thức, cảnh báo và đưa ra đối sách trước “nguy cơ” Trung Quốc. Các chính quyền sau đó đều tiếp tục và góp phần làm cho đối sách Mỹ phong phú hơn. Nhưng, càng ngày Trung Quốc càng trỗi dậy, khiến chính quyền Donald Trump ra đòn phũ phàng nhưng không giấu nổi sự bế tắc. Hồ sơ Trung Quốc, một chính quyền kế nhiệm ở Mỹ hoàn toàn không đủ để tiếp cận, xử lý. Điều duy nhất đúng mà trong 100 ngày qua chính quyền Biden làm được là đã xếp Trung Quốc, mặc dù chỉ là một quốc gia, vào danh sách 8 vấn đề mang tầm vóc toàn cầu như các trọng điểm mà nền đối ngoại Mỹ phải đương đầu, bên cạnh các vấn đề lớn như: biến đổi khí hậu, dịch bệnh, dân chủ, cạnh tranh công nghệ, kinh tế, đồng minh và đối tác…
Trong bối cảnh này, chính quyền Biden trong 100 ngày đầu tiên không thể làm gì hơn là nêu các ý tưởng về chính sách mới; còn triển khai hành động cụ thể thì rất dè dặt, mang tính tượng trưng. Thậm chí, cũng đã rất khó khăn trong kiện toàn nhân sự cho các vị trí then chốt và không thật nhất quán trong các tuyên bố ở tầm cương lĩnh, đường lối.
Thế giới vẫn phải tiếp tục quan sát, chờ đợi… Không thể khác hơn, chính vì thế giới ngày nay phức tạp hơn nhiều so với mọi đầu óc của các chính trị gia !
Minh Trí