Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay đã có kết quả một cách nhanh chóng và không "nghẹt thở" như các dự đoán trước đó. Kết quả kiểm phiếu ngày 5/11 cho thấy, ông Trump đã chiến thắng với 295 phiếu đại cử tri, thắng áp đảo tại 7 bang chiến trường, trong đó có Wisconsin, North Carolina, Georgia, Pennsylvania. Đây là các bang mà trước đó đảng Dân chủ đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Ứng cử viên Donald Trump và đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng vang dội khi đảng này giành được quyền kiểm soát Thượng viện và có thể là cả Hạ viện. Tuy nhiên, đây lại là sự thất bại của Phó Tổng thống Kamala Harris và đảng Dân chủ.
Phát biểu trước người ủng hộ tại Đại học Howard ở thủ đô Washington ngày 6/11, Phó Tổng thống Kamala Harris đã thừa nhận thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vừa qua, đồng thời cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho chính quyền mới.
Thất bại của bà Harris đánh dấu lần thứ hai trong 3 chu kỳ bầu cử mà đảng Dân chủ giới thiệu một ứng cử viên tổng thống là nữ với hy vọng tạo nên lịch sử đã không thành khi cả 2 lần đều thua đối thủ Donald Trump.
Có thể kể đến một số lý do chính khiến bà Harris thất bại nhanh chóng.
Một là, thời gian tranh cử quá ngắn và các đề xuất chính sách của bà không rõ ràng. Sau khi Tổng thống Joe Biden quyết định dừng cuộc đua vào Nhà Trắng, bà Harris đã được chọn là ứng cử viên đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc đua này. Như vậy, bà Harris chỉ bắt đầu chiến dịch tranh cử từ tháng 8, đồng nghĩa với việc chỉ có 100 ngày để cho cử tri Mỹ thấy được bà là người xứng đáng trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo.
Thời gian vận động tranh cử của bà Harris ngắn nhất trong lịch sử chính trị hiện đại của Mỹ, do đó, để giành được tín nhiệm của cử tri Mỹ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, chưa muốn nói là bất khả thi.
Hơn nữa, sự thay đổi từ ông Biden sang bà Harris khiến bà được coi là một ứng cử viên của một "sự tình cờ". Bà Harris đã thừa hưởng vai trò này vào phút chót nhờ màn trình diễn lộn xộn của ông Biden trong cuộc tranh luận đầu tiên với ông Trump vào ngày 27/6.
Mặc dù đảm nhiệm cương vị phó tổng thống, bà không phải là nhân vật nổi tiếng đối với công chúng Mỹ, đặc biệt là khi so sánh với ông Trump. Trong khi đó, ông Trump đã có hẳn 8 năm (bao gồm 4 năm trong nhiệm kỳ tổng thống 2016-2020) và 4 năm sau này để quảng bá về mình.
Điều quan trọng là trong chiến dịch vận động tranh cử, bà Harris đã không đưa ra được các đề xuất chính sách cụ thể, thực tế với người Mỹ, nhất là trong bối cảnh cử tri Mỹ đang thất vọng về cách điều hành của chính quyền Tổng thống Biden. Một nhà báo của Telegraph đánh giá, các đề xuất mà bà Harris đưa ra thiếu thực chất, không khác gì "ai cũng được, miễn không phải là Trump".
Báo US Today còn bình luận rằng, bà Harris tự coi mình là "thế hệ lãnh đạo mới" có tầm nhìn xa của nước Mỹ, nhưng những gì mà bà thể hiện vừa qua cho thấy bà vẫn trung thành với Tổng thống Biden, ngay cả khi người Mỹ đã tỏ rõ rằng họ không chấp nhận cách xử lý của chính quyền Biden về các vấn đề liên quan lạm phát và di cư ở biên giới phía Nam. Thậm chí, bà Harris còn phải "vật lộn" để giải thích bà sẽ làm gì khác với Tổng thống Biden.
Các chuyên gia đánh giá, bà Harris đã không thể hiện được mình sẽ là người sẽ tìm ra giải pháp, chứ không phải là "chiến tranh chính trị" để giải quyết các quan ngại của nước Mỹ. Chính điều này đã khiến cho "bức tường xanh" của đảng Dân chủ sụp đổ ở đa số bang chiến trường mà trước đó đảng Dân chủ vẫn chiếm ưu thế.
Hai là, tập trung quá nhiều vào việc công kích ông Trump thay vì các mục tiêu cốt lõi mà cử tri Mỹ quan tâm: Ngay từ khi bắt đầu, bà Harris đã cố gắng biến cuộc đua vào Nhà Trắng thành cuộc trưng cầu dân ý về Trump. Trong những tuần cuối của chiến dịch tranh cử, bà đã leo thang những lời lẽ hùng biện của mình, thậm chí còn cảnh báo rằng ông Trump "mất trí và không ổn định". Bà Harris ngày càng có xu hướng coi cuộc bầu cử là cuộc chiến vì nền dân chủ, giống cách mà ông Biden đã làm trước khi ông rời bỏ cuộc đua hồi tháng 7.
