Đã 100 ngày chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bắt đầu, thế giới bắt đầu cảm nhận rõ ràng những tác động của cuộc chiến đến tình hình kinh tế, chính trị. Riêng thị trường năng lượng bị tác động nhiều nhất bởi các lệnh cấm vận của phương Tây đang áp đặt lên Moskva.
Trước xung đột, Nga với trữ lượng khí tự nhiên khổng lồ là một trong những nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất toàn cầu. Nước này cũng trở thành nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Ả Rập Xê-út, với sản lượng 11,3 triệu thùng một ngày, chủ yếu đến từ các vùng Đông Siberia, Yamal và Tatarstan.
Trong số 98 triệu thùng dầu (bao gồm dầu thô và các sản phẩm tinh chế) di chuyển trên thế giới hàng ngày, 7,5 triệu thùng đến từ Nga qua các đường ống và vận chuyển trên tàu. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới khác bao gồm Canada, Iraq, UAE, Nigeria, Kuwait, Kazakhstan và Na Uy, theo Investopedia.
Trong số các nhà xuất khẩu kể trên, Mỹ, Ả-rập Xê-út, Kuwait chủ yếu cung cấp dầu cho các nước châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc); còn Nga, Kazakhstan, Na Uy chủ yếu cung cấp cho thị trường châu Âu, theo trang dữ liệu kinh tế OEC.
Nhưng đó là trước khi chiến sự Ukraine xảy ra.
Dòng chảy năng lượng gián đoạn
Các nước nhập khẩu năng lượng EU từ lâu đã lo ngại việc họ quá phụ thuộc vào dầu khí của Nga, dễ bị gây áp lực trên bàn đàm phán khi nguồn cung năng lượng bị đem ra “vũ khí hóa”.
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine xảy ra vào đúng thời điểm thị trường năng lượng toàn cầu thiếu nguồn cung nghiêm trọng do ảnh hưởng từ trước của dịchCOVID-19 và các tác động khi kinh tế nỗ lực phục hồi. Điều này càng khiến những nhà tiêu thụ năng lượng rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Một mặt, họ nỗ lực tìm cách đưa ra các biện pháp trừng phạt nhắm vào kinh tế Nga để thể hiện sự phản đối chắc chắn đối với cuộc chiến, mặt khác, họ phải cân nhắc thận trọng vì điều này có thể giống như “tự lấy đá ném vào chân mình”.
Các nước buộc phải nghĩ đến những phương hướng thực dụng hơn – điều đã khiến phản ứng của phương Tây có sự khác biệt. Trong khi những nước không phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga đẩy mạnh các lệnh trừng phạt, những nước còn lại hoặc vẫn trừng phạt trong khi tìm giải pháp thay thế cho số dầu khí bị thiếu hụt, hoặc từ chối việc ngừng nhập khẩu từ nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Ngay sau khi xung đột nổ ra, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và những nước không phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga như Canada đã dừng hoặc cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga. Trong khi đó một số quốc gia như Anh, nơi nhu cầu nhập khẩu dầu Nga chiếm 8% nhu cầu, dự định làm tương tự vào cuối năm nay. Đức, một trong những nhà nhập khẩu năng lượng hàng đầu của Nga, tuyên bố đã cắt giảm được lượng nhập khẩu từ Nga còn 12% dầu, 8% than và 35% khí đốt tự nhiên, dự định hoàn toàn không phụ thuộc vào dầu thô Nga vào mùa hè sang năm. Cũng có những nước như Ba Lan và Bulgari, và mới đây nhất là Hà Lan, đã bị Moskva cắt nguồn cung năng lượng. Các nước này đang tìm kiếm giải pháp thay thế, dù một trong những giải pháp đó là mua khí đốt Nga từ Đức.
Vấn đề cắt giảm hoặc chấm dứt nhập khẩu năng lượng từ Nga ngay sau khi xung đột Ukraine diễn ra đã được các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đưa ra thảo luận. Tuy nhiên các thành viên EU không tìm được tiếng nói chung bởi họ cần dầu và khí đốt của Nga để duy trì nền kinh tế vốn đang suy thoái.
Sau thời gian tranh cãi nãy lửa, các nhà lãnh đạo EU hôm 30/5 đã thông qua lệnh cấm đối với hoạt động nhập khẩu dầu dầu của Nga bằng đường biển, song loại trừ nguồn cung dầu từ đường ống.
"Lệnh cấm được đưa ra ngay lập tức này được áp đặt với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, cắt giảm nguồn tài chính khổng lồ của Nga. Tạo nên áp lực tối đa đối với Moskva để kết thúc chiến tranh", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói.
Lệnh cấm vận đối với dầu mỏ là một phần trong gói trừng phạt thứ sáu của EU đối với Nga. Danh sách gói trừng phạt mới này cũng bao gồm việc loại Sberbank - ngân hàng lớn nhất của Nga, khỏi hệ thống SWIFT và các cá nhân, thực thể có liên quan đến hoạt động quân sự tại Ukraine.
Trong tình hình này, các lái buôn khó tìm được người mua dầu Nga ở thị trường truyền thống.
Ảnh hưởng đến bản đồ năng lượng thế giới
Chia sẻ trên The Economist, chuyên gia năng lượng Mỹ Daniel Yergin dự đoán vai trò “cường quốc năng lượng” của Nga sẽ bị ảnh hưởng sau xung đột. “Dù họ vẫn là nhà cung cấp quan trọng, mức độ đó sẽ thay đổi”.
Trước mắt, rất khó để thay thế nguồn năng lượng từ Nga ngay lập tức. Hiện chưa rõ các lệnh cấm mới của châu Âu với dầu Nga (có hiệu lực 6 tháng) sẽ có tác động lâu dài như thế nào, song giá dầu thế giới đã chứng kiến những đợt tăng phi mã lên mức cao nhất trong 8 năm và giá khí đốt có thời điểm tăng 40%. Những lo ngại về sự cạnh tranh cũng được đặt ra, khi các nước nhận dầu qua đường ống sẽ được hưởng giá thấp hơn các nước dùng dầu chuyển qua đường tàu.
Theo chuyên gia, kịch bản có thể xảy ra là lượng khí đốt bán ra của Nga sang châu Âu sẽ sụt giảm trong vòng 5 năm tới, các bên tìm cách đa dạng hóa cả đầu vào lẫn đầu ra cho sản phẩm năng lượng của mình. Dòng chảy năng lượng cũng sẽ chuyển hướng ít nhiều.
Nhưng những thay đổi này sẽ không diễn ra dễ dàng.
Đối với châu Âu, họ sẽ muốn đẩy mạnh xây dựng hệ thống năng lượng tái tạo, các nhà máy năng lượng hạt nhân. Bên cạnh đó tìm đến những nhà cung cấp mới như Mỹ, Na Uy, Iraq, hoặc mua lại dầu lẫn nhau từ các nước nội khối như một giải pháp tình thế.
Tuy nhiên, nếu mua dầu và khí đốt tự nhiên từ Nga có chi phí sản xuất thấp và được vận chuyển bằng đường ống, thì mua dầu Mỹ sẽ là lựa chọn đắt đỏ hơn với châu Âu. Các công ty châu Âu sẽ phải trả thêm 1,5 USD mỗi nghìn feet khối (28,3 mét khối) - tức từ 30 đến 50% chi phí - để có một tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng đi từ vịnh Mexico đến châu Âu. Sau đó con tàu phải trống không quay về, tổng cộng 24 ngày vận chuyển.
Các nhà sản xuất năng lượng vốn trong quá khứ không thường cung cấp cho thị trường châu Âu cũng có thể chưa kịp mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu mới, trong khi họ vẫn phải duy trì các thị trường truyền thống ở châu Á.
Sự chuyển đổi sang năng lượng xanh, dù đã thực hiện từ trước cuộc xung đột, cũng không thể chỉ trong một sớm một chiều có thể hoàn thành. Và trong khi thế giới đã mất hai năm gồng mình đi qua đại dịch, cần tạo đà để lấy sức bật trở lại “bình thường mới” hơn lúc nào hết, một sự hy sinh và gắng gượng khác để đối lấy tự lực về năng lượng có thể là quá sức.
Hơn nữa, việc mở rộng quy mô năng lượng tái tạo cũng là một đề xuất hướng đến hiệu quả dài hạn, phức tạp bởi các vấn đề chuỗi cung ứng và tranh chấp môi trường. Giá năng lượng tái tạo trên toàn thế giới, sau gần hai thập kỷ giảm, đã tăng lên trong năm qua, và châu Âu không có nhiều cơ hội để nhanh chóng bổ sung thêm khách hàng cho ngành này.
