Theo Sputnik, động thái trên của Ấn Độ diễn ra ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Nyingchi, nằm ở phía đông nam Tây Tạng, giáp với Arunachal Pradesh và Lhasa vào tuần trước. Qua đó có thể thấy rõ lập trường của Bắc Kinh đối với Tây Tạng cũng như vấn đề tranh chấp lãnh thổ với New Delhi.
Ở thời điểm hiện tại cả Trung - Ấn đều đang tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực dọc theo đường kiểm soát thực tế (LAC) dài hơn 3.300km, bất chấp các cuộc đàm phán giữa hai bên đạt được trước đó.
Được biết, những chiếc tiêm kích Rafale vừa được Không quân Ấn Độ triển khai đến Hasimara sẽ được biên chế cho phi đội 101. Buổi lễ đón Rafale ở Hasimara còn có sự tham dự của Nguyên soái Không quân Ấn Độ RKS Bhadauria.
Phát biểu trong buổi lễ Nguyên soái Bhadauria cho biết: “Việc triển khai Rafale đến Hasimara đã được lên kế hoạch cẩn thận từ trước đó, nó cũng cho thấy tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng chiến đấu của Không quân Ấn Độ ở phía Đông đất nước.”
Nguyên soái Bhadauria còn đặt niềm tin lớn vào khả năng chiến đấu của Rafale trước mọi nhiệm vụ và nó đủ sức răn đe kẻ thù.Trong một tuyên bố trước đó vào ngày 28/7, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Ajay Bhatt cho biết, nước này đã tiếp nhận 26 trong 36 máy bay Rafale đặt mua từ Pháp, đồng thời nhấn mạnh lịch trình chuyển giao đang diễn ra theo đúng kế hoạch.
Việc Ấn Độ tăng cường thêm chiến đấu cơ đến gần biên giới Trung Quốc diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Tập Cận Bình đến thăm Tây Tạng, đây là chuyến công du đầu tiên của ông Tập tới khu vực kể từ sau khi giữ chức Chủ tịch nước Trung Quốc và cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Tây Tạng sau 31 năm.
Trong một chuyến thăm đến một đơn vị vũ trang của quân đội Trung Quốc ở Lhasa, ông Tập đã nhấn mạnh đến việc củng cố các khu vực trọng yếu ở biên giới đồng thời phát triển chúng theo định hướng quân sự trong thời kỳ mới.
Các báo cáo tình báo của Ấn Độ trước đó cũng cho thấy Trung Quốc đang gia tăng các cơ sở quân sự gần biên giới Ấn Độ bằng cách xây dựng hoặc mở rộng ít nhất 16 căn cứ không quân trên khắp Khu tự trị Tây Tạng.
Theo Sputnik, hai “gã khổng lồ” châu Á bắt đầu tăng cường các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng quân sự của họ dọc theo khu vực tranh chấp kể từ tháng 6/2020 sau khi xảy ra một cuộc đụng độ giữa binh sĩ hai bên ở Thung lũng Galwan. Hai bên cũng bắt đầu gửi thêm quân tiếp viện đến khu vực trong những tháng gần khi quá trình rút quân bị trì hoãn.
New Delhi và Bắc Kinh cũng cáo buộc lẫn nhau xâm phạm biên giới ở đồng bằng Depsang, đồn Gogra và khu vực Suối nước nóng.
Nguồn: vtc.vn