Các cuộc thăm dò liên tục cho thấy, nhiều người Mỹ có ấn tượng tốt về ông Trump, đặc biệt là khả năng lãnh đạo nền kinh tế của ông. Nhiều người Mỹ sẵn sàng tha thứ cho những vấn đề của ông Trump, bao gồm 4 bản cáo trạng hình sự, 2 bản luận tội và vai trò của ông trong vụ người biểu tình tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1/2021.
Chuyên gia thăm dò ý kiến kỳ cựu Frank Luntz viết trên X rằng: "Kamala Harris đã thua cuộc bầu cử này khi bà chuyển hướng tập trung gần như hoàn toàn vào việc tấn công Donald Trump".
Các cử tri đã biết mọi thứ về Trump - nhưng họ vẫn muốn biết thêm về kế hoạch của bà Harris trong giờ đầu tiên, ngày đầu tiên, tháng đầu tiên và năm đầu tiên của chính quyền mới. Đây rõ ràng là một thất bại to lớn khi bà Harris không chú trọng vào các mục tiêu cốt lõi mà cử tri Mỹ quan tâm.
Theo các cuộc thăm dò ý kiến cử tri của CNN, 51% cử tri Mỹ cho biết, họ ủng hộ ông Trump hơn bà Harris trong việc giải quyết vấn đề kinh tế. Đây chính là vấn đề mà 31% cử tri coi là vấn đề hàng đầu.
Ba là, đối mặt với nhiệm vụ bất khả thi khi phải cố gắng vượt qua tỷ lệ không tán thành liên tục thấp của ông Biden: Khoảng gần 2/3 số cử tri Mỹ, thậm chí còn lớn hơn tin rằng, nước Mỹ đang không đi đúng hướng. Trong suốt phần lớn năm 2024, Tổng thống Biden và đội ngũ lãnh đạo đảng Dân chủ tự tin cho rằng, ông Biden sẽ giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ hai một cách dễ dàng do có hồ sơ lập pháp đáng chú ý bao gồm Dự luật chi tiêu cơ sở hạ tầng lưỡng đảng lớn, Đạo luật CHIPS và Khoa học hay mức đầu tư lịch sử vào vấn đề khí hậu khi hàng tỷ USD được đổ vào sản xuất và năng lượng sạch; thậm chí nước Mỹ đã tránh được một cuộc suy thoái như dự đoán trước đó.
Tuy nhiên, có một điều gần như bất di bất dịch đó là tỷ lệ tán thành đối với ông Biden hầu như không thay đổi quá 40%, ngay cả khi ông tự nguyện rời cuộc đua vào Nhà Trắng dưới áp lực về tuổi tác và từ chính đảng Dân chủ để trao lại nhiệm vụ này cho bà Harris. Trong đó, lạm phát luôn là vấn đề dai dẳng cũng như các chương trình nghị sự của chính quyền Biden đã đẩy bà Harris vào một thế vô cùng khó.
Dưới thời chính quyền Biden, nền kinh tế Mỹ đã cải thiện đáng kể về các chỉ số chính là thất nghiệp, lạm phát và tăng trưởng. Tuy nhiên, người Mỹ cảm thấy họ đang phải làm việc chăm chỉ hơn bao giờ hết, điều này được gọi là "sự suy thoái về cảm xúc". Rõ ràng có một khoảng cách rất lớn về tình hình kinh tế hiện tại của nước Mỹ và cách công chúng nhận định về tình hình.
Bà Harris đã phải đối mặt với một nhiệm vụ bất khả thi là cố gắng chia sẻ công lao cho những thành tựu kinh tế của chính quyền Biden mà không bị coi là giảm thiểu khó khăn tài chính thực sự mà nhiều người Mỹ cảm thấy.
Bốn là, vấn đề phá thai đã không còn là động lực thúc đẩy như năm 2022 khi đảng Dân chủ vượt quá kỳ vọng trong cuộc bầu cử giữa kỳ: Theo các cuộc thăm dò ý kiến cử tri sau khi bỏ phiếu của CNN, bà Harris đã giành được phiếu bầu của cử tri nữ với tỷ lệ chênh lệch đáng kể là 54% - 44% so với ông Trump. Tuy nhiên, tỷ lệ này lại thấp hơn so với mức 57% - 42% mà ông Biden đã giành được năm 2020 ở nhóm cử tri nữ.
Năm là, không thể ngăn chặn được các khu vực bầu cử cốt lõi của đảng Dân chủ - cử tri da màu, người Mỹ Latin và cử tri trẻ - khỏi bị chia rẽ: Theo các cuộc thăm dò ý kiến cử tri sau bỏ phiếu của CNN, bà Harris giành được 86% - 12% số phiếu của cử tri da màu và 53% - 45% số phiếu của cử tri gốc Latin so với ông Trump. Nhưng trong cuộc bầu cử năm 2020, ông Biden đã giành được số phiếu của cử tri da màu với tỷ lệ lớn hơn là 92% - 8% và người Mỹ gốc Latin là 65% - 32% so với ông Trump.
Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy, nhiều người Mỹ nghĩ rằng đất nước của họ đang đi sai hướng, do đó, thông điệp lạc quan và hy vọng mà bà Harris muốn lan truyền không phù hợp với thời đại. Thậm chí nhiều cử tri Mỹ cho rằng, đảng Dân chủ không quan tâm đến khoảng cách giàu nghèo và sức mạnh chính trị của nó. Tại sao bà Harris liên tục vận động tranh cử với những người nổi tiếng giàu có? Trong nhiều thập niên, người Mỹ da màu và gốc Tây Ban Nha đã trung thành bỏ phiếu cho đảng Dân chủ và có lẽ họ đã đặt ra câu hỏi về việc liệu đã được đáp lại đầy đủ hay chưa hay phiếu bầu ủng hộ của họ cho đảng Dân chủ luôn được coi là điều hiển nhiên?
Trong chiến dịch vận động tranh cử, bà Harris hy vọng sẽ giành chiến thắng bằng cách thu hút những cử tri Cộng hòa ôn hòa và độc lập đã chán với sự chia rẽ dưới thời Tổng thống Donald Trump trước đây. Bên cạnh đó, bà Harris nỗ lực hạn chế tình trạng mất phiếu tại các quận nông thôn có nhiều cử tri Cộng hòa tại các bang như Pennsylvania. Tuy nhiên, bà đã không thành, thậm chí thành tích mà bà đạt được còn kém hơn ông Biden vào năm 2020 và tương đương với mức mà ứng cử viên Hillary Clinton đạt được năm 2016. Kể từ năm 1948 đến nay, không có ứng cử viên Dân chủ nào trúng cử vào Nhà Trắng mà không giành chiến thắng tại Pennsylvania. Trên thực tế, kết quả là năm nay ông Trump đã thắng ở Pennsylvania.
Sáu là, cử tri Mỹ có sự phân cực hơn bao giờ hết: Trong cuốn sách "Tại sao chúng ta phân cực?", nhà báo Ezra Klein của New York Times đã lưu ý rằng, 50 năm trước, mọi người bỏ phiếu theo cái gọi là đảng phái tích cực, có nghĩa là họ bỏ phiếu cho đảng mà họ thích nhất, đảng có các giá trị phù hợp nhất với giá trị của họ và đưa ra các chính sách mà họ đồng tình nhất. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong các thập kỷ gần đây.
Hiện nay, cử tri Mỹ có động lực nhiều hơn từ đảng phái tiêu cực, có nghĩa là họ bỏ phiếu cho một đảng vì họ thực sự ghét đảng đối lập. Bạn không cần phải đặc biệt tin tưởng, hiểu, đồng ý hoặc thậm chí biết đảng của mình đang đưa ra điều gì; bạn chỉ cần thấy rằng đảng đó ít gây khó chịu hơn so với các giá trị và niềm tin của phe đối lập.
Bảy là, dường như vẫn có sự phân biệt giới tính và chủng tộc trong lịch sử và đương đại. Trong số 46 tổng thống Mỹ, chỉ có duy nhất một tổng thống da màu là Tổng thống Barack Obama. Chưa từng có một phụ nữ nào trở thành tổng thống Mỹ trong suốt hơn 200 năm qua. Tổng thống thứ 47 đã gọi tên ông Donald Trump chứ không phải bà Kamala Harris.
Việc bà Harris thất bại trước đối thủ Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng vừa qua cho thấy, truyền thống bầu chọn cho vị trí cao nhất của nước Mỹ trong suốt hơn 200 năm kể từ khi lập nước đến nay vẫn không thay đổi. Cơ hội để bà Harris tạo ra bước đột phá trong lịch sử chính trường Mỹ khi là người phụ nữ đầu tiên, người phụ nữ Mỹ gốc Á - Phi đầu tiên trở thành tổng thống của xứ sở cờ hoa đã không thể trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, những gì mà bà Harris đã làm được trong suốt sự nghiệp chính trị của mình những năm vừa qua cho thấy những nỗ lực phá bỏ mọi rào cản vô hình của một người phụ nữ làm chính trị, thách thức các khuôn mẫu và đã truyền cảm hứng cho thế hệ lãnh đạo nữ mới thuộc mọi sắc tộc rằng không có giới hạn nào là không thể vượt qua.
Nguồn: dantri.com.vn