Chuyên gia Washington Post chỉ ra Tây Ban Nha như một ví dụ về những trở ngại về quy định tác động đến quá trình chuyển đổi sang các dạng năng lượng khác. Có hệ thống điện mặt trời hơn 70 gigawatt đang chờ được triển khai ở nước này, nhưng quá trình khởi động và vận hành hệ thống đang diễn ra với tốc độ ì ạch, khi mới chỉ 20% trong số những công trình năng lượng mặt trời xây dựng ở đây xin được giấy phép.
Đối với Nga, họ đương nhiên vẫn sẽ cố gắng duy trì quy mô thị trường bằng cách tăng cung cấp các mặt hàng năng lượng cho Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Á. Trung Quốc, điểm đến của 20% dầu Nga xuất khẩu, và Ấn Độ, nhập khẩu 3% dầu từ Nga vào năm ngoái, đã tăng cường mua dầu thô Nga trong thời gian gần đây. Xuất khẩu dầu Nga sang Ấn Độ đã tăng gấp 25 lần so với trung bình năm 2021. Bên cạnh đó, Nhật Bản, dù cấm dầu thô Nga, vẫn nhập dầu từ dự án Sakhalin-1, nơi công ty Nhật Bản Sodeco có cổ phần.
Tuy nhiên, để làm được điều này như một cách thay thế thị trường châu Âu triệt để, Nga cũng phải đối mặt với những thách thức khác, khi chuyển xuất khẩu từ Tây sang Đông. Sắp xếp vận chuyển, cạnh tranh về giá, đàm phán các thỏa thuận không liên quan đến đồng USD... sẽ là những rào cản lớn.
Nhà cung cấp mới, đường ống mới
Algeria từ lâu đã là một “người chơi” có vai trò khá lớn trong xuất khẩu dầu khí toàn cầu. Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu lại càng mở rộng lối vào thị trường cho quốc gia Bắc Phi. Thủ tướng Italia Mario Draghi đã bay đến Algiers trong tháng này để ký một thỏa thuận tăng cường nhập khẩu khí đốt 40% từ Algeria, thông qua đường ống chưa được khai thác nhiều bên dưới Địa Trung Hải.
Và các nước châu Âu cũng có thể tìm đến những nhà cung cấp đáng tin cậy hơn (nhưng đắt hơn) như Qatar.
Nhưng dù theo kịch bản nào, những tháng tiếp theo sẽ vẫn là thời gian khó khăn cho châu Âu, vì tác động của tình trạng giá tăng trên thế giới. Hiện tại, thị trường châu Âu chỉ còn cách “chắp vá” để đáp ứng nhu cầu tạm thời. Italy tìm đến Algeria, Bulgaria quay sang Hy Lạp, Ba Lan quay sang phát triển kế hoạch mở rộng dài hạn nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng, nhập khẩu và một đường ống từ Na Uy.
Tuy nhiên trong nỗ lực giảm phụ thuộc năng lượng vào nguồn Nga, EU cũng kỳ vọng vào những hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới. Đường ống có tên Kết nối khí đốt Hy Lạp-Bulgari trị giá 240 triệu euro mới đây đã hoàn thành trong tháng 4, được thử nghiệm đồng thời và dự kiến đi vào hoạt động thương mại từ tháng 6.
Đường ống sẽ vận chuyển 3 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm và có khả năng mở rộng lên 5 tỷ mét khối, được cấp vốn hoạt động từ Bulgari, Hy Lạp, EU đồng thời nhận được ủng hộ chính trị mạnh mẽ của Mỹ và EU. Dự kiến cũng có thêm 8 đường ống kết nối lẫn nhau có thể được xây dựng tại Đông Âu.
Trong khi đó, Gazprom Nga cho biết sẽ sử dụng năng lực vận chuyển của tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đoạn chạy trên đất liền để phục vụ thị trường trong nước, trong bối cạnh đoạn chạy ngầm dưới biển chưa thể đưa vào sử dụng. Nord Stream 2 là tuyến đường ống khí đốt quy mô, có mức đầu tư lên tới trên 11 tỷ USD, ban đầu nhằm chuyển khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic.
Trung Quốc, dường như muốn tiếp tục tăng nhập khẩu dầu Nga, đã có kế hoạch mở rộng hệ thống đường ống trị giá hơn 1.000 tỷ USD đến năm 2025.
Cuối cùng, dòng chảy năng lượng thế giới sẽ đổi hướng. Dù vậy, xung đột Ukraine kéo dài sẽ khiến các bên chịu thiệt hại trong quá trình chuyển đổi với nhiều diễn biến bất ngờ này.
Nguồn: vtc.